Thư đáp Giang Thiếu Minh

24/04/2015 1:13
Đời người một trăm năm, thời gian có là bao.

Đời người một trăm năm, thời gian có là bao. Ông xuất thân từ nhà nghèo hèn tiến lên quan chức, ấy là có phước nhất thế gian. Ông lại biết hổ thẹn hồi tâm hướng về đạo, học pháp xuất thế gian để thoát ly sanh tử, ấy là người khéo lựa chọn nhất trên đời. Cần phải quyết tử dụng công phu, chẳng màng đến việc khác, chẳng để cho người khác chi phối, tự làm chủ cho mình. Chỗ cuối cùng được chứng tỏ rõ ràng mới là bậc Đại trượng phu đã xong việc thế gian và xuất thế gian vậy.

Liên tiếp mấy ngày, Ông cùng với Lý Hán Lão đàm luận về đạo, lành thay, lành thay! Cho ông ta đã dứt được tâm rong ruỗi tìm cầu, đến chỗ “Đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt”, ngay chỗ muôn ngàn sai biệt thấy được chân tay Cổ nhân, chẳng bị phương tiện văn tự của cổ nhân trói buộc. Sơn tăng thấy ông ta như thế, chẳng hề bảo ông ta một lời, vì e làm trở ngại ông ta. Đợi khi ông ta muốn nói chuyện với sơn tăng, lúc ấy mới cùng ông ta giải rõ việc này chớ chẳng phải ngưng luôn đâu. Người học đạo nếu tâm tìm cầu chẳng dứt thì dẫu có cùng họ giải rõ cũng vô ích, vì họ là kẻ ngu si cuồng loạn chạy ở vòng ngoài.

Cổ Đức nói: “Gần gũi với người lành như đi trong sương móc, tuy chẳng ướt áo nhưng cũng được thấm nhuần”. Ông thường qua lại hầu chuyện với Lý Hán Lão, tôi rất mong, rất mong!

Ông chớ nên đem lời dạy của Cổ Đức ra bày đặt bậy bạ, như Nam Nhạc nói với Mã Tổ rằng: “Ví như trâu kéo xe, nếu trâu chẳng đi thì đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?”. Mã Tổ nghe xong ngộ ngay. Về mấy lời này, Tông Sư các nơi chẳng hội được, lại đoán mò bậy bạ, dù thuyết pháp như sấm sét cũng chỉ là hiểu theo lời nói. Ấy là phỉ báng Tổ Sư.

Xem thư ông gửi Châu Phong, ông tự ý đặt điều chú giải cho Như Lai Thiền là Tổ Sư Thiền, sơn tăng đọc qua bất giác bật cười.

Bài tụng gửi đến kỳ này, xem kỷ thấy khá hơn hai bài tụng trước, nhưng từ nay hãy ngưng hẳn, nếu cứ tụng đi tụng lại mãi thì đến chừng nào mới xong. Như Lý Hán Lão, ông ta há chẳng biết làm kệ tụng sao, tại sao ông ta không làm một chữ? Ông ta ngẫu nhiên lộ ra một đầu sợi lông thì tự nhiên gãi nhằm chỗ ngứa của sơn tăng. Như câu “Gặp người khắp nơi, gạt người trước mặt” (1) trong bài tụng Xuất Sơn Tướng, đáng làm thuốc điểm nhãn cho Tòng lâm. Một ngày nào đó Ông sẽ tự thấy, chẳng cần Sơn tăng nói trắng ra.

Gần đây, tôi thấy ông bỗng nhiên thay đổi và rất nổ lực về việc này, nên tôi viết thư này hơi dài dòng.

(1) Gặp người khắp nơi, gạt trước mặt:

Cổ Đức nói: Người học chẳng thấy được ý của chư tổ thì phải bị chư tổ lừa gạt. Cũng như người không qua được sông hồ thì bị sông hồ làm chướng ngại vậy.

 

Trích Đại Huệ Ngữ Lục

Các tin tức khác

Back to top