- Nếu quán triệt được những điều đức Phật chỉ dạy thì chúng ta có thể thoát ly luân hồi sinh tử, xa lìa những nơi chốn khổ đau.
Hayakawa lắc đầu nói một cách ôn tồn:
- Này chị bạn, phải cẩn thận không nên tuyên bố như vậy. Nếu cứ ăn nói hàm hồ như thế thì không chừng chị sẽ phải đầu thai thành loài chồn hoang đấy.
Tôi biết Hayakawa muốn nhắc đến câu truyện Bách Trượng thiền sư và Hồ Ly tăng (chồn hoang): Khi tổ Bách Trượng đến giảng dạy Phật pháp tại núi Chung Nam thì có một ông già râu tóc bạc phơ bước ra nói: “Thưa ngài, tôi đã ở núi này mấy trăm năm rồi, xưa tôi là một vị tăng hay đăng đàn thuyết pháp, nhân có người đến hỏi: “Bậc đại giác có bị luật nhân quả chi phối không?” Tôi trả lời: ”Không”. Vì thế nên khi chết đầu thai thành một con chồn hoang ở mãi nơi đây, xin ngài thương xót giúp cho tôi câu trả lời để tôi thoát kiếp chồn”. Tổ bèn nói: ”Được, ông cứ hỏi đi”. Ông lão bèn hỏi: ”Bậc đại giác có bị luật nhân quả chi phối không?” Tổ Bách Trượng trả lời: ”Họ vẫn không tránh khỏi nhân quả đâu”. Ông lão tóc trắng hốt nhiên đại ngộ, vội quỳ xuống đảnh lễ tổ Bách Trượng: “ Đa tạ hòa thượng chỉ dạy, nay con đã thoát thân chồn, xin ngài thương xót mà làm lễ hỏa thiêu cho”. Nói xong ông già hiện hình thành xác con chồn lông trắng. Tuy biết Hayakawa muốn khuyên tôi không nên chấp trước vào những phân biệt nhị nguyên, nhưng bản tính ương ngạnh không cho phép tôi chịu thua:
- Nếu nói như vậy thì tất cả đều chịu sự chi phối của nghiệp lực và người ta không thể thoát ra khỏi nó hay sao?
- Chị không nên kết luận vội vàng. Nếu quả quyết như thế thì có khác gì một kẻ chủ xướng thuyết tiền định đâu.
- Như vậy là sao? Chị ăn nói hàm hồ, chẳng có mà cũng chẳng không nghĩa là thế nào? Phải chăng chị muốn nói đến cái tự tánh trong Tánh Không…
Hayakawa ngắt lời tôi:
- Cái gì mà tự tánh trong tánh không? Làm gì có chuyện như vậy!
- Tại sao lại không?
- Chị nói nhiều quá, không đúng với tinh thần của đạo Phật.
- Tại sao không đúng?
Hayakawa không muốn cãi với tôi nên chỉ nói bâng quơ:
- Nếu muốn biết rõ hơn thì hãy đi kiếm giáo sư mà hỏi.
Tôi bật cười nghĩ thầm: “Chị chẳng hiểu gì hơn tôi mà còn làm bộ. Chị tưởng tôi không dám hỏi giáo sư hay sao? Tôi sẽ mang điều này ra hỏi cho ra lẽ và rồi chị sẽ biết tay tôi”. Một hôm nhân lúc rảnh rỗi tôi đã mang câu chuyện này ra hỏi giáo sư:
- Thưa thầy, nếu đã quán triệt được các diệu lý trong kinh điển, liệu con có thể nói cho người khác nghe được không?
- Được chứ sao không?
- Nếu không thể nói được chắc hẳn con đã không hiểu rõ chứ gì?
- Có lẽ thế.
- Tóm lại, một khi đã hiểu được thì phải nói được, có đúng không?
- Dĩ nhiên rồi, nhưng không phải người nào hiểu cũng mang ra nói. Có người hiểu rất nhiều nhưng lại không thích nói ra. Hayakawa chẳng hạn…
Câu nói vô tình của giáo sư làm tôi bật ngửa. Tôi có cảm tưởng như vừa bị ai đập cho một nhát búa chí tử. Tôi toan cãi nhưng giáo sư đã tiếp:
- Cổ nhân đã dạy: “ Biết thì không nói mà nói thì không biết”. Có những sự việc không thể nói ra bằng lời được ví khi nói ra đã xa rời sự thật rồi. Có những việc người ta chỉ có thể kinh nghiệm chứ không thể diễn tả. Do đó ai uống nước thì biết nóng lạnh nhưng kẻ chưa uống thì làm sao biết được! Ngôn ngữ chỉ là những gì tương đối, không thể diễn tả được cái tuyệt đối. Tóm lại, con đừng quá tin tưởng vào lý luận, ngôn từ mà rời xa sự thật.
Tôi cảm thấy hai tai nóng lên, không biết vì xấu hổ hay vì điều gì khác. Giáo sư nhìn tôi một lúc. Dường như ông hiểu tâm trạng bối rối của tôi nên ôn tồn khuyên:
- Một kẻ thích nói thì không thể nghe thêm một điều gì khác, do đó sự hiểu biết thường hời hợt nông cạn mà thôi. Một người chỉ có thể nghe hoặc nói chứ không thể làm cả hai việc một lúc. Phật pháp cao siêu vô cùng, thoáng nghe tưởng giản đị nhưng thật ra người ta phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới vỡ ra được. Như ta đây đọc kinh Phật nhiều lần mà mỗi lần đọc lại đều tìm thấy những điều mới lạ. Thế mới biết biển học thật bao la vô cùng, đừng bao giờ bằng lòng với cái mình đã biết mà phải đào sâu thêm nữa. Càng học nhiều càng thấy mình không biết gì mới đúng với tinh thần học. Đừng tự hào về kiến thức nhỏ nhoi của mình. Hẳn con biết chuyện học giả Mito đến viếng thiền sư Nan In chứ gì? Học giả Mito tự hào lầu thông kinh điển nhưng vẫn đến thăm viếng thiền sư Nan In để hỏi về thiền. Thiền sư mời nhà học giả uống trà nhưng khi rót, mặc dù chén trà đã đầy ắp, ông cứ tiếp tục rót nữa khiến trà tràn đầy ra ngòai. Học giả Mito ngạc nhiên hỏi:” Trà đã đầy rồi, sao ngài cứ rót mãi như thế?” Thiền sư chỉ vào chén trà đầy ắp nói:” Tâm ông giống như cái chén trà đã đầy ắp thành kiến và tư tưởng thì làm sao ta rót trà của ta vào đó được nữa?”
Ngưng lại một lúc như để cho tôi thấm thía câu chuyện trên, giáo sư nói tiếp:
- Hẳn con biết chuyện mười bảy vị tăng đi tìm đạo trên đỉnh Tuyết Sơn rồi chứ gì? Họ đi từ Nhật đến Tuyết Sơn để cầu đạo giải thoát nhưng khi đến chân núi Tuyết thì họ dừng lại rồi quay về Nhật. Họ cho rằng họ đã giác ngộ và phải quay về để lo việc cứu độ chúng sinh. Con nghĩ thế nào về những người đó?
Tôi có cảm tưởng như vừa bị khâu chặt miệng, không nói năng gì được. Giáo sư thong thả nói tiếp:
- Tại sao họ không leo lên đỉnh Tuyết Sơn như đã dự định? Phải chăng khi đến chân núi, họ thấy việc tìm đạo như vậy đã đủ? Dù sao họ cũng đã đi từ Nhật qua Tuyết Sơn, trải qua một cuộc hành trình khá gian nan. Một khi nghĩ rằng “đã đủ” nghĩa là đã bằng lòng với cái mình có thì không bao giờ người ta có thể vượt qua bờ bên kia được. Đó là lười biếng, khiếp nhược, thiếu dũng cảm. Những kẻ tìm đạo như thế sẽ không bao giờ giải thoát được cho mình chứ đừng nói cứu được ai. Đó là những kẻ không biết bơi nhưng vẫn nói rằng họ sẵn sàng nhảy xuống sông cứu người chết đuối. Họ sẽ chẳng cứu được ai mà còn làm hại đến mình nữa. Đó là những kẻ viển vông, tu hành để giải trí, tiêu khiển; những kẻ chỉ thích ngộ nửa chừng mà thôi.
Trích HOA TRÔI TRÊN SÓNG NƯỚC
Nguyên tác: Journey In Search Of The Way-The Spiritual Autobiography Of Satomi Myodo
Nguyên Phong Việt dịch, Làng Văn xuất bản 1996
Các tin tức khác
- Ta cũng có lưỡi ( 5/05/2015 12:27)
- Tinh thần bất an từ đâu? ( 5/05/2015 12:13)
- Tìm lại chính mình ( 5/05/2015 12:06)
- Vượt thắng giải đãi lười biếng ( 4/05/2015 11:51)
- Mọi sự đều được dàn xếp trơn tru ( 4/05/2015 4:49)
- Chân thật chấp nhận ( 4/05/2015 4:44)
- Biết vô thường, quý tiếc thời gian, tinh tiến tu hành ( 4/05/2015 4:20)
- Thuận theo tự nhiên là một loại phúc ( 3/05/2015 4:50)
- Vì sao chúng ta gặp chướng ngại? ( 2/05/2015 4:08)
- Thương điều khó thương ( 2/05/2015 4:06)