Thư đáp Lý Hiến Thần (III) - Đại Huệ Ngữ Lục

24/05/2015 1:37
"Cung người ta chớ cầm, ngựa người ta chớ cưỡi, việc người ta chớ biết". Lời này dù tầm thường cũng có thể làm trợ duyên để đi vào Đạo.

Hàng ngày thường nên tự kiểm điểm từ sáng tới tối đã làm việc gì tự lợi, lợi người? Nếu cảm thấy hơi thiêng một bên thì phải tự cảnh sách, chẳng nên khinh thường. Xưa kia Thiền Sư Đạo Lâm kết Am trên cây tùng nơi núi Tần Vọng, người thời ấy gọi Ngài là Hòa thượng "Ổ chim". Khi Bạch Cư Dị làm quan Thị lang ở Tiền Đường có vào núi thăm Sư. Ông thưa:

Chỗ ở của Sư rất nguy hiểm.

Sư Nói:

Lão tăng có gì nguy hiểm? Thị lang càng nguy hiểm hơn!

Đệ tử trấn thủ giang sơn có gì nguy hiểm? 

Củi lửa lẫn lộn, Tánh thức chẳng ngừng, há chẳng phải nguy hiểm ư!

Dị lại hỏi:

Thế nào là đại ý Phật pháp? 

Sư nói:

Việc ác chớ làm, việc thiện phụng hành.

Con nít ba tuổi cũng biết nói như thế.

Con nít ba tuổi dù nói được, ông già tám mươi hành chẳng được.

Dị liền lễ bái cáo từ.

Nay muốn ít phí Tâm lực chớ màng đến con nít nói được hay nói chẳng được, ông già tám mươi hành được hay hành chẳng được, hễ việc ác chớ làm thì xong. Lời này tin hay không tin xin nghĩ kỹ!

*

Vô minh của người đời tuy đang hiện hành, nếu làm thiện thì phước dù chưa đến cũng hơn người không liêm sĩ mang danh thiện mà làm ác. Trong Kinh nói: "Nhân địa chẳng chơn thì chiêu quả quanh co". Hể trực tâm trực hành, thẳng đến Vô thượng Bồ đề mới gọi là việc làm của Đại trượng phu chân thật. Việc từ trần sa kiếp chỉ ở hiện nay, nếu hiện nay hội được thì việc trần sa kiếp tức thời tan rã. Nếu hiện nay chẳng hội thì lại trải qua trần sa kiếp nữa, cũng chỉ như thế thôi. Cái pháp như thế xưa nay thường vậy, chưa từng có một chút dời đổi.

Việc trần lao trong thế gian như mắt xích nối nhau không dứt. Hễ giảm bớt được thì cứ bớt, vì tập khí từ vô thuỷ đã quá quen thuộc, nếu không ra sức chống lại thì lâu ngày bất tri bất giác lún đầu xuống sâu, đến khi lâm chung ắt tay chân rối loạn. Nếu muốn khi lâm chung không rối loạn thì phải từ cuộc sống hàng ngày hiện nay làm việc gì cũng phải không rối loạn mới được.

Có một hạng người sáng thì xem Kinh niệm Phật sám hối tối thì tạo khẩu nghiệp chửi mắng người, hôm sau lễ Phật sám hối như cũ. Từ đầu năm đến cuối năm, mỗi ngày làm thời khóa như thế, ấy thực là quá ngu si. Không biết chữ Sám là tiếng Phạn, chữ hối là tiếng Hán, nghĩa là phải đoạn dứt cái tâm tương tục. Hễ sám hối thì dứt hẳn, chẳng còn tạo tội nữa. Theo ý Phật nên sám hối như thế, người học Đạo phải biết đúng như vậy.

*

Người học Đạo trong mười hai thời, tâm ý thức thường nên yên tịnh. Lúc bình thường cũng nên yên tịnh, khiến thân tâm chẳng buông lung. Tập lâu thành quen thuộc, tự nhiên thân tâm hướng về Đạo.

Nhưng yên tịnh Ba La Mật chỉ để trị bịnh vọng giác tán loạn của chúng sanh mà thôi. Nếu chấp ở nơi yên tịnh cho là cứu cánh thì sẽ bị lọt vào tà thiền Mặc chiếu.

*

Bát nhã (tiếng Phạn) dịch là Trí tuệ. Chưa có người đã thấu rõ Bát nhã lại còn tham, sân, si, ái cũng chưa có người đã thấu rõ Bát nhã mà lại còn độc hại chúng sanh, vì làm những việc này là trái nghịch Bát nhã, đâu thể gọi là Trí tuệ.

*

Hằng ngày đem việc sanh tử thường để trong niệm thì Tâm trí đã Chánh. Tâm trí đã Chánh thì khi ứng dụng hàng ngày tùy duyên làm việc, chẳng phí sức buông bỏ tà ác. Chẳng tà ác thì Chánh niệm độc thoát, Chánh niệm độc thoát thì lý tùy sự biến, lý tùy sự biến thì sự đắc lý dung, sự đắc lý dung thì ít phí sức lực. Khi vừa cảm thấy ít phí sức lực tức là chỗ đắc được trong việc học Đạo này. Chỗ đắc được ít phí sức vô cùng. Chỗ ít phí sức là chỗ đắc lực vô cùng.

*

Việc này cho người thông minh lanh lợi gánh vác, nhưng nếu ỷ thông minh lanh lợi thì chẳng có phần để gánh vác. Kẻ thông minh lanh lợi dù dễ nhập Đạo mà khó nơi bảo nhiệm, vì chỗ nhập cạn mà sức yếu. Vì người thông minh lanh lợi vừa nghe Thiện tri thức nói ra liền đem tâm ý thức lãnh hội ngay vậy. Nếu cứ lãnh hội như thế là tự làm chướng ngại, suốt kiếp không khi nào được ngộ, vì ma quỷ bên ngoài gây họa còn có thể trị, còn chính Tự tâm mình chướng ngại thì vô phương trị.

Chứng Đạo Ca rằng: "Tổn pháp tài, diệt công đức, tất cả đều do Tâm Ý Thức" là nghĩa này vậy.

 

Theo Đại Huệ Ngữ Lục

Các tin tức khác

Back to top