Vô thường mau chóng

4/07/2015 2:00
Ví dụ khi đang khỏe mạnh, nếu có ai đó khuyên tu hay bảo làm việc tốt gì đó thì chúng ta thường chần chừ, cứ sống tà tà và hẹn từ từ rồi hãy làm, không có gì vội. Tình cờ đi khám sức khỏe, bác sĩ báo bị ung thư, thời gian sống không còn được lâu nữa.

Khi thấy cái chết đã cận kề, chờ chực sẵn một bên thì có còn thời giờ để hẹn nữa không? Nghe báo tử rồi thì hễ thấy cái gì cần làm là tranh thủ làm ngay, không cần ai đôn đốc cả. Nếu có hiểu biết Phật pháp thì chúng ta sẽ tranh thủ thu xếp, gói gọn mọi việc để cắm đầu cắm cổ lo tu tập, không còn thời gian để hẹn nữa. Trong cuộc sống, nếu chúng ta thấy rõ vô thường mau chóng thì lòng xem nhẹ mọi thứ bên ngoài, tranh thủ thu xếp mọi việc và khéo ứng dụng tu tỉnh trong mọi hoàn cảnh thì tất cả mọi việc đều được chu đáo, mỗi một ngày qua là một ngày sống vui và cuộc sống sẽ trở nên sinh động, đầy ý nghĩa.

Nghiệm lại trên thực tế, nhất là những người đã có tuổi, tóc đã bạc thì sẽ thấy cuộc sống của mình từ nhỏ cho đến lớn như là mới thoáng chốc đây thôi. Nếu đem khoảng thời gian còn lại được sống so sánh với khoảng thời gian quá khứ mình đã sống qua thì sẽ thấy khoảng thời gian còn lại để sống không còn nhiều nữa. Kỷ niệm thơ bé ngày nào, bây giờ ngồi nhớ lại như mới xảy ra hôm qua. Và giờ đây tuổi đã lớn, tóc đã bạc, mới thấy cuộc sống sao mà ngắn ngủi vô cùng. Khi thời gian trôi qua và cuốn phăng mọi thứ đi rồi, chúng ta có muốn quay trở lại cũng không được nữa. Ngồi đó mà hối tiếc có ích lợi gì! Ngay từ bây giờ, sao không chịu ngồi lặng lại, tỉnh táo mà xét cho tường tận để thấy rõ vô thường nhanh chóng, sống nay chết mai bất thường, nó rình rập chực sẵn bên mình, sẵn sàng cướp đi mạng sống của mình bất cứ lúc nào, để từ đó thấy rằng một ngày còn sống là một ngày đáng trân quí và phải tận dụng để sống cho xứng đáng, để không hối tiếc về sau?

Ngài Qui Sơn Linh Hựu, một vị Thiền sư nổi tiếng đã nói: “Vô thường già bệnh không hẹn cùng người, sáng còn tối mất chỉ trong khoảng sát-na là đã qua đời khác. Ví như sương mùa xuân, móc sáng sớm bỗng chốc liền tan, cây bên bờ vực, dây leo miệng giếng há được lâu bền. Niệm niệm qua nhanh chỉ trong khoảng sát-na, chuyển hơi thở đã là đời sau. Sao lại ngồi yên để ngày tháng trôi suông vô ích?”

Ngài nói sự vô thường già bệnh nó không hẹn với bất cứ một người nào. Mới sớm thì còn, lát tối lại mất, chỉ trong một khoảng chớp thôi là mình đã qua đời khác. Mạng sống của con người cũng giống như sương mùa xuân, móc sáng sớm, thấy thì có đó, nhưng chỉ cần nắng lên chút xíu là tan liền, đâu có tồn tại lâu dài. Giống như cây mọc bên bờ vực, nửa trên nửa dưới, chỉ cần một làn nước cuốn, một ngọn gió chợt thổi qua, một cơn mưa ngấm vào làm đất sạt lở… thì liền đổ ngã. Và cũng như dây leo ở miệng giếng rất mong manh, không có gì bền chắc cả. Mỗi niệm, mỗi niệm cứ qua nhanh, chỉ trong thoáng chốc hơi thở vừa chuyển, vừa thở ra mà không hít vào thì mình đã qua đời sau. Nó vốn ngắn ngủi như vậy, tại sao mình lại ngồi không để cho thời gian trôi qua suông, cuốn phăng đời mình một cách vô ích như vậy?

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật nói mạng sống của chúng ta chỉ trong hơi thở. Trên thực tế, bất kỳ ai thở ra mà không hít vào là chết, có nghĩa là chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Khoảng thời gian còn sống đây không có gì đảm bảo là lâu dài được. Con người ai cũng sợ chết, nghe nói tới chữ chết là đã không ưa rồi. Thêm một ngày qua đi nghĩa là đưa chúng ta tiến đến gần với cái chết. Nhưng phần đông con người chúng ta thường trông chờ ngày mai coi thử có gì hay hơn, vui hơn không. Trông chờ ngày mai có nghĩa là trông mong đưa mình đến với chỗ chết. Tâm lý thì sợ chết, nhưng lại trông đến ngày mai để gần với cái chết hơn, có mâu thuẫn không? Để thấy, do thiếu sáng suốt nên thường sống trong mê lầm, dẫn đến nhiều thứ mâu thuẫn như vậy. Muốn ngày mai vui hơn thì ngay từ ngày hôm nay, ngay phút giây hiện tại này, tại sao chúng ta không sống thực sự có ý nghĩa, không phấn đấu sống cho tốt hơn ngày hôm qua, mà lại ngồi đó mong chờ một cái gì đó viễn vông, không có căn cứ?

Mỗi ngày qua là một ngày bào mòn thân mạng con người, đưa chúng ta đến gần với cái chết, làm giảm bớt đi thời gian quý báu còn lại của mình. Chỉ cần nhìn lại thì ai cũng thấy rõ sự thật này. Từ đó chúng ta mới biết quý tiếc thời giờ để tận dụng dành vào những việc làm có ý nghĩa và cần thiết, sẽ sống với những phút giây có giá trị nhất. Động lực đó sẽ cho chúng ta một cuộc sống tích cực, sống động, trở nên có ý nghĩa và không để đời mình trôi suông vô ích. Đến khi nhắm mắt, chúng ta sẽ thấy xứng đáng, không có gì hối tiếc cho khoảng thời gian mình đã sống qua. Nếu chưa thấy rõ, đến khi gần chết thì ai cũng sẽ nhận ra như vậy, nhưng mọi chuyện đã trễ, không còn làm gì được nữa. Chi bằng hôm nay nên nhận biết trước để lo cho mình thì khi đang sống cũng có ý nghĩa và đến lúc gần nhắm mắt lìa đời cũng được an vui. Như vậy không thích hơn sao?

 

Trích Chớ Để Thời Giờ Qua Suông

Thích Tâm Hạnh

Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Thừa Thiên Huế

Các tin tức khác

Back to top