Chánh pháp khó nghe

6/07/2015 1:40
Xưa kia, trong một tiền kiếp, đức Phật là một nông dân ra đời không gặp Phật để nghe pháp, không có Tỳ kheo tăng để cầu pháp. Ngài thiết tha cần cầu chánh pháp nhưng không có ai nói pháp cho nghe.

Có một người hàng xóm bảo: “Tôi biết ba điều giới luật”. Anh nông dân nghe thế trong lòng rất vui mừng quỳ xuống khẩn cầu. Người hàng xóm bảo: “Phật pháp vô thượng, ông chỉ muốn được nghe suông thôi sao?” Anh nông dân hỏi: “Vậy phải làm sao?” Người hàng xóm bảo: “Mỗi lỗ chân lông châm vào một cây kim, máu chảy ra như suối mà không có tâm hối tiếc thì mới được”. Anh nông dân vui mừng thưa: “Dẫu giết chết thân này tôi vẫn vui vẻ làm theo, huống nữa là còn sống?”. Anh nông dân liền ra chợ mua kim rồi tự tay châm vào thân thể mình, máu ra như suối. Người hàng xóm cảm phục ý chí của anh bèn trao cho bài kệ:

Giữ miệng và nhiếp ý, 

Thân không phạm điều ác. 

Trừ được ba hành này, 

Thẳng tắt thành bậc Hiền.

Anh nông dân nghe xong trong lòng rất vui mừng, thân thể liền được bình phục như cũ, trời người đều khen ngợi. Từ đó càng thêm tinh tấn, trải qua nhiều kiếp không hề biếng nhác cho đến ngày thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Châm kim đầy mình, máu ra như suối chỉ để được nghe một bài kệ. Vì trân quý chánh pháp, dốc hết tâm quên mình cầu đạo cho nên vị nông dân này mới thiết tha, hết lòng siêng năng tu tập, trải qua thời gian lâu dài vẫn không hề chán mỏi, mới thành chánh quả. Như vậy, muốn nghe được chánh pháp là khó hay dễ? Ngày xưa, ra đời gặp thời không có ai nói pháp thì mới thấy chánh pháp khó được nghe. Do đó khi nghe được thì thấy vô cùng quý giá, dốc tâm tu hành. Còn ngày nay được nghe nhiều quá, phương tiện nghe pháp cũng dễ dàng quá cho nên sự tu hành cũng khiêm nhường, ít tiến bộ được như người xưa.

Hiện nay quý Thầy giảng nói khá nhiều, kinh luận in ấn cũng nhiều, phương tiện thông tin đại chúng hiện đại hơn rất nhiều nên chúng ta thấy chánh pháp vẫn dễ được nghe. Tuy được nghe nhiều, nhưng lắm lúc chúng ta cảm thấy khó hiểu, chưa thông hiểu hết nghĩa lý cho nên cũng đồng với nghĩa “khó nghe”. Có khi mình ngồi nghe mà còn buồn ngủ, hoặc tuy có chú ý nghe mà cũng cảm thấy khó tiếp thu, khó hiểu sâu đúng nghĩa, thành ra cũng là khó nghe. Như vậy quý vị đã thấy chánh pháp là khó nghe như thế nào chưa?

  

Trích Chớ Để Thời Giờ Qua Suông

Thích Tâm Hạnh

Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Thừa Thiên Huế

Các tin tức khác

Back to top