Chuẩn bị cho cái chết

9/09/2015 2:42
Việc thực hành Pháp có được ý nghĩa chân thực trong sự chuẩn bị cái chết. Như thế giá trị đầy đủ của nó trở nên hiển nhiên.

Bởi ta đã thực hành trong cuộc đời, ta sẽ không sợ hãi khi tiến trình của sự hấp hối bắt đầu. Chúng ta sẽ bám rễ vào niềm tin và biết rõ thái độ nào là lợi lạc và thái độ nào không có lợi trong tiến trình này. Ta sẽ thu hoạch trái quả của một cuộc đời được dâng hiến cho việc thực hành Pháp. Tuy nhiên, nếu ta chỉ bắt đầu thực hành của ta vào giây phút cuối cùng, các kết quả tốt lành của nó sẽ không trở thành hiện thực. Hậu quả của những hành vi có hại của ta sẽ đi theo chúng ta vào quá trình của sự hấp hối giống như một cái bóng và dẫn tới những kinh nghiệm về nỗi khổ ghê gớm. Vì thế, ta nên áp dụng những giáo huấn không chút trì hoãn và giải tan gánh nặng của những hành vi ác hại khi vẫn còn thời gian.

Có lẽ ta tự nhủ rằng nếu ta không suy nghĩ quá nhiều về cái chết thì tốt hơn bởi dù sao chăng nữa ta cũng không thể ngăn ngừa nó, và sự suy nghĩ về nó có lẽ chỉ làm ta kinh hãi hay ngã lòng. Nhưng kềm chế tư tưởng về cái chết không phải là điều khôn ngoan. Chỉ khi ta nhượng bộ sự thực của cái chết, đầu hàng điều không thể tránh khỏi và không thể đoán trước của nó, ta mới có thể tự chuẩn bị về nó và nhìn nó bằng đôi mắt an bình và một tâm thức trong trẻo. 

Cái chết của ta có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, hoặc bởi một tai nạn, một chứng bệnh bất ngờ, thực phẩm hư hỏng – hầu như mọi sự đều có thể trở thành nguyên nhân cho cái chết của ta. Ta không thể biết được thời điểm sẽ tới của ta. Và dù có thể cố gắng, ta không thể ngăn ngừa cái chết sẽ đến – giống như ta không thể làm dừng lại tiến trình của mặt trời. Đối diện với cái chết, mọi của cải và quyền lực sẽ tuyệt đối không thể giúp ta được gì. Ta sẽ phải bỏ lại mọi sự ở phía sau. Nếu ta dùng toàn bộ cuộc đời mình để tích tập mọi sự, nỗ lực chiến thắng bè bạn, tạo dựng quyền lực và thành tựu danh vọng, thì điều đó có nghĩa là ta đã đặc biệt theo đuổi khuynh hướng chấp-ngã và bị vướng sâu vào chúng một cách đầy cảm tính.

Vào lúc chết, ta sẽ không còn cơ hội để tự giải thoát khỏi tình cảnh này. Mọi nỗ lực ta đã dùng khi nỗ lực bòn rút hạnh phúc cho chính mình từ cuộc đời này sẽ chỉ dẫn tới một núi nghiệp tiêu cực, khi mọi hành động của ta được thúc đẩy bởi sự quy-ngã. Vào lúc chết, năng lực của những hành vi có hại này sẽ ném ta vào một trong ba cõi hiện hữu có đặc điểm là đau khổ, nghĩa là các cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Trong những cõi này sự đau khổ ghê gớm trội vượt thì mãnh liệt hơn nỗi khổ ở cõi người rất nhiều.

Nếu ta không đủ động lực để thực hành tâm linh, điều đó ngụ ý rằng ta đã cho là mình am tường về lẽ vô thường và cái chết. Ta có thể không muốn nghĩ đến các hậu quả của một cuộc đời đã bị phí phạm với những hoạt động vô nghĩa; như thế ta chỉ khẳng định rằng việc tự chuẩn bị cho cái chết và thời gian sau đó là điều không cần thiết. Ta bị dính mắc vào đời sống thế tục và những lạc thú của nó và coi hạnh phúc hiện tại của ta là điều quan trọng nhất. Nhưng cuối cùng ta sẽ phải chấp nhận hậu quả của những hành động của ta, và khi đó sẽ quá trễ để thay đổi mọi sự.

Khi ta đầu hàng sự thực của cái chết, nhiều điều trước đây bị che dấu bởi cái nhìn của ta, thì nay với ta chúng sẽ trở nên rõ ràng. Ta sẽ không chỉ thấy cái chết nhất định xảy ra mà cũng thấy rằng việc nó xảy đến hoàn toàn không thể đoán trước. Cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào. Ta không có thời gian để uổng phí. Ta nên bắt đầu sự chuẩn bị của mình tức thì và kềm chế mọi hành động dẫn tới những tái sinh đau đớn. Việc thiền định về năng lực quyết định-tất cả của nghiệp, quyết định ta sẽ xử sự ra sao trong tương lai, là một động cơ mạnh mẽ đối với ta để tham gia vào những hành động tốt lành, hiến mình cho Pháp và ngừng đánh mất thêm thời gian trên con đường dẫn tới giác ngộ.

Những hậu quả của nhiều hành động có hại mà chúng ta đã đảm nhận tạo nên nguy hiểm to lớn nhất trong cái chết. Ta phải lập tức học tập cách thức giải quyết những chủng tử này với sự trợ giúp của Pháp và thay vào đó là những hạt giống của cây trái hạnh phúc. Chỉ có Pháp, con đường của sự giải tan tính chất hoàn toàn-quy ngã là có năng lực này. Vì thế, ta phải lập tức áp dụng các phương pháp của Giáo pháp. Trong quá trình hấp hối và sau đó, khi ta tìm kiếm sự che chở một cách tuyệt vọng, giúp đỡ hữu hiệu duy nhất sẽ đến từ Phật, Pháp và Tăng.

Thật sai lầm khi nghĩ rằng ta mở lòng với Tam Bảo vào giây phút cuối là đủ. Ta phải thực hành việc lập các nguyện ước và quy y Tam Bảo và Đạo sư trong toàn bộ tiến trình cuộc đời ta, khiến cho thái độ này bám rễ sâu xa và hoàn toàn tự nhiên vào lúc chết. Khi ta không chuẩn bị điều đó, hấp hối là một tiến trình đau khổ, và ta có thể không phản ứng với nó một cách an định và bình tĩnh như ta ước muốn, bởi để cho qua mọi sự và đi vào chốn chưa từng biết tới là điều không dễ dàng. Sẽ quá trễ để học điều gì mới mẻ – khi ấy những tập quán tốt của ta sẽ hỗ trợ cho ta.

Khi ta dâng hiến đời mình cho việc thực hành Pháp, ta học chuyển hóa những hoàn cảnh khó khăn thành con đường dẫn tới giác ngộ, tịnh hóa nghiệp lực của ta và giải thoát mình khỏi gánh nặng của quá khứ. Việc thực hành Pháp cũng giải thoát ta khỏi khuynh hướng cắm rễ sâu xa khiến lập đi lập lại những sai lầm tương tự và liên tục tạo nên đau khổ mới. Dần dần, trong sự đau khổ của chúng sinh, việc thực hành Pháp khiến ta đứng cạnh họ và cứu giúp họ giải tan nghiệp chướng. Nhờ năng lực của hứa nguyện thực hành của ta và nhờ sự thanh tịnh của động lực, ta sẽ có thể gây hứng khởi cho càng lúc càng nhiều chúng sinh đi trên con đường giải thoát. Theo cách này, thực hành của ta quả là sự thực hiện lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

 

Trích LỜI KHUYÊN THA THIẾT CỦA MỘT ĐẠO SƯ ĐẠI ẤN – CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT   

Gendun Rinpoche Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

Các tin tức khác

Back to top