Cảnh cùng khốn

26/09/2015 3:50
Người xưa nói: “Cảnh cùng khốn phải chăng là trường thí nghiệm về nhân cách con người? Phải chăng, cùng khốn hay không cùng khốn là do hoàn cảnh. Cảnh có thể cùng khốn mà cuối cùng không thể làm cho cùng khốn là do con người? Cái mà bậc trượng phu giữ gìn là trung chánh, tuy rằng trăm lần gãy đổ mà họ vẫn điềm nhiên không lo lắng. Cái mà tiểu nhơn hướng tới là tà vạy, sớm chiều bo bo mưu kế vị lợi. Cho nên, sự phân biệt giữa trượng phu và tiểu nhơn là ở ngay trong cảnh cùng khốn mà thấy rõ.”

Có lẽ người xưa cũng đã nếm trải nhiều cảnh cùng khốn, trong cảnh cùng khốn ấy quý Ngài đã sống dậy được nên mới toát ra những lời để lại cho chúng ta mãi đến bây giờ đọc lại vẫn còn thấy rất mới.

Hình như đường đời không dễ dàng bằng phẳng như chúng ta nghĩ! Cứ hết nghịch cảnh này đi qua rồi cảnh cùng khốn khác lại kéo đến không cho chúng ta kịp nghỉ ngơi chốc lát. Là bậc trượng phu thì trong từng khoảnh khắc, ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì cũng thường giác tỉnh, giữ lấy sự trung chánh, không bị nhầm lẫn. Chính mình trung chánh, thường nghĩ lợi ích cho người nên các Ngài luôn luôn được an vui và ổn định. Nếu khác như vậy là người quá quan trọng mình, quan trọng những thứ bên ngoài cho nên muốn chiếm đoạt và giữ lấy. Khi vừa bất giác, vô minh liền sanh nên sớm chiều họ nghĩ đến điều cong vạy, bo bo mưu tính thủ lợi cho mình. Từ đó, tất cả những tư duy đều suy xét qua bản ngã của mình mà ít có khi nghĩ đến người khác.

Chính suy nghĩ và hành động đó đã tự đóng khung, tự nhốt mình trong ngục tù của vô minh phiền não, khiến mình và người đều bất an, chuốt lấy khổ đau cho đời này và mãi về sau nữa. Chỉ có nội tâm của ai đã thật sự dừng nghỉ, mới không chút gợn tí trước những nghịch cảnh của cuộc đời. Phải chăng người xưa đã thấy rõ như thế cho nên các Ngài mới nhắc thức cho chúng ta tỉnh giác để kịp chuẩn bị tư trang trước cho mình?

Song mà, không phải vì những nghịch cảnh mà con người bất lực, chối bỏ cảnh đời một cách dễ dàng. Nói là nghịch cảnh, mới nghe qua có vẻ oai hùng, nhưng chúng ta cứ thử một lần giác lại, tìm lại dấu vết của chúng và đem ra cho mọi người xem chúng có tăm dạng gì chăng! Vừa xoay lại tìm, chúng liền mất dạng. Mới hay ra rằng, không một nghịch cảnh nào thật có. Thiền sư Nham Đầu Toàn Khoát đã nhắc lại lời cổ nhơn: “Chẳng phải trần chẳng xâm phạm ta, nhưng khi ta vô tâm thì nó cháy.” Nếu muốn dẹp hết trần cảnh để không còn tác động đến chúng ta nữa thì thử hỏi, đem núi sông quả đất ném bỏ đi đâu? Cảnh không thể chuyển, có thể chuyển được là do tâm. Nơi tâm đã rỗng thênh thì còn luận gì đến cảnh trần có xâm phạm hay không xâm phạm?

Ở đây cần phải có sự thể nghiệm, không thể nói và hiểu suông. Một người đang đói khát giữa sa mạc mà được ai đó cho một cốc nước lã uống vào thì cảm thấy rất ngon và quý nó. Giữa sa mạc nắng nóng chỉ biết có nước lã, không còn biết có gì khác nên bị nước lã cuốn hút đắm say, còn suy nghĩ và thương cho những người thân ở nhà không có nước lã để uống. Nhưng khi về đến nhà thì mới biết mọi người trong nhà đã dùng no nê những món thượng vị, nước lã chỉ là nước lã thôi.

Chúng ta đang đói khát và còn đang quá đói khát với thượng vị giác ngộ. Có khi ở trong ngôi nhà Phật pháp mà vẫn đang đói khát , thiếu sự nhận chân và thể nghiệm chánh pháp nơi tự tâm mình. Từ đó, bị nước lã của ngũ dục, của những cảnh duyên bên ngoài chi phối, cuốn hút rồi nhầm tưởng cho nước lã là đồ uống quý cho nên chúng ta quá quan trọng về nó. Thích thì muốn lấy về, ghét thì muốn bỏ đi, tâm thủ xả từ đó nảy sanh và bắt đầu bị cảnh trần chi phối, sanh ra bao thứ rối ren, để rồi tạo thành nghiệp chướng, oan khiên, nợ nần… đời đời vay trả, trả vay rồi đau khổ. Nếu chúng ta thử một phen mạnh dạng, dám xem nhẹ và từ bỏ tất cả những thứ bên ngoài thì mới may ra có cơ hội nếm được thượng vị sâu lắng, bàng bạc và an vui tột cùng từ nơi sâu thẳm tâm mình, khi ấy mới hay ra rằng, những thứ bên ngoài chỉ là nước lã.

Đối với một người đã no đủ thượng vị rồi thì nước lã không còn giá trị, nó hoàn toàn mất trọng lượng, không còn tác dụng lên người đó nữa, có và không giống nhau. Đối với tất cả cảnh, không lấy cũng không bỏ, thể tự như như, vốn là như vậy. Lúc này, mọi lẽ sâu mầu tự mình cảm nhận. Không muốn giải thoát cũng tự giải thoát, không nhọc nhằn phải dẹp bỏ hay dính mắc tìm cầu nhận về một điều gì đó bên ngoài. Với người này, tất cả vị đều là thượng vị, tất cả cảnh là cảnh giải thoát, tất cả nơi toàn không ngăn ngại, tất cả thời luôn được mát lành. Thuận cảnh hay nghịch cảnh cũng đồng một loại là cảnh duyên. Đối với tất cả cảnh duyên, thảy đều như như không động.

Cho nên Người xưa nói: “Khoảng giao thời giữa mùa xuân và mùa hạ, tùng bách và tất cả cây cối khác đều sum suê tươi tốt. Trải qua mùa thu, cây cối rụng lá rất nhiều. Trải đến mùa đông, tất cả cây cối đều rụng trơ trọi. Lúc đó, cây còn lá chỉ có tùng bách mà thôi. Tiết tháo của bậc trượng phu há có khác cây này? Đương lúc thái bình vô sự, bậc trượng phu cùng mọi người giống nhau. Đến khi gặp nguy khốn, tiết tháo của bậc trượng phu mới tiết lộ. Gặp việc nguy biến, tiết tháo của bậc trượng phu càng lộ rõ hơn. Bậc trượng phu lúc ấy há không giống tùng bách vào mùa đông lạnh rét hay sao?”

Chỉ lòng này vững, lo gì duyên cảnh bên ngoài. Trụ trục vững vàng, vạn vật quay quanh một quỹ đạo. Nhiều điểm quay quanh vòng tròn, và chúng không tách rời tâm! Ngoài tâm không cảnh, ngoài cảnh không tâm, tâm cảnh không hai, thì có cảnh nào làm ngại? Cho nên, khi trụ cột tâm này đã vững thì tùy thời lợi ích cho người. Không phải có tâm bày biện theo cảnh, cũng không sanh tâm trốn bỏ cảnh duyên. Chỉ là không tâm trên cảnh, không cảnh nơi tâm, tâm cảnh nhất như, thì tuỳ thời giáo hóa độ sanh, có gì ngăn ngại!
Ông Phan Diên Chi hỏi về quan yếu của phép giữ gìn đạo pháp và hành đạo, Thiền sư Hoàng Long đáp: “…Người kia leo lên núi ngàn tầm, ta cũng leo lên bằng họ; người kia chịu khốn cực để xuống dưới vực sâu chín tầng, ta cũng xuống dưới ấy bằng họ. Tài khéo muốn lên cao của họ đã cùng, vọng tưởng muốn xuống thấp của họ đã hết, tự nhiên họ phải nghỉ.”

Mình đã thật sự dừng nghỉ thì bao nhiêu cảnh khác cũng sẽ dừng theo. Người xưa nói: “Người ta thường soi mình nơi dòng nước đứng, chứ không có ai soi mình nơi dòng nước chảy. Chỉ có cái gì đã dừng lại rồi, nó mới có thể làm cho những cái khác dừng theo.” Mọi duyên bên ngoài xáo trộn, mình chỉ an định tự tâm thì các duyên tự khắc dừng bặt. Vì tột cùng của cái động là dừng. Biết vậy rồi chúng ta có cần để tâm đến cảnh bên ngoài một cách thái quá hay không? Có để tâm là có dính mắc, đó là gần với chấp trước. Không để tâm thì dễ rơi vào tâm thái không rõ ràng, đó là gần với vô minh. Rời hai bệnh này là phải. Làm sao rời? Đừng thèm suy gẫm! Cứ thể nghiệm xem! Đối tất cả cảnh, không thèm dính mắc, chẳng cần bỏ lờ qua, không dựng lập một tâm để an trụ, liền đó không có chỗ cho tâm sanh, khéo thể nhận ngay, tức thì mọi thứ rõ ràng, sáng tỏ.

Tỏ một chút xíu này thì xài hoài không hết. Mờ một chút xíu này thì mình đường đường vốn là một bậc trượng phu mà trở lại bị biến thành một kẻ nghèo hèn, yếu đuối. Không thương cho mình hay sao! Có vị Thiền sư dạy: “Nhất tâm là cội gốc, muôn vật bên ngoài là cành lá. Cội gốc chắc thật thì cành lá tươi tốt. Cội gốc khô héo thì cành lá gãy non. Người khéo học đạo thì trước trị trong để dẹp ngoài, đừng tham ngoài để hại trong. Cho nên giáo hóa chúng sanh, cốt yếu ở tâm thanh tịnh. Muốn chánh được người, cố nhiên phải chánh mình trước. Tâm đã chánh, mình đã an lập mà muôn vật không theo sự giáo hóa thì chưa có điều đó bao giờ.”

Quý vị nghĩ thế nào?

 

Thích Tâm Hạnh - TV Trúc Lâm Bạch Mã

Các tin tức khác

Back to top