Luận về việc lớn sanh tử nếu chẳng biết lý của sanh tử thì gia công học đạo vô ích. Ví như người tịch cốc, bảo họ cấy cày, dù cho có miễn cưỡng nghe lời, không bao lâu cũng lười biếng bỏ bê. Sao vậy? Vì người tịch cốc đã quên đói thì lúa thóc cũng đâu có chỗ dùng, giống như người học đã không biết manh mối của sanh tử thì tham học để làm gì? Hoặc giả miễn cưỡng cho rằng: "Sanh chẳng biết từ đâu đến, chết chẳng biết đi về đâu, ấy là sanh tử". Đây thật là lời nói ngông cuồng. Dẫu cho biết được chỗ đến, chỗ đi, thì ngay cái chỗ "biết" đó rõ ràng là sanh tử. Lấy sanh tử để thoát sanh tử, không có lý ấy.
Phải biết sanh tử nguyên không có thể tánh. Nhân mê tự tâm lầm chạy theo luân hồi thành ra có sanh tử. Ví như khí lạnh kết nước thành băng, khí lạnh chợt tiêu thì băng trở lại thành nước. Chất chứa mê nơi tâm, lầm kết sanh tử cũng vậy. Chỗ mê đã ngộ thì tâm thể trạm nhiên (như nước yên lặng trong suốt), muốn tìm sanh tử như người ngủ thức dậy tìm lại việc trong mộng, đâu có lẽ nào được!
Phải biết sanh tử vốn không, nhờ ngộ mới biết niết bàn vốn có, vì mê nên không hay. Hoặc chẳng thể triệt ngộ tự tâm mà muốn giải quyết xong việc lớn sanh tử thì có khác nào chẳng rút bỏ củi lửa mà muốn nồi nước đừng sôi, lý đó làm sao có được!
Liễu thoát sanh tử không gì thân thiết hơn ngộ tâm. Ngộ tâm không gì hơn sự lập chí. Quên lạnh nóng, bỏ ăn ngủ, không tình vọng, một niệm nầy ở chỗ động tịnh như binh hùng tướng mạnh phòng thủ thành trì nghiêm ngặt, giặc chẳng thể nào xâm phạm được. Cổ nhân gọi đó là chánh chí. Như vậy tâm như tường vách, thình lình khai ngộ.Ngộ rồi chẳng những sanh tử không tịch mà Niết-Bàn cũng không có chỗ đặt để. Bằng không, thì sanh tử cùng mê vọng giao kết từ nhiều kiếp xa xưa đến tận đời vị lai, lưu chuyển không chút gián đoạn, gọi đó là việc lớn sanh tử, há là lời hư dối ư?
Tâm chẳng mê chẳng đọa sanh tử. Nghiệp chẳng buộc chẳng thọ hình hài. Ái chẳng nặng chẳng vào Ta-Bà. Niệm chẳng khởi chẳng sanh nghiệp lụy. Bởi nhân mê khởi vọng, do vọng sanh chấp. Thuận theo chỗ chấp ấy thì cái niệm yêu thích lăng xăng mống khởi. Nghịch với chỗ chấp ấy thì cái thói quen giận ghét bừng bừng nổi dậy. Tình yêu ghét phát khởi thì dấu vết sanh tử động chuyển trôi chảy đổi mới chẳng dừng, niệm niệm nối nhau, cho đến một khoảnh sát na đủ tám trăm sanh diệt, há đợi trăm năm tắt thở, sau đó mới là sanh tử ư?
Trích Trung Phong Pháp Ngữ - HT. Thích Trung Phong
Các tin tức khác
- Bài học của cuộc đời (10/10/2015 4:00)
- Không thể làm được (10/10/2015 3:53)
- Dính mắc và tập khí, ô nhiễm và ảo tưởng (10/10/2015 3:38)
- Hãy sinh ra và chết đi trong từng khoảng khắc ( 9/10/2015 11:32)
- Thời gian không có già ( 9/10/2015 3:50)
- Phiền não và tật xấu ( 9/10/2015 3:28)
- Miệng thoảng hương sen ( 9/10/2015 2:44)
- Nước nhỏ tràn bình ( 9/10/2015 2:42)
- Vầng trăng nào nơi chúng ta? ( 8/10/2015 3:30)
- 29 bức ảnh ấm áp lay động lòng người ( 8/10/2015 3:23)