Trong cuộc sống, khi ta gặp năm, ba người chưa tốt, đừng vội nản lòng và mất niềm tin vào con người và cuộc sống nếu bản thân ta đủ tốt. Con người thường lấy lòng mình mà đo lòng thiên hạ, nếu mình tốt, mình tin rằng thiên hạ cũng có nhiều người tốt. Tin vào sự thiện lành tồn tại trên thế gian là cách làm tăng thêm niềm tin vào sự thiện lành của bản thân mình với niềm tin kiên cố nhất. Hãy tự nhắc mình rằng “nhân chi sơ, tánh bổn thiện...”. Mỗi người đều có hạt giống thiện, ta cũng có hạt giống thiện, hãy tạo môi trường tốt nhất để hạt giống thiện trong lòng ta nảy mầm, tiếp tục chăm bón cho nó trưởng thành. Hãy vững tin điều này.
Hạt giống thiện ở mức độ sâu cạn khác nhau trong tâm thức mỗi người. Với những ai có hạt giống thiện lành nhiều và đã được nuôi dưỡng đúng cách để chúng phát triển, ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện thiện lành này thông qua việc làm, lời nói và động cơ đằng sau những việc làm của họ. Người như thế giống hoa sen đã ngoi lên khỏi mặt nước, tỏa hương ngạt ngào. Còn ai chưa có biểu hiển rõ ràng của tâm thiện lành, không có nghĩa họ không có hạt giống thiện trong tâm mà chúng đang còn chìm sâu trong tâm thức, như sen vẫn còn chôn trong bùn vậy. Đức Phật thấy rõ điều này và đã nhiều lần tuyên bố như một lời động viên, khích lệ các đệ tử trong các bài pháp được ghi lại trong kinh rằng “Ta nhìn quanh thế giới. Này các Tỷ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng có một số sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt” (Trung bộ kinh số 26: Kinh Thánh Cầu; Tương ưng bộ kinh Tập I, chương VI, phẩm 1, kinh số 1: Thỉnh cầu).
Chính vì tin chắc là có những mầm chồi như thế, đức Phật đã không mệt mỏi trên con đường giúp mọi người đánh thức những hạt giống này trong tâm mỗi người “cựa mình” thức giấc để chuyển động nảy mầm, vươn lên khỏi nước. Chính vì tin chắc có những mầm chồi này, ngay từ khi thiết lập tăng đoàn với 60 người đầu tiên, đức Phật đã khuyến hóa các đệ tử Ngài hãy nỗ lực ra đi hoằng truyền chánh pháp, chia nhau mà tỏa ra các hướng, hai người không đi chung một hướng, để đánh thức quần sanh (Đại Phẩm 19-20, Luật tạng; Tương ưng bộ kinh Tập I, chương IV, phẩm I, kinh số 5: Bẫy sập). Chính vì tin chắc là có những mầm chồi này trong tâm mình, ta mới dồn công sức và tâm huyết để nỗ lực hành trì phát huy chúng. Và đây, một lần nữa củng cố niềm tin vào chính bản thân vậy.
Tin vào những hạt giống thiện lành, chưa hiện thì ẩn, ở mỗi con người, ta có cơ hội nuôi dưỡng tâm từ bi đối với mọi người và với chính bản thân mình. Như bất cứ hạt mầm nào cũng cần môi trường phù hợp về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ… để sinh trưởng; cũng như thế, tâm bao dung, cảm thông, thấu hiểu của tâm từ là môi trường lý tưởng để hạt giống thiện nảy mầm và sinh trưởng. Ta có đủ cơ sở để tin rằng bất cứ người nào, dù là bị gắn cho nhãn là “người ác” vẫn có cơ hội làm mới mình, chuyển hóa tích cực trong tâm thức và từ đó gây ảnh hưởng tích cực đến môi trường xung quanh. Dù có những lúc thiếu chánh niệm, ta mắc phải lỗi lầm, ta vẫn đủ bao dung cho mình cơ hội sửa lỗi sau khi cảm thấy hổ thẹn với những vụng về mình vừa gây tạo. Sự chuyển hóa là một quá trình diễn tiến thường xuyên trong dòng sống, nên không thể định danh “người thiện”, “người ác” mà chỉ có hành động thiện và ác. Nếu dụng công và nỗ lực đúng cách, lấy những hạt mầm thiện làm điểm khởi đầu, ta sẽ chuyển hóa tâm mình dần thanh tịnh hơn, thiện lành hơn. Như vậy, niềm tin vào hạt giống thiện có trong mỗi người và niềm tin ở chính bản thân mình hòa quyện làm một trong quá trình sống và hành trì chứ không thể tách ra như hai yếu tố độc lập và đây là điều kỳ diệu của niềm tin có lý trí. Người vững niềm tin vào các pháp thiện lành rồi thì không còn phải lo, có thể tự lực trên con đường đã chọn, còn người chưa vững niềm tin được xem như chưa đủ trưởng thành để có thể tự đi một mình và cần một người thầy dìu dắt. Đức Phật dạy “khi nào vị Tỷ-kheo chưa gây được lòng tin đối với các thiện pháp thì người thầy phải bảo hộ, giám sát người ấy trên con đường học” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm 1, kinh số 7).
Trích Niềm Tin Trong Đạo Phật - Hằng Như
Các tin tức khác
- Tăng Chí Triệt ( 1/12/2015 3:01)
- Khó dễ (30/11/2015 5:07)
- Bạn và thù (30/11/2015 4:58)
- Sống trong ý niệm biết ơn (29/11/2015 3:24)
- Đừng hưởng hết phước báu (28/11/2015 4:17)
- Mục đích của cuộc sống (27/11/2015 3:18)
- Sống hạnh phúc với bình an nội tại (26/11/2015 4:31)
- Tội đối xử tệ bạc với người già lão (25/11/2015 2:37)
- Biết xét mình và có lòng hổ thẹn: tặng thanh thản cho đời (25/11/2015 2:30)
- Cách nhìn xuyên thấu những nghịch lý cuộc đời (24/11/2015 3:56)