Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ta cần có sự quyết tâm, kiên trì, siêng năng cả ngày lẫn đêm thực hiện những mục tiêu đó, cụ thể đối với người xuất gia là thường xuyên thực hành giới và định (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương II, phẩm 1). Nếu không kiên định như vậy, năng lượng ta dần hao mòn và không đủ sức để theo đuổi chí nguyện. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy ta phải siêng năng luôn luôn, phấn đấu cho đến khi đạt mục tiêu mới thôi. Nếu dừng nghỉ giữa chừng, chẳng khác nào mài cây để lấy lửa. Nếu mới mài được một lúc, ta dừng nghỉ, cây trở nên nguội lạnh và ta lại phải bắt đầu từ vạch xuất phát. Do vậy, khi mài cây đến mức nóng rồi thì phải tiếp tục mài cho nhiệt lượng tỏa ra nhiều hơn, đến khi đủ độ để phát lửa mới thôi, vì cái ta cần là lửa vậy.
Thiếu tinh tấn thì không thể nào đến đích thành công, dù có khởi đầu suôn sẻ. Ở đời, siêng năng xuyên suốt quá trình dài là cả một vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có ý chị, nghị lực. Khi có thể nuôi dưỡng được sự kiên định, ta đã làm chủ bản thân mình trước bao sóng gió nghiệt ngã của cuộc sống để nuôi dưỡng tâm. Đức Phật nhắc các đệ tử Ngài rằng, “Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, như tinh tấn tinh cần” (Tăng chi bộ kinh, chương I, phẩm VII, kinh số 1) . Nhờ luôn an trú trong pháp thiện với sự hỗ trợ của tinh cần, tinh tấn nên đức Phật xác quyết “ai tinh cần, tinh tấn, người ấy sống trong an lạc” (Tăng chi bộ kinh, chương I, phẩm XVIII, kinh số 12)
Không chỉ trên đường tu tập, trong cuộc sống thường ngày cũng thế. Nếu không kiên định hoặc sự kiên định không đủ kiên cố, con đường ta đi trở nên vô cùng khó khăn khi những cảm xúc, ham muốn, đam mê luôn có sức quyến rũ và lôi kéo mãnh liệt, luôn trì kéo, chống lại sự nỗ lực và quyết tâm của mình. Ta có thể dễ dãi với nhu cầu tham đắm những nhu cầu tầm thường, thỏa hiệp với những đòi hỏi mang tính bản năng, dễ rơi vào tình huống không cần biết đến hậu quả thế nào, cứ hưởng thụ để thỏa mãn tâm tham ái mà thôi. Ví dụ như ta để đồng hồ báo thức vào lúc 4 giờ, nhưng khi đồng hồ reo thì ta lại tắt chuông và nghĩ mình ngủ thêm 5 phút nữa vì “như thế cũng chẳng sao”. Thế nhưng, 5 phút rồi 10 phút trôi qua ta vẫn không muốn dậy. Do đó, kiên định với mục tiêu, hay còn gọi là tinh tấn theo thuật ngữ nhà Phật, là yếu tố cần thiết để góp phần làm chủ vận mệnh của mình trong cuộc sống.
Trích Làm Chủ Bản Thân - TG: Hằng Như
Các tin tức khác
- Sang không phải là ... (11/12/2015 11:54)
- Người ta thường không có thời giờ để nhìn lại chính mình (11/12/2015 4:47)
- Làm sao đo được cuộc đời? (11/12/2015 4:26)
- Giữ tâm điềm tĩnh (11/12/2015 4:11)
- Tích tài vật không bằng tích phúc báo (10/12/2015 4:01)
- Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình (10/12/2015 3:42)
- Sanh tử đại bệnh (10/12/2015 3:02)
- Quả báo hiện tiền ( 9/12/2015 3:23)
- Việc dễ của người dụng công lâu năm là công phu thầm lặng liên tục ( 9/12/2015 2:47)
- Dục vọng của con người đối với vật chất là không có giới hạn ( 9/12/2015 2:35)