Người có đời sống nội tâm vững chãi, không đánh mất mình mới làm chủ được hành động của mình, không gây tổn thương cho người khác. Đời sống nội tâm chỉ có thể nuôi dưỡng trong môi trường an tịnh, vắng vẻ, vì trong môi trường ấy, tâm trí chúng ta không bị phân tán bởi các yếu tố bên ngoài, mới có thể gom tụ lại để lắng nhìn vào bên trong, tự mình chiêm nghiệm và quán chiếu. Đây là lý do những người xuất gia tu tập miên mật thường chọn môi trường sống thanh tịnh, vắng vẻ để có nhiều cơ hội quán chiếu mình.
Đức Phật thường khen ngợi những ai biết chọn nơi yên tĩnh để thực hành thiền định - một nghệ thuật luyện tâm vô cùng hiệu quả. Ngài dạy “Ta không tán thán các vị xuất gia có sự liên hệ với các gia chủ. Nhưng với các trú xứ ít tiếng ồn, ít tiếng động, thoát khỏi hơi thở của nhiều người, những chỗ ở cô độc xa vắng loài người, thích hợp cho đời sống thiền tịnh, Ta tán thán sự liên hệ với những trú xứ như vậy” (Tăng chi bộ kinh, chương VII, phẩm 6, kinh số 58).
Trong cuộc sống xã hội, chúng ta không thể lựa chọn một nơi vắng vẻ như được mô tả trong kinh làm nơi trú ngụ hoặc thực hành thiền để nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Ta còn nhiều bổn phận, trách nhiệm với đời, với người và chính những trách nhiệm, bổn phận này ràng buộc chúng ta bằng nhiều sợi dây liên đới khác để rồi ta không thể tự chọn nơi ở theo sở thích. Dù vậy, trong bất cứ môi trường sống nào, ta đều có thể tạo cho mình một góc không gian tâm thức riêng để có cơ hội chiêm nghiệm và quán chiếu. Muốn làm được điều này, chúng ta cần chủ động sắp xếp công việc một cách khoa học, chánh niệm tỉnh giác, huân tập những thói quen tốt có tác động hỗ trợ quá trình phát triển tâm an tịnh.
Chiêm nghiệm bản thân là biết dành nhiều thời gian để nhìn vào nội tâm chính mình thay vì ngóng ra thế giới hiện tượng bên ngoài. Thông thường, ta có thói quen muốn biết những gì mới nhất diễn ra trong thế giới quanh ta, biết càng nhiều, càng tốt, biết tin càng sớm, càng hay; nhưng “tốt” thế nào, “hay” ra sao, thì bản thân ta cũng không thể lý giải điều ấy. Biết rồi thôi, biết rồi quên, biết rồi chẳng để làm gì, chỉ tốn quá nhiều thời gian và năng lượng cho việc biết ấy.
Hoặc tệ hơn nữa biết để rồi đi lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng để rồi tạo hiệu ứng không tốt từ hành động của mình. Một điều không nên làm mà nhiều người mắc phải là thay vì quán chiếu và chiêm nghiệm bản thân, ta lại nhìn và xét lỗi người khác, rồi chê bai, ganh tỵ, quên đi lời khuyên rất hay của người xưa “Các nhân tự tảo môn tiền tuyết; mạc vấn tha nhân ốc thượng sương”.
Đức Phật cũng nhắc chúng ta không nên nhìn lỗi người khác mà tự quán sát mình để ngày càng hoàn thiện hơn (Pháp cú câu 50). Nếu cứ để tâm vướng bận vào những việc vốn không phải của mình, ta tự khuấy động mặt hồ tâm thức của chúng ta, làm cho tâm chao đảo và bất an, đồng thời lãng phí nhiều thứ khác. Nếu biết nhìn lại và nhận ra sự vô ích này, ta trở về chăm sóc đời sống nội tâm của chính mình, nghĩa là chúng ta bắt đầu biết quét tuyết ngập trước cửa nhà mình thay vì lo sương móc rơi trên nóc nhà người.
Chiêm nghiệm cuộc sống, công tâm khách quan quán xét mình, rút ra bài học kinh nghiệm trong từng bước đi trong đời, ta sẽ có cơ hội sống chậm, trầm lắng hơn, xét kỹ, nhìn sâu, ý thức rõ từng suy nghĩ, hành động của mình trong mối liên quan với thế giới bên ngoài thì cuộc sống có chất lượng và ý nghĩa nhiều hơn. Khi ta đau khổ, ta gieo rắc căn bệnh truyền nhiễm này đến người khác và làm cho nhiều người trong cộng đồng cùng đau khổ theo. Khi ta an vui, ta có thể gởi sóng từ trường tích cực này đến những người chung quanh mình như một món quà quý ta hào phóng dành cho nhiều người.
Ý thức được điều này, ta nên tạo niềm vui cho mình, hiến tặng niềm vui ấy cho người chứ không nên tạo khổ đau và bắt người khác phải hứng chịu hậu quả vì tham lam, sân giận và si mê ta dốc đổ lên họ thông qua các mối quan hệ giữa ta và người. Đặt bản thân mình vào trong mối quan hệ duyên sinh với con người và vạn vật chung quanh, ta cẩn trọng hơn trong mỗi ý niệm. Đây là cách chăm sóc và nuôi dưỡng sự an tịnh của tâm hồn, đồng thời góp phần nuôi dưỡng sự bình an của cộng đồng và của môi trường ta sống.
Hằng Như
Các tin tức khác
- Dụng tâm bố thí ( 1/01/2016 2:04)
- 16 nghịch lý cuộc sống nhận ra càng sớm thì càng thanh thản ( 1/01/2016 1:46)
- Thay đổi vận mệnh (31/12/2015 12:47)
- Tập tha thứ và buông xả (30/12/2015 3:32)
- Người chẳng chịu suy nghiệm (29/12/2015 2:59)
- Phát tâm cúng dường, bố thí và giữ đúng lời hứa (29/12/2015 2:14)
- Tự tôn (27/12/2015 12:51)
- Ngồi thiền giúp tái tạo năng lượng cơ thể sống (27/12/2015 12:33)
- Việc của mình thì mình phải làm (26/12/2015 11:58)
- Dạy phát tài (26/12/2015 11:44)