Tập tha thứ và buông xả

30/12/2015 3:32
Với tâm lý thường tình, ta sẽ chấp nhận, là con người, ta có đầy đủ hỷ nộ ái ố, ta có quyền giận người nếu ta đúng, người sai.

Rất nhiều người trong chúng ta quan niệm rằng giận đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng nơi và thể hiện đúng cách, đúng mức độ thì có gì sai! Đức Phật không có chủ trương “giận đúng” mà trong mọi trường hợp, giận là sai. Ngài dạy rằng, “Một người nên từ bỏ giận, xa lìa kiêu ngạo và vượt qua mọi trói buộc. Khổ sẽ không đến với người nào không tham chấp thân hay tâm. Một người biết kiểm soát cơn giận cũng như người đánh xe kiểm soát được bánh xe đang lăn tới, ta gọi người đó mới đúng là người đánh xe giỏi” (kinh Pháp cú, câu 221-222). 

Hễ giận thì ta là người chịu thiệt thòi trước tiên và chịu thiệt thòi nhiều nhất, nên Đức Phật rất đúng khi nói rằng, đã giận là không bao giờ đúng. Khi ôm ấp hận thù, ta đang nuôi dưỡng trong tâm những tâm lý tiêu cực bệnh hoạn và bệnh này phát tán rất nhanh trong cơ thể, “di căn” khắp thân và tâm, gây tổn thương lớn về sức khỏe và tinh thần. 

Tệ hơn nữa, những tâm lý tiêu cực này có thể làm cho chúng ta mất ăn, mất ngủ; nếu “bệnh” nặng hơn nữa, chúng ta sẽ bị “nhiễm độc” và trở thành người chứa đầy tư tưởng, hành động và lời nói độc ác, hồ đồ, có những hành động điên rồ, nông nổi và có thể gây hậu quả không lường. Hãy học kiên nhẫn nhiều hơn và tha thứ, bao dung hơn với con người và cuộc đời, vì đây là cách tự thương yêu mình hiệu quả nhất. Ta buồn giận, ta tự gây đau khổ cho mình chứ không phải người khác. Ta buồn giận, ta tự đày đọa thân tâm mình chứ không thể đày đọa người khác. 

Học cách tha thứ là liều thuốc đặc trị cho bệnh hiềm hận vậy. Nước đổ về xuôi, dòng sống tuôn chảy, thời gian thoáng qua, cuộc đời có bao lâu mà giận hờn, để bụng cho nặng lòng nhau, mà mình cũng tạo nghiệp xấu ác để rồi phải nhận lấy quả khổ trong hiện tại cũng như tương lai.

Tha thứ là một kỹ năng, một nghệ thuật sống để giữ tâm an tịnh và thân khỏe mạnh. Muốn có nội tâm tĩnh lặng mà ôm lòng thù hằn, là cứ chọc khuấy vết thương ngày một nặng thêm mà mong vết thương liền sẹo lành lặn là điều không thể có, chẳng khác nào nấu đá mong thành cơm. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta bôi xóa quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy ra, hoặc tự tạo một ảo giác như thể mình cao thượng và có thể bỏ qua chuyện xưa nhưng khi gặp một yếu tố nào đó liên quan đến người xưa chuyện cũ, bao hiềm hận khổ đau ngủ ngầm trong lòng lâu này lại ùa nhau trỗi dậy. 

Tha thứ cũng không có nghĩa là làm cho người kia thay đổi hành vi, vì chúng ta không kiểm soát được người khác nên đó là điều không thể. Tất cả chỉ có nghĩa là ta đang mở cửa lòng buông xả những hờn giận, hay buông đi cay đắng và nỗi đau, để chuyển sang đón những luồng gió mới từ một miền tốt đẹp an vui hơn. Biết người khác tức giận mà ta không ôm chấp buồn giận, giữ tâm an tịnh, nghĩa là ta đã là một vị thầy thuốc có khả năng chữa bệnh cho cả hai (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương XI, phẩm I, kinh số 4: Kham nhẫn). Khi ấy, thân ta khỏe mạnh, tâm ta lành lặn và an tịnh, thế giới bình yên.

Sai lầm là điều không ai muốn nhưng nó vẫn xảy ra và nghiễm nhiên trở thành một phần của cuộc sống. Học cách tha thứ là tập chấp nhận một thực tế rằng chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo và rằng ai cũng có thể phạm sai lầm, không lúc này thì khi khác. 

Tha thứ, trước hết, là đem lại hạnh phúc cho bản thân mình. Một khi buồn phiền, giận hờn, lòng ta nặng như mang đá. Mang lè kè túi đá nặng trong mọi lúc, mọi nơi, mang cả vào giấc ngủ, mang theo cả lúc ăn, thì nặng nề, bức bách vô cùng. Bởi vì mang càng lâu càng mỏi, cảm giác túi đá ngày một nặng thêm, chi bằng ta đặt túi đá giận hờn, buồn phiền ấy xuống, lòng ta khỏe nhẹ, thanh thản, hạnh phúc biết dường nào. 

Cảm nhận được sự bất an nếu cứ ôm nỗi hiềm hận trong tâm, người khôn ngoan biết tha thứ cho bản thân mình và cả cho người đã làm tổn thương mình. Đây là món quà cao quý và độc đáo ta dành tặng cho cả hai: chính bản thân mình và người đã làm ta phiền giận. 

Tha thứ là ta tự tặng cho mình cơ hội để nuôi lớn lòng bao dung và niềm tin vào sự tốt đẹp ở người khác và xã hội. Tha thứ là ta ban tặng cho người cơ hội để sửa sai, làm mới. Cũng như bản thân mình, sai sót là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, biết nghĩ đến điều này mà tha thứ cho người là ta đã biết cách đem lại hạnh phúc cho cả hai. Lợi ích nhiều hơn là tha thứ có công năng đưa ta trở về với nguồn tâm tĩnh lặng của mình, lòng nhẹ tênh và thênh thang như gió.

Sự tha thứ thật sự xuất phát từ khối óc có hiểu biết và con tim biết yêu thương. Chỉ khi nào thấy được những nỗi khổ niềm đau của người kia, thấu hiểu những gì họ làm đều có nguyên nhân xa từ những tập khí không lành mạnh mà do môi trường sống của bản thân người đó tạo nên, hay “bị” thừa hưởng những hạt giống vụng về của ông bà, cha mẹ người đó trao truyền mà chính bản thân người đó không có quyền lựa chọn mà phải tiếp nhận bất đắc dĩ, ta mới có thể phát khởi lòng thương và tha thứ được. Với người gây tổn thương cho mình, cách phản ứng thông thường là ta giận, ta ghét, ta bực mình. 

Tuy nhiên, với trí tuệ và lòng thương yêu, ta hiểu ra một điều rằng, những người này đáng thương hơn là đáng giận. Họ cũng là nạn nhân vì thật sự họ không muốn làm những điều như vậy, không muốn làm tổn hại đến bản thân họ và người khác. Khi thấy được những điều này thì sự tha thứ được chiết xuất từ chất liệu tình thương có mặt một cách tự nhiên trong lòng mình mà không cần bất kỳ sự cố gắng nào. 

Khi sự tha thứ là một cách thực hành tâm từ, nó có giá trị trị liệu, là dược phẩm làm lành những vết thương lòng mà người kia đã làm cho ta đau khổ. Nhiệm mầu hơn, lòng ta trở nên an tịnh, nhẹ nhàng và ngập tràn hạnh phúc và nguồn hạnh phúc này sinh khởi từ nội tâm, ta chủ động tạo ra nên không bao giờ cạn và luôn đầy ắp để có thể chia sẻ cho người khác.

 

Hằng Như

Các tin tức khác

Back to top