Chánh niệm ...

26/12/2015 3:51
Chánh niệm không chỉ cần có mặt trong khi ta hành thiền, mà cả lúc ta hành động, cảm thọ hay nghĩ suy trong đời sống hàng ngày. Khi thức, chánh niệm phải là đối tượng chính yếu của ta. Ta phải tự biết mình. Chỉ khi đó ta mới mong một ngày hiểu được thế giới. Vũ trụ chính là thân và tâm này. Khi ta biết được thân và tâm này là gì, ta sẽ biết về vũ trụ và những chân lý tiềm ẩn trong đó. Tất cả rõ ràng đều giống nhau, nhưng ta phải biết nó là gì.

Khi rời khỏi chiếu thiền, ta phải tỉnh thức nơi mắt nhìn, thân chuyển động, về tất cả những gì ta đang làm. Tại sao? Trước hết, điều đó giúp ta không nghĩ ác, không tưởng điều bất thiện. Nó giúp cho việc hành thiền của ta dễ dàng hơn. Tâm cần được kiểm soát, không được để nó chạy loanh quanh. Tâm bình thường, không rèn luyện giống như một con bò hoang dại thả rông trong vườn nhà. Chỉ trong chớp mắt là nó sẽ phá tan hoang khu vườn. Tâm của ta cũng thế. Nó cũng làm cho thế giới ta sống trở nên một bãi chiến trường. Không cần phải đọc báo ta mới biết những điều đó. Chúng có mặt ở khắp nơi, ngay từ tâm ta mà ra. Tất cả chúng ta đều ở trong đó, trừ các bậc giác ngộ. Tâm hoang dại không thể thiền. Ta phải bắt nó đứng lại, kiểm soát, ngăn chặn nó. Mỗi khi nó phóng chạy, ta dùng chánh niệm để bắt nó quay về, giống như huấn luyện con ngựa hoang, nếu không, nó không làm lợi ích gì cho ai cả. Nhưng khi đã được thuần hóa, huấn luyện, ngựa sẽ rất lợi ích. Điều này cũng đúng với tâm biết bao!

Chánh niệm về thân có nghĩa là ta biết tất cả mọi chuyển động nơi thân. Khi quán sát bản thân, ta sẽ thấy có tâm và thân. Tâm ra lệnh, và thân tuân hành. Ta cũng nhận thấy rằng đôi khi thân không thể vâng lời tâm vì nó yếu đuối. Đây là cửa đầu tiên để vào thiền tuệ, khi biết rằng có thân, tâm và tâm thì quan trọng hơn. Cái khác biệt giữa người có tu tập và người không là sự thực chứng.

Chánh niệm về các chuyển động của thân cũng liên quan tới các đối tượng chánh niệm khác. Thí dụ, nếu ta đang lo nghĩ đến tương lai thì ta không còn để ý đến thân nữa; thay vào đó ta có thể chú tâm đến quá trình tư duy. Ta biết mình đang nghĩ suy, đang tạo nghiệp. Các tư tưởng là tâm hành, cũng như nghiệp hành. Chúng ta là chủ nhân của nghiệp mình. Chúng ta suy nghĩ như thế nào thì chúng ta sẽ là thế ấy. Đó là một quá trình tự nhiên, không liên quan đến một chủ thể đặc biệt nào.

 

Tỉnh thức & hiểu biết

Ni sư AYYA KHEMA

Diệu Liên Lý Thu Linh (dịch)

Các tin tức khác

Back to top