Sống ngay tâm giác sáng là sự giác ngộ, an lạc, giải thoát, từ bi tự sẵn đủ

22/12/2015 2:50
Ví dụ khi chúng ta phải đi qua một sa mạc nắng nóng và khát nước. Nếu gặp ai cho một cốc nước lã hiếm hoi thì quý vị uống vào đâu thấm đến đó, rất ngon.

Nhưng khi về Thành phố lớn được bạn bè đãi đằng uống ăn những món ngon vật lạ no nê rồi, nhỡ gặp ai mời một cốc nước lã, chúng ta vì nể lịch sự phải uống, nhưng có còn cảm thấy ngon không? Uống được, nhưng không ngon. Khi đang ở giữa sa mạc đói khát thì rất ghiền cốc nước lã. Có ai đó bảo nó là huyễn hóa, bỏ đi, có thể vì nể phục hay bị ép thì cố bỏ, nhưng trong lòng thì thèm lạt, khát khao, cam tâm mà bỏ chứ không đành. Lúc về thành phố lớn ăn uống đồ thượng vị no nê tràn trề rồi thì đối với cốc nước lã, uống và không uống giống nhau, không có gì phải cần bàn bạc bỏ hay không bỏ.

Cũng vậy, những thứ hơn thua, được mất, phải quấy, buồn vui, thành bại, yêu ghét trong đời chỉ là những cốc nước lã. Nhưng vì con người ta đang còn quá đói khát với thượng vị chánh pháp, chưa một lần được nếm thượng vị chánh định, giác ngộ. Họ không thấy gì ngoài những thứ nhang nhảng trong trần đời mà họ đang thấy nên chỉ biết chộp lấy và ngấu nghiến ăn rồi cho là ngon, là dở, là khổ, là vui rồi quan trọng mà không chấp nhận nó là đồ bỏ như cốc nước lã. Kết quả cuối cùng phải chịu mê mờ, trầm luân đau khổ triền miên không có ngày ngoái đầu lên nổi. Nếu chỉ một lần nếm được thượng vị thiền định, giác ngộ, an lạc thì mới thấy những thứ kia không còn đủ giác trị tác dụng chi phối mình. Lúc này, có và không có giống nhau, không hề có dấu vết tâm trên đó. Như người đã ăn uống món thượng vị no nê rồi và thảnh thơi nhàn xem cốc nước lã chơi.

Sống ngay tánh giác tròn đủ đó, thì chúng ta hằng giác sáng, thênh thang trùm khắp mà không động. Đó là tính chất GIÁC NGỘ.

Ngay tánh giác sáng đó, tự chúng ta cảm nhận được một niềm an lạc mênh mông, tràn đầy, nhẹ nhàng, thanh thoát. Đó là tính chất AN LẠC.

Khi ấy, những thứ trong đời tự mất giá trị, không còn đủ sức tác dụng chi phối mình thì còn có gì trói buộc được nữa? Ngay đó tự là giải thoát mà không hề có tâm xua đuổi hay lấy vào. Đó là tính chất GIẢI THOÁT.

Những hành động thiếu văn minh ngoài đường thường khiến chúng ta bực bội, nguyền rủa… Nhưng bây giờ thấy thế tự dưng sanh tâm thương cho họ. Vì sao cũng là con người mà họ không được sáng suốt, an ổn, sung sướng, trầm lắng, thanh thoát như mình, lại còn mê mờ, ngông cuồng, có những hành vi làm trò cười cho người khác mà cứ ngỡ là oai hùng cái thế? Thương và muốn tìm cách để giúp cho họ được như mình. Bằng vào sự giác ngộ để thương về sự mê lầm của chúng sanh và muốn cứu giúp họ đạt được giác ngộ, an vui như mình. Đó chính là đúng nghĩa TỪ BI.

Mới thấy, chỉ cần sống trở về bản tâm giác sáng trùm khắp không động thì chính đó là GIÁC NGỘ. Từ đó, các đức tính AN LẠC, GIẢI THOÁT, TỪ BI tự nó có ra một cách tròn đủ trong ấy. Mới hay ra tâm thiền thật nhiệm mầu! Đây cũng là chỗ Thiền sư Huyền Giác đã nói: "Lục độ vạn hạn thể trung viên" (sáu độ muôn hạnh đều sẵn đủ trong ấy) là vậy. Chỉ sống trở về thì tự nó tròn đủ mọi thứ cao thượng.


Thích Tâm Hạnh - Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Các tin tức khác

Back to top