Nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng

19/12/2015 3:51
Nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng, mắc mứu tình trần, kẹt tâm chấp tướng.

Vì lo nghĩ những chuyện đâu đâu, không đáng nên gọi là nghĩ vơ nghĩ vẩn, vì không làm chủ và cũng không lúc nào dừng được nó. Cả những lúc đang ngồi nghỉ nhưng nó có chịu nghỉ không? Cũng nghĩ vơ nghĩ vẩn không chịu dừng. Cho nên, vì mắc mứu theo tướng, theo tình trần nên quên mất tánh biết đang hiện hữu nơi mình. Trước khi suy nghĩ nó vẫn có sẵn, khi suy nghĩ thì nó có sau, nhưng hầu như chúng ta chỉ nhớ cái suy nghĩ mà quên mất cái có sẵn này, đó là lầm mê. Thế nên, người có học có tu chút ít khi ngồi thiền thì nó tạm yên lặng vừa có cái nghĩ khởi lên biết liền, vì nó có trước cái suy nghĩ nên niệm vừa khởi lên liền biết. Hiện nay, chúng ta trở về ngay căn ý này mà sám hối để sống trở về chỗ chân thật. Khi tâm có niệm tham, niệm sân khởi lên thì biết có niệm tham, niệm sân, cái biết này có trước niệm tham, sân kia, đừng lầm nhận những niệm tham, sân kia là mình. Như vậy, rõ ràng đây là pháp sám hối trở về gốc chơn.

Hiện giờ, quý vị kiểm lại tâm xem có sân hay là không có hoặc chút nữa gặp duyên sẽ có, như vậy niệm sân, si … khi có khi không nhưng cái biết này thì lúc nào cũng có. Vậy mà chỉ lo sống với cái kia, có phải lầm không? Hoặc là khi tham, sân nó khởi lên thì mình phải quán kỹ xem tham nó xảy ra như thế nào, theo dõi tiến trình của nó khởi ra sao, nhận diện nó và khi thấy rõ rồi chúng ta mới không theo nó.

Thí dụ: khi niệm sân đang khởi, quán kỹ tiến trình nó diễn tiến như thế nào, xét kỹ rồi thì tự mình tách rời ra khỏi nó, không đồng hóa mình đi theo nó, thì đâu bị nó chuyển.

Còn khi sân vừa khởi lên thì cho đây là việc đáng để tôi sân, thành ra đồng hóa mình với niệm sân đó, theo nó một lúc rồi kéo dài càng xa, càng mất mình. Nếu xét kỹ thì mình là người quan sát, còn sân là cái bị quan sát. Giống như khi ngồi xem phim, xem nó diễn tiến thế nào, chỉ nhìn nó mà không đồng hóa với nó. Vậy là chúng ta làm chủ trở lại, rõ ràng mình đâu phải cái sân đó, mình có trước cái sân đó, như vậy khi sám hối là nhớ trở lại thì chúng ta làm chủ được, do đó bớt tham, sân, si.

Như câu chuyện ngài Kỉnh Huyền học đạo Thiền sư Duyên Quán. Ngài Duyên Quán chỉ tượng Quán Âm nói: “Có người nói tượng này là do ông Ngô Xử Sĩ vẽ”. Ngài Kỉnh Huyền mới suy nghĩ, ngài Duyên Quán nhanh miệng nói: “Cái này có tướng cái kia không tướng”. Ngay đó, ngài Kỉnh Huyền tỏ ngộ.

Khi vừa nghe nói tượng Quán Âm này là của ông Ngô Xử Sĩ vẽ, theo thói quen liền nghĩ tưởng xem vẽ như thế nào, vừa có tướng của tượng Quán Âm, vừa tưởng tượng ra tướng của ông Ngô Xử Sĩ, thành ra trong tâm có tướng liền. Mà cái có tướng này là sau, còn cái kia không tướng thấy trước những cái này.

Khi biết được cái này có trước cái kia đó là chúng ta cũng đã sám hối ở mức độ sâu hơn rồi, còn những khi bình thường có niệm tham, niệm sân, niệm si khởi lên thì ngay đó liền nhớ sám hối trở lại.

Nếu chúng ta luôn biết như vậy, luôn nhớ trở về đó là trở về gốc, luôn sám hối như vậy thì đúng là chân thật sám hối, nhờ vậy mà hằng ngày tâm lúc nào cũng sáng. Sám hối như vậy thì công đức vô lượng không tính kể được.

Thích Thông Phương - Trích Sám hối sáu căn

Các tin tức khác

Back to top