Tâm thức đau khổ

16/01/2016 3:40
Giáo lý về Tứ diệu đế của Đức Phật khởi đầu bằng lời huấn thị cho rằng nếu ta muốn đạt được tự do, ta phải hiểu biết và trải nghiệm đầy đủ xem cuộc đời của chúng ta bị bện dệt và bị quy định bởi khổ như thế nào, nghĩa là những kinh nghiệm tâm thức của chúng ta về sự bực dọc, lo lắng, đau đớn, khủng hoảng, bất ổn, thiếu thốn, thất bại và thất vọng, mỗi kinh nghiệm ấy đều được cảm thấy là nỗi khổ trong tâm thức.

Giáo lý ấy thường được nói tới với danh từ “Khổ đế”.

Đức Phật nhận diện ba loại khổ: nỗi khổ của sự đau đớn về thân xác và tâm trí; nỗi khổ của sự thường xuyên biến đổi; và nỗi khổ về bản chất duyên sinh của cuộc đời, vốn tạo nên một loại áp lực và sự bất an hiện diện thường trực, ngay cả trong những thời khắc vinh quang nhất.

Loại khổ thứ nhất là nỗi khổ hiển nhiên gây nên bởi sự khó chịu về thân xác, từ một sự đau đớn nhỏ nhặt do sự va đập của một ngón chân, bởi cơn đói, bởi sự mất ngủ, cho đến nỗi khổ sở của một chứng bệnh kinh niên. Nó cũng là nỗi khổ của cảm giác xuất hiện vào lúc ta trở nên thất vọng vì sự việc không diễn ra theo ý ta, hoặc ta hoang mang trước sự bất công của cuộc đời, hoặc lo lắng về tiền bạc hay về việc phải đáp ứng sự kỳ vọng của người khác. Hằng ngày, ta đều có vô số kinh nghiệm làm cho ta chán nản, lo âu, căng thẳng… từ việc bị kẹt xe đến việc quên hoàn tất một công việc quan trọng cho tới việc làm mất lòng một người mà ta yêu mến trong lúc tranh cãi. Có phải đúng vậy không? Về các vấn đề như tình yêu, gia đình, công việc, và lòng tự tin…, phải chăng ta không có kinh nghiệm về hàng loạt những cảm xúc tiêu cực như thế từng lặp đi lặp lại mãi?

Bên cạnh nỗi khổ mà ta có kinh nghiệm với tính cách là hậu quả của các biến cố đau đớn, tạo chấn thương và làm lo lắng, còn có một loại khổ thứ hai mà bạn thường phải đối đầu một cách đều đặn. Đó chính là sự khổ gây nên bởi một thực tế là cuộc đời vốn thường xuyên thay đổi. Chẳng phải là thường thường, ngay cả những khoảnh khắc mà ta cảm thấy hạnh phúc trong đời sống cũng tan biến hầu như ngay lập tức? Một điều gì đó thật sự tốt đẹp xảy ra trong công việc, hoặc vợ chồng bạn đang thưởng thức một buổi sáng thân thiết trên giường ngủ, hoặc bạn vừa chia sẻ một nụ cười quý giá với đứa con trai, và rồi tất cả vỡ lở hết! Thế là xong! Ngay bây giờ, bạn lại đang băn khoăn về một hạn chót, hoặc đang vật lộn với một vai trò đáng chú ý khác của mình, hoặc đang đối phó với những nhu cầu của đứa con, và toàn thể những cảm giác thoải mái ấy được thay thế bởi sự lo âu, sự mệt mỏi và sức nặng của trách nhiệm. Thực tế, không một khoảnh khắc nào xác thực vì khoảnh khắc kế tiếp luôn luôn bám theo sát gót. Điều đó giống như một cuộc bắn phá liên tục của sự biến đổi làm xói mòn mọi trạng thái hạnh phúc. Tâm thức chẳng bao giờ tìm được một chỗ để ngồi lại thưởng thức cuộc đời mà không có sự sợ hãi. Phải chăng sự nghịch lý nằm ở chỗ điều thường hằng duy nhất trong đời bạn là sự thay đổi?

Giống như bất kỳ một người nào khác, bạn luôn luôn làm bất kỳ điều gì có thể làm được để kéo dài, để cũng cố, và để tăng thêm số lượng những khoảnh khắc dễ chịu trong cuộc sống của mình, nhưng chẳng có điều gì có hiệu quả một cách nhất quán. Luôn luôn có một khoảnh khắc trở ngại tiếp theo. Bất kể bạn cố gắng đến mức nào để tự làm khuây (và có thể bạn là một trong số những người có nhiều tài năng trong việc tạo ra sự khuây khỏa), hệ thống thần kinh của bạn vẫn cảm nhận được cái vũ điệu biến đổi ấy, ngay cả khi bạn không nhận thức rõ điều đó, và nó gây đau khổ, thường là còn đau khổ hơn vì bạn đang cố không thèm biết đến nó.

Chắc chắn là bạn cảm nhận được sự đau đớn, sự bối rối và sự căng thẳng, rằng cái dòng thay đổi bất biến ấy luôn đem lại cho cuộc đời bạn, với mỗi một khoảnh khắc đáng ưa là một khoảnh khắc kế tiếp đáng chán. Những hàm ý của vấn đề thật là rộng lớn: Hàng ngày bạn vẫn đưa ra từng chọn lựa một trong bối cảnh ấy. Bạn không thể thoát khỏi điệu vũ liên tục ấy. Đó chính là sự thật phổ quát và lạnh lùng của cuộc sống. Không một ai trong chúng ta – ngay cả những người giàu có nhất, khôn ngoan nhất, nhiều quyền lực nhất – có thể giành được quy ché miễn trừ. Mọi người đều cảm nhận sự đau đớn, mọi người đều sẽ mất người thân, mọi người đều bệnh hoạn, và mọi người đều phải chết.

Hơn nữa, hàng ngày, ngay cả trong những lúc thảnh thơi vui thú, phải chăng chúng ta không cảm nhận một sự bất an về tương lai? Tâm thức băn khoăn lo lắng đó chính là một biểu hiện cho hình thức đau khổ thứ ba mà Đức Phật đã chỉ ra – tính không thỏa mãn vốn có của cuộc đời do bản chất không bền vững của nó. Ngay cả khi bạn là môt kẻ may mắn về phương diện sức khỏe thể chất và tinh thần, và ngay cả bạn được sống trong một môi trường an ninh nhờ có những tiện nghi vật chất, cuộc đời của bạn vẫn đầy dẫy những yếu tố bất trắc. Bệnh hoạn, tai nạn, sự đổ vỡ về tình cảm, sự suy thoái về kinh tế, và cái chết thường xuyên ẩn nấp quanh quất đâu đó. Phải chăng những đe dọa đó không làm cho bạn cảm thấy lo âu và thiếu an toàn?

Trong cuộc sống trưởng thành, đã bao lần bạn trải nghiệm trạng thái buồn nôn và chán ngán dẫn xuất từ cảm giác vô nghĩa về cuộc sống của mình? Hãy nghĩ về tất cả những cơ hội ấy khi bạn cảm thấy như thể bạn đang bỏ phí cuộc đời mình, hoặc bạn chỉ đi qua cuộc đời ấy như một kẻ mộng du, hoặc vì bạn không sống với một ý thức chân thành sâu sắc nhất của chính mình. Hãy ghi nhớ những lần mà bạn cảm thấy trong những điều mà bạn làm hàng ngày có quá ít những điều thật sự có ý nghĩa lâu dài. Vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta đều trở thành những con mồi của những giai đoạn tối tăm hầu như không thể chịu đựng nổi, đầy hoảng loạn và bị thắt buộc của sự tự ngờ vực chính mình và sự dày vò hết sức sinh động.

Điều mà Đức Phật chỉ ra cho chúng ta là nỗi khổ vốn là một trải nghiệm của tâm thức. Ngài không ban tặng cho chúng ta sự khuây khỏa trước nỗi đau khổ. Ngài ban tặng cho chúng ta sự khuây khỏa từ khả năng phản ứng tâm thức cực độ vốn gây ra cho chúng ta nỗi khổ ấy. Thoạt đầu, điều đó nghe có vẻ xa lạ, nhưng thật ra, nhận thức ấy thích ứng với những căn nguyên tư tưởng phương Tây về sự đau khổ. Chúng ta chỉ đánh mất sự kết nối với căn nguyên tư tưởng ấy mà thôi. Những nhà minh triết cổ xưa của chúng ta đã biết cuộc sống đầy khó khăn, và họ cũng đã phát hiện rằng có một sự khác biệt giữa sự đau khổ của cuộc đời và phản ứng của chúng ta với sự đau khổ ấy.

 

Tác giả Phillip Moffitt

Chuyển ngữ: Lâm Hạnh Nhiên

Nguồn: Shambal Sun/ Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 95

 

(Phillip Moffitt là thành viên của Hội đồng các Giáo sư Kiên Trí (Spirit Rock Teachers’ Council) đồng thời là sáng lập viên và Chủ tịch Viện Quân Bình Cuộc Sống (Life Balance Institute). Ông giảng dạy về phương pháp thiền Vipassana và hành động có ý thức tại các trung tâm ẩn tu trên khắp nước Mỹ. Bài viết sau đây trích từ một quyển sách mới xuất bản của ông Khiêu vũ với cuộc đời: Tìm kiếm Ý nghĩa và Niềm vui trong Sự Đối mặt với khổ đau (Dancing With Life: Finding Meaning and Joy in the Face of Suffering)).

Các tin tức khác

Back to top