Giáo hóa La-hầu-la: Học từ đức Phật cách dạy trẻ em

2/02/2016 3:55
La-hầu-la (Rahula) là một vị đệ tử đặc biệt nhất của đức Phật, vì La-hầu-la không chỉ là người đệ tử của đức Phật mà còn là người con duy nhất của thái tử Sidhattha – người sau này chứng ngộ giải thoát trở thành đức Phật. Tuy nhiên, không có nhiều kinh điển ghi lại rõ ràng những chi tiết về mối liên hệ giữa đức Phật và La-hầu-la.

Trong trưởng lão Tăng kệ, câu 295 chỉ thoáng qua rằng “Ta có đầy đủ hai đức tánh tốt đẹp. Với hai đức tánh này, người có trí gọi ta là ‘La-hầu- may mắn’, đó là: Ta là con đức Phật,  lại có được pháp nhãn”. Thế nhưng, nhiều chi tiết trong một vài bài kinh với số lượng khiêm tốn, như những nét chấm phá tuyệt vời vẽ nên cho chúng ta một bức tranh sinh động và cảm động về cách đức Phật dạy La-hầu-la. Ba bài kinh tiêu biểu đức Phật dạy La-hầu-la, nếu chúng ta xâu kết lại với nhau, trở nên một quy trình giáo dục hoàn hảo để một người đạt đến giác ngộ  hoàn toàn. Khi La-hầu-la lên bảy, đức Phật dạy cậu bé về đạo đức (giới) , nhân cách của một người tốt. Đến khi La-hầu-la lớn hơn một chút, khoảng mười mấy tuổi, Ngài dạy La-hầu-la phương pháp tĩnh tâm bằng thiền quán (định). Rồi khi được hai mươi tuổi, La-hầu-la được đức Phật dạy phương pháp phát triển trí tuệ vô lậu giải thoát. La-hầu-la đã thành công, trưởng thành và tiến bộ trên con đường tu tập giải thoát mà đức Phật vạch ra cho tất cả. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu những bài học qua cách đức Phật dạy La-hầu-la khi cậu bé lên bảy và vừa gia nhập tăng đoàn không lâu.

Đức Phật trao gia tài thừa tự cho La-hầu-la

Câu chuyện đức Phật để gia tài thừa kế lại cho La-hầu-la thật thú vị. Câu chuyện kể rằng sau 7 năm kể từ ngày rời hoàng cung, thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhattha), bấy giờ đã thành tựu đạo quả được một năm (6 năm tu khổ hạnh, sau đó mới thay đổi phương pháp tu tập và thành công với sự nỗ lực thực hành con đường trung đạo), trên đường du hóa, trở về lại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) để thăm vua cha và hoàng thân đế thích. Cậu bé La-hầu-la, theo sự hướng dẫn của mẹ, đến bên đức Phật, xin được thừa hưởng gia sản của Ngài. Nếu thái tử Sĩ-đạt-ta không xuất gia tìm đạo, thì tất nhiên tài sản thừa hưởng của La-hầu-la là ngôi vị đế vương, thế hệ kế thừa tiếp sau thái tử Sĩ-đạt-ta. Thế nhưng, bây giờ, thái tử năm xưa nay đã là một vị khất sĩ không tài sản bạc tiền, không sở hữu gì cả, Ngài sẽ để cho La-hầu-la tài sản gì đây? Đáp lại lời cầu xin của La-hầu-la, đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất (Sariputta), lúc bấy giờ đang đứng bên phải đức Phật “hãy xuất gia cho La-hầu-la”. Thế là thay vì thừa hưởng ngai vàng, La-hầu-la được thừa hưởng đời sống đạo đức, thánh thiện, hướng đến mục đích giải thoát để không còn những ràng buộc khổ đau.

 

Từ đó, cậu bé bảy tuổi La-hầu-la bắt đầu làm quen với cuộc sống của người xuất gia, tập thực hành đời sống giải thoát theo sự hướng dẫn của đức Phật và các vị thầy đệ tử lớn của Ngài. Khi đọc lại ba bài kinh đức Phật dạy La-hầu-la, nhất là bài kinh dạy La-hầu-la không nói dối, biết phản tỉnh trước, trong và sau khi hành động (Trung bộ kinh số 61), chúng ta  vô cùng cảm phục với cách dạy rất khoa học, lại phù hợp với tâm lý lứa tuổi của Ngài.

La-hầu-la nói dối để mà chơi…

Những bài pháp được ghi lại trong kinh tạng chủ yếu tập trung vào những nội dung tu tập và các câu chuyện liên quan đến người lớn, trong đó đức Phật hoặc chư đệ tử Ngài nói với người lớn, dành cho người lớn, cả về nội dung giảng dạy lẫn cách dạy. Trong khi đó, có quá ít bài kinh nói với trẻ em và đề cập đến trẻ em, do vậy phương pháp dạy Phật pháp cho trẻ em cũng không được đề cập rõ ràng trong kinh điển. Vì  lẽ đó, bài kinh đức Phật dạy La-hầu-la tại rừng Am-bà-la (Trung bộ kinh số 61) trở thành nguồn tham khảo quý và hiếm đến mức có thể nói là vô giá để tìm hiểu cách đức Phật dạy trẻ em cũng như mở lối cho chúng ta phương cách ứng dụng việc dạy đạo đức Phật giáo cho con em mình.

Câu chuyện kể về cách đức Phật dạy La-hầu-la khi cậu bé nói dối cho ta nhiều bài học quý. Bấy giờ, La-hầu-la khoảng 7 tuổi. Cậu bé rất thích nói dối. Ví dụ có người với lòng tôn kinh đức Phật, từ nơi xa xăm bạt ngàn sơn dã, không quản đèo cao núi hiểm, đường sá xa xôi, tìm đến với hy vọng được thăm và đảnh lễ đức Phật. Khi đến tinh xá Trúc Lâm (Veluvana), gần thành Vương-xá (Rājagaha),  gặp La-hầu-la đang chơi đùa, họ hỏi đức Phật hiện đang ở đâu. Nếu đức Phật đang ở Trúc Lâm thì La-hầu-la bảo Ngài đang ở tinh xá Kỳ viên (Jetavana) tại Xá-vệ (Sāvatthi) trong khi đó, khoảng cách giữa hai nơi này là 650 cây số. Thế là họ kéo nhau rời Vương-xá đến Xá-vệ tìm Phật. La-hầu-la lấy đó làm vui, vì dụ khị được người khác, trong khi những người này đến Xá-vệ tìm đức Phật thì chẳng thấy Ngài đâu…

Dạy La-hầu-la sống chân thật

Khi câu chuyện đến tai đức Phật, với tâm từ của một người thầy, Ngài đã dạy La-hầu-la bài học rất sinh động và thâm thúy. Nội dung những lời dạy này được ghi lại trong bài kinh Trung bộ số 61, “Kinh giáo giới La-hầu-la tại rừng Am-bà-la”.

Kinh kể rằng, một buổi chiều nọ, sau khi hành thiền xong, đức Phật đi đến chỗ La-hầu-la. Vừa trông thấy Ngài đến, La-hầu-la soạn chỗ ngồi cho Ngài và chuẩn bị thau nước cho Ngài rửa chân, theo lệ thường. Sau khi rửa chân xong, còn chút ít nước, đức Phật lấy đó làm ví dụ để dạy La-hầu-la. Ngài bảo La-hầu-la quan sát chút ít nước còn lại, rồi Ngài đổ nước đi, cho La-hầu-la quan sát cái chậu không còn nước, rồi úp cái chậu lại, cho La-hầu-la quan sát, đồng thời hỏi nhiều câu hỏi để hướng La-hầu-la hiểu rằng, đức hạnh của một người sống trong tăng đoàn cũng ít, thậm chí không có chút gì, nếu người ấy biết mà cố tình nói dối, không biết hổ thẹn với việc mình làm. Ngài tiếp tục đưa ra hình ảnh con voi to lớn, khi xung trận, bằng mọi giá, nó phải giữ được cái vòi thì mới bảo toàn  mạng sống. Người nói dối cũng như con voi ra trận mà không biết giữ lấy cái vòi, mạng sống sẽ bị mất. Với tâm thương yêu thật sự từ đáy lòng và sự kiên nhẫn cần thiết với một đứa bé, đức Phật đã đánh động tâm thức của La-hầu-la để cậu bé hiểu rằng: người nói dối, không biết tự hổ thẹn với mình, không biết hổ thẹn với người, thì không có việc ác gì mà không làm. Ngài đi đến kết luận “do đó, này con, La-hầu-la, con quyết không được nói dối, dù nói để mà chơi”.

Bài học đầu tiên, Đức Phật dạy cho La Hầu La, một chú tiểu mới 7 tuổi, vửa mới xuất gia trong giáo pháp chưa được bao lâu, là bài học về đạo đức chân thật. Trẻ con phải chân thật, trung thực ngay khi còn nhỏ. Chân thật là chất liệu căn bản của một nền tảng đời sống đạo đức. Trong cuộc sống, tất cả các mối quan hệ: thầy-trò, chồng-vợ, cha-con, anh-em, chủ-thợ…đều phải đặt trên nền tảng của chân thật để có niềm tin với nhau thì quan hệ đó mới bền vững.

Đức Phật dạy La-hầu-la nghiêm khắc, nhưng nhẹ nhàng. Ngài chỉ cho cậu bé  thấy việc nói dối là không nên làm đối với một đứa trẻ. Trẻ con cần phải chân thật trong mỗi lời nói, mỗi việc làm của mình. Có như vậy, lớn lên mới làm người thành thật, đem lại lợi ích cho mình và cho người. Điều đáng nói ở đây là chính đức Phật nêu tấm gương sáng ngời, sống một đời trọn vẹn chân thật nên Ngài dễ dàng cảm hóa La-hầu-la chỉ với một lần nhắc nhở. Học theo Ngài, các bậc cha mẹ nên ý thức rõ, ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ dạy con lòng trung thực là điều tốt. Tuy nhiên, những giá trị này không chỉ nói suông mà cha mẹ phải làm gương cho con, làm cho con tin tưởng vào việc làm thực tế của cha mẹ.
Dạy La-hầu-la quán chiếu hành động, lời nói và ý nghĩ

Sau khi dạy La-hầu-la không được nói dối, đức Phật tiếp tục dạy chú sa di trẻ này cần phải quán chiếu hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Trong bài kinh này, tiêu chuẩn cho mọi hành động thiện lành là việc mình làm không được đem lại khổ đau cho người, mà đem lại sự lợi ích, an lạc. Đây là tôn chỉ hành động được đức Phật nhấn mạnh xuyên suốt như một sợi chỉ thắm xâu kết tất cả các bài pháp của Ngài. Ở một bài kinh khác, Ngài cũng nêu lên tiêu chuẩn này một cách rõ ràng, rằng không nên tin bất cứ điều gì từ bất kỳ nguồn nào, người nào, dù đó là truyền thống, dù đó là được nhiều người tin theo, dù lời đó từ những bậc đạo sư khả kính, cũng không đơn giản thuận theo những gì mình muốn, mà tiêu chuẩn để tin là, bằng sự quán xét thấu suốt của mình, thấy việc nào đưa đến kết quả tương ứng là bất hạnh, khổ đau thì từ bỏ ngay, vững niềm tin như vậy mà hành động trong cuộc sống. (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VII, kinh số 65).

Trên cơ sở đó, đức Phật dạy La-hầu-la quán chiếu không chỉ trước khi bắt tay vào làm, mà còn tiếp tục quán chiếu khi đang làm và sau khi làm xong. Nếu biết soi xét, quán chiếu cẩn thận, xem đi xem lại trước khi làm để kiểm tra định hướng, quán chiếu đang khi làm để vững tin với chọn lựa của mình mà nỗ lực nhiều hơn, quán chiếu sau khi làm để một lần nữa xác quyết về tính chất thiện-ác, lợi-hại của việc mình làm nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho những việc tương tự như vậy ở tương lai thì chắc chắn ta có kết quả tốt đẹp và tiến bộ nhanh chóng trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đây là điều thuộc về giới và được mệnh danh là tuyên ngôn chánh pháp, điều được thể hiện qua câu pháp cú 183 rằng “không làm các việc ác, làm các việc lành, giữ tâm trong sạch”. Nếu giúp trẻ em luyện tập được thói quen này, các em sẽ trở thành người biết suy nghĩ, cân nhắc chín chắn và rất chững chạc trong suy nghĩ, lời nói và hành động chứ không bộc phát nhất thời hay nặng về bản năng cảm tính.

Với tâm tĩnh lặng, không gợn một tí bực bội, nóng giận nào cả, không hề có sự đe dọa của hình phạt đối với lỗi lầm cậu bé La-hầu-la đã tạo ra, với tâm bao dung tràn ngập yêu thương, đức Phật đã đúc kết những gì cần ghi nhớ và thực hành đối với La-hầu-la bằng những lời xác quyết với một thái độ nghiêm túc. Lúc này, chúng ta ước chừng cậu bé bắt đầu chú ý đặc biệt vào từng lời nói của đức Phật nhiều hơn với sự chú ý cao nhất. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để hướng dẫn La-hầu-la cách quán chiếu, phản tỉnh những hành vi của mình. Lời đức Phật nói với La-hầu-la thuở ấy khác nào như Ngài đang nói với tất cả những người thực hành pháp trên con đường hướng thiện và hướng thượng rằng: đúng rồi, ai cũng nên làm chức năng của một chiếc gương, phản chiếu hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Nếu hành động, lời nói, ý nghĩ nào không đem lại lợi ích cho mình và cho người khác, ta hãy bỏ đi, đừng có làm. Còn hành động, lời nói, ý nghĩ nào đem lại lợi ích cho mình và cho người khác, hãy nỗ lực làm. Trước khi làm, cũng phải soi xét, đang khi làm tiếp tục soi xét, sau khi làm cũng tiếp tục soi xét như vậy.

Nghệ thuật giáo dục: dạy trẻ em qua hình ảnh gần gũi, sinh động

Hình ảnh chậu nước:

Ở đất nước Ấn Độ, khi một người tôn kính đến thăm gia đình thì người Ấn có phong tục là múc một chậu nước để rửa chân như là biểu hiện của sự kính trọng và hiếu khách. Theo thông lệ đó, khi Đức Phật đến thăm, La-hầu-la bưng nước rửa chân cho Ngài. Rửa chân xong, đức Phật đổ nước, rồi chừa lại một ít trong thau. Ngài dùng hình ảnh quen thuộc này, cùng với phương pháp sử dụng chuỗi câu hỏi có định hướng, để hướng dẫn La-hầu-la ý thức được việc mình đang làm cùng những hậu quả của chúng. Với một chút nước còn đọng lại trong chậu, Ngài lay động tâm thức của đứa bé 7 tuổi với những lời nhẹ nhàng mà nghiêm khắc. Ngài nói “cũng ít vậy, này La-hầu-la, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý” (Trung bộ kinh số 61).

Sau đó Đức Phật Ngài đổ hết nước trong chậu ra ngoài, rồi Ngài nhắc nhở “cũng đổ đi vậy, này La-hầu-la, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý” (Trung bộ kinh số 61).

Chưa dừng lại ở đó, Ngài khắc sâu vào tâm trí non trẻ của La-hầu-la bằng hình ảnh chậu không còn nước lật úp xuống và nói“cũng lật úp vậy, này La-hầu-la, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý” (Trung bộ kinh số 61).

Để nhấn mạnh thêm nữa, đức Phật lật ngửa cái chậu trở lại và với hình ảnh này, tiếp tục khắc sâu vào tâm trí La-hầu-la: “cũng trống không vậy, này La-hầu-la, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý” (Trung bộ kinh số 61).

Hình ảnh con voi

Với La-hầu-la, tuy còn nhỏ tuổi, hình ảnh một con voi thiện chiến của vua, có ngà dài, to lớn, khéo luyện, thường có mặt ở chiến trường là một hình ảnh quen thuộc vì La-hầu-la sống trong hoàng cung từ bé. Khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, dùng hầu hết tất cả những bộ phận của thân thể, nhưng nhất thiết phải bảo vệ cái vòi, vì khi cái vòi được bảo vệ cẩn thận, mạng sống con voi được đảm bảo. Một khi con voi không tự biết bảo vệ cái vòi của mình, nghĩa là nó đã quăng bỏ mạng sống. Đến mạng sống của mình còn khi suất, thì con voi ấy không có việc gì là không dám làm. Từ hình ảnh này, Ngài quay lại vấn đề, nhấn mạnh rằng, “này La-hầu-la, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này La-hầu-la, Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi” (Trung bộ kinh số 61).

Hình ảnh chiếc gương

Đức Phật tiếp tục sử dụng một hình ảnh rất gần gũi trong cuộc sống đời thường nữa là hỏi tiếp La-hầu-la về tác dụng của cái gương. Khi được hỏi “cái gương dùng để làm gì?”, La-hầu-la đáp “cái gương dùng để phản tỉnh”. Nhân đó, đức Phật dạy: “cũng vậy, này La-hầu-la, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp” (Trung bộ kinh số 61).

Đức Phật Ngài dạy La-hầu-la đời sống tu hành giống như tấm gương, cho nên trước khi hành động thì hãy tự hỏi, hành động ấy có lợi ích gì cho cho mình và cho người khác hay không. Nếu có lợi ích cho mình và cho những người khác thì nên làm, nếu nó không lợi ích mà làm tổn hại cho mình hoặc cho người khác, hoặc tổn hại cả hai thì đừng làm. Rõ ràng vấn đề căn bản ở đây là đức Phật dạy, hãy quán chiếu tâm, xét hành động nào thiện thì mình nên làm, hành động bất thiện thì nên xa lánh.

Bằng phương pháp tự kỷ ám thị tích cực, cứ mỗi lần dùng hình ảnh sinh động của chậu nước còn chút ít, không còn nước, lật úp chậu và lật ngửa chậu trở lại; rồi sự bảo vệ chiếc vòi của con voi xung trận cũng như tác dụng phản tỉnh của chiếc gương để mình họa, đức Phật chủ tâm lặp đi lặp lại tác hại của nói dối một cách liên tục để chú sa di trẻ La-hầu-la tạo một rãnh mòn trên cơ quan ghi nhớ là não bộ khắc sâu ý niệm rằng, đạo đức con người ít như vậy, bỏ đi như vậy, trống không như vậy, mất mát như vậy với những ai biết mà nói láo, không có tâm hổ thẹn. Do đó, phải luôn phản tỉnh để kịp thời nhắc mình không chệch hướng trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Với phương pháp giáo dục tuyệt vời của đức Phật, từng lời nói nhẹ nhàng nhưng thâm thúy của Ngài đã thấm sâu vào tâm trí trẻ thơ của cậu bé La-hầu-la. Khi nói dối để mà chơi, La-hầu-la rất có thể chưa hiểu hết những tác hại của việc mình làm, cho đến khi được đức Phật phân tích cặn kẽ với sự minh họa của chậu nước, vòi con voi và chiếc gương cùng với sự nhấn mạnh cần thiết.

Nghệ thuật giáo dục: lạt mềm buộc chặt…

Ngoài nội dung cần truyền đạt đến cậu bé La-hầu-la quá tuyệt vời về phương diện giáo dục nhân cách, ta học bài học gì từ Ngài ở đây? Đó là thiện chí chuyển hóa, điều chỉnh hành vi của trẻ em bằng tình thương yêu, bằng sự giải thích hợp lý, kết hợp với những quan sát hình ảnh cụ thể, trực quan sinh động. Tất cả những yếu tố này có sức mạnh cảm hóa mạnh mẽ vô cùng, tác động trực tiếp đến tâm trí trẻ và có tác dụng tức thời. Lời lẽ nhẹ nhàng có sức mạnh hơn nhiều so với những đòn roi cùng những lời mắng nhiếc, xúc phạm nằng nề. Nhiều bậc phụ huynh không áp dụng được phương pháp giáo dục tuyệt vời như thế này đối với con em mình. Hễ chúng có lỗi gì, cha mẹ không kềm chế được cơn nóng giận mà quát tháo ầm ỹ, tệ hơn nữa là đánh đập các em. Có thể nói rằng, khi đánh con, cha mẹ đã thất bại trong việc giáo dục con mình rồi. Khi đánh con, cha mẹ thường biện minh rằng “thương cho roi, cho vọt”. Thật ra, đó là cách để giải tỏa nguồn năng lượng tiêu cực từ cơn tức giận, sự sân si hung dữ của cha mẹ chứ hoàn toàn không có giá trị giáo dục nào cả, mà còn tập cho trẻ có tính bạo động, nguy hiểm khôn lường.

Các chuyên gia thần kinh và bác sĩ tâm lý trị liệu, gần đây nhất là các nhà khoa học Anh thuộc Đại học Kings College ở London cho biết, bạo lực trẻ làm biến đổi vĩnh viễn cấu trúc não bộ của chúng, hạ thấp chỉ số thông minh và có thể dẫn đến những bệnh tâm thần nghiêm trọng. Theo mô tả trong bài đăng trên tạp chí chuyên ngành tâm thần học American Journal of Psychiatry số tháng 7/2014 các thể chất xám mất dần đi ở trẻ thường bị bạo hành. Tệ hơn, hiện tượng còn xảy ra ở những khu vực đóng vai trò quyết định đối với quá trình tư duy và tái tạo thông. Do đó, trẻ em càng bị đòn, càng kém thông minh, không tinh nhạy, xử lý thông tin kém, suy giảm trí nhớ. Nếu bị đòn thường xuyên, các em sẽ bị sang chấn tâm lý, trở nên trầm cảm, lỳ lợm hoặc hoảng loạn… Liệu cha mẹ nào khi biết điều này rồi vẫn còn dùng roi vọt để biện minh cho đó là phương pháp giáo dục con trẻ đúng hay không?

“Lạt mềm buộc chặt”, tình thương yêu, nhẹ nhàng, ân cần với trẻ em ngay cả khi chúng lỗi lầm là cách trị liệu tâm lý hiệu quả nhất để giúp các em nhận lỗi, sửa lỗi và ngày càng ngoan hơn. Với cách này, truyền thông giữa các thế hệ được kết nối và củng cố bằng chất liệu yêu thương và trí tuệ. Nghệ thuật giáo dục bằng “đức trị” bao giờ cũng nhẹ nhàng, sâu sắc và hiệu quả nhiều lần hơn so với cách “pháp trị” vừa nặng nề cồng kềnh vừa kém hiệu quả. Hãy làm những phụ huynh khôn ngoan để chọn cách giáo dục nhân văn nhất: trải tình thương yêu ôm ấp cả những vụng về, lầm lỗi của con em mình và mở lối cho chúng tự làm mới mình như đức Phật đã từng làm với La-hầu-la.

Nghệ thuật giáo dục: biết nghĩ đến người khác

Chúng ta vô cùng kính phục đức Phật, người đã dạy La-hầu-la quán chiếu những hành động, lời nói và ý nghĩ của mình trên cơ sở có lợi ích hoặc gây tổn hại cho mình và cho người khác, mà không chỉ trên cơ sở đúng-sai. Đức Phật đã chủ tâm dạy cho một đứa bé, ngay từ nhỏ, bên cạnh việc tỉnh táo và công tâm quán sát đúng-sai, còn biết quan tâm đến người người khác, nghĩ đến người khác khi tác ý hay hành động. Đây là yếu tố đạo đức nền tảng đầu tiên để phát triển lòng thông cảm, thấu cảm và thương yêu nơi một con người. Học cách giáo dục này, chúng ta có thể đưa con em của mình vào quỹ đạo sống biết nghĩ đến sự bình an của người khác. Mỗi khi quyết định điều gì, cần dựa trên nền tảng đạo đức căn bản: việc mình làm không làm tổn hại ai thì nên làm.

Ngài Dalai Lama từng nói trong bài phát biểu của Ngài tại Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 21 tháng 10 năm 2014 rằng “cảm giác quan tâm đến sự bình an của người khác là nguồn tuyệt vời nhất đưa đến sự an tịnh nội tâm”. Trên cơ sở này, nền tảng của giáo dục nhân-quả cũng được dần thấm vào tâm hồn trong trắng của các em nếu chúng ta chịu khó và nhẫn nãi dạy con trẻ trong mọi tình huống. Cứ tác động, khuyến khích để các em luôn biết quán chiếu và quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của người khác khi quyết định nói, làm hay nghĩ việc gì. Một khi có thói quen như thế, chắc chắn các em sẽ hiểu được nhận thức, thái độ và hành vi của mình sẽ tác động đến người khác thế nào để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người. Đây là cách tập các em có tinh thần trách nhiệm về chính bản thân mình. Học theo hạnh lành của đức Phật, là người phật tử, nếu chúng ta làm gương trong việc thực hành quán chiếu bản thân và thương yêu người khác, các em càng có điều kiện học và thực hành điều này nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Theo lời đức Phật dạy, chúng ta khuyến khích con em mình, không chỉ trước khi làm, đang khi làm mà ngay cả sau khi làm xong việc cũng cần quán chiếu, thử kiểm tra xem việc các em vừa mới làm có tổn hại ai không. Nếu có, chúng ta hướng dẫn các em thành tâm sám hối, chân thành xin lỗi người mình đã làm tổn thương. Đây là cách rất hay để tập cho con em chúng ta ý thức và có tinh thần tự phê, tự nhận lỗi, từ đó dễ dàng tiếp nhận những ý kiến đóng góp, khuyên dạy của người khác để dần hoàn thiện mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ nóng giận, la mắng, bắt phạt mỗi khi con em mình mắc lỗi thì trẻ em không dám nói thật những sai lầm của mình. Điều này dễ hiểu vì không một ai, kể cả người lớn thích nghe la mắng hay chịu hình phạt. Nếu cha mẹ có thái độ bao dung, đầy lòng thương yêu, chấp nhận lỗi của con em mình như đức Phật đối với La-hầu-la mà nhẹ nhàng chỉ dạy, con em chúng ta mới dám thành thật với cha mẹ khi mắc phải lỗi lầm. Bằng không, chúng tìm mọi cách có thể để đối phó và tránh né. Cách cha mẹ, người lớn tiếp nhận lỗi của con em mình góp phần quyết định cách trẻ em phản ứng như thế nào. Do vậy, chúng ta cũng phải tự xét mình, lòng bao dung đủ sức chứa những lỗi lầm của con em mình chưa? Lòng thương yêu của mình đã đủ lớn để ôm các em vào lòng chưa? Ta có đủ kiên nhẫn giúp các em nhận ra lỗi lầm và nỗ lực tránh trong tương lai chưa?

Thay lời kết

Chúng ta có thể học được phương pháp giáo dục trẻ của đức Phật qua cách Ngài dạy La-hầu-la để hướng dẫn con em mình thuần thục những đức hạnh tốt đẹp, cách sống đạo đức và trang bị những kỹ năng sống hơn là để lại cho chúng tài sản vật chất. Chúng ta cũng có thể học Ngài để ươm mầm Phật pháp, dạy nghệ thuật sống biết quán xét, bình an và tỉnh thức cho trẻ em. Bài học sinh động từ bài kinh này là hãy dạy cho trẻ em những điểm căn bản nhất, đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để các em áp dụng được ngay sau khi học, nhằm tích lũy làm vốn liếng cần thiết khi trưởng thành. Làm thế nào để việc học những tính cách tốt đẹp, đạo đức cao quý ở trẻ em diễn ra tự nhiên, quen thuộc mà sinh động như những sinh hoạt hằng ngày. Hơn thế nữa, làm sao để những điều cần học gần gũi với các em như cơm ăn, nước uống, khí thở và như chính ngôi nhà ấm cúng của mình thì việc giáo dục sẽ thành công và có hiệu quả.

Chúng ta dù có đi đâu, xong việc là về ngay ngôi nhà thân yêu của mình nếu nơi ấy đúng nghĩa là “tổ ấm”. Ngay cả khi đi xa, ngôi nhà vẫn là nơi ta nghĩ về nhiều nhất, nơi ấm áp nhất nuôi lớn đời sống tình cảm và tinh thần và là nơi cho ta trú ẩn an toàn nhất trước mưa nắng bão giông. Cũng như vậy, với tình yêu thương dành cho trẻ, cùng sự kiên nhẫn đủ lớn, lòng bao dung đủ rộng để chứa đựng, để ôm ấp, để chở che, chúng ta dễ dàng đưa con em mình vào quỹ đạo sống đạo đức theo con đường hướng thiện. Với sự chân tình và khéo léo, ta có thể tác động vào tâm thức trẻ thơ, tạo cú hích cần thiết để các pháp thiện lành thật sự trở thành một phần cuộc sống thiết thân của các em từ thuở bé. Nếp sống đạo đức là ngôi nhà tâm linh bình yên cho mỗi người nương tựa trên con đường hoàn thiện bản thân. Hỗ trợ con em chúng ta kiến tạo ngôi nhà tâm linh, nghĩa là ta đã biết cách trao gia tài quý báu nhất cho thế hệ sau theo đúng tinh thần của đạo Phật vậy.



TG: Hằng Như

Các tin tức khác

Back to top