Nghiệp của "ác khẩu"

29/01/2016 3:48
Đức Phật dạy ác khẩu hay còn gọi là ác ngữ là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu). Nó sẽ gây ra nhiều điều hối hận cho con người trong cuộc sống khi nói ra.

Những lời ái ngữ có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi tâm trạng buồn bã của mọi người. Và nếu khuyến tấn đúng thời điểm, đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương.Từ đó, dần dần sẽ làm thay đổi những hành vi và những việc làm bất thiện.

Ngược lại lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta phải ăn năn hối hận cả cuộc đời. Trong đó lời nói ác ngữ, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế.

Ác khẩu, ác ngữ là những lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa, là những lời lẽ thiếu văn minh, đạo đức trong giao tiếp. Tuy nhiên nói nặng lời hoặc lớn tiếng trong chừng mực nào đó không phải là ác ngữ. Nhất là trong quá trình giáo dục con cái của cha mẹ, giáo huấn học trò của thầy cô.

 

Trong kinh Phật có bài học đạo lý dạy rằng: “Có người nghe đức Phật rất từ bi, có đạo hạnh nên cố ý đến mắng nhiếc đức Phật. Nhưng khi bị chửi mắng, đức Phật đều lặng thinh, không đáp. Khi người ấy mắng nhiếc xong, Phật hỏi: “Ông đem lễ vật đến tặng người khác, người ấy không nhận thì lễ vật ấy cuối cùng sẽ thuộc về ai?”. Người ấy đáp rằng: “Đương nhiên là của tôi rồi”.

Đức Phật liền nói: “Nay ông mắng nhiếc ta nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như những âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành. Cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Bởi vậy hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ”.

Theo đạo lý nhân quả trong Phật giáo thì một việc làm, một lời nói hay một ý niệm, suy nghĩ của thân, miệng, ý dù đó là thiện hay bất thiện đều đưa đến kết quả nhất định của nó. Những hành vi, lời nói, suy nghĩ được lặp đi lặp lại nhiều lần thì kết quả hiện hành rõ ràng hơn, chi phối mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày của cá nhân đó. Như vậy, với những người thường dùng lời nói thâm độc, thô bạo để mắng nhiếc, chửi rủa người khác thì chính bản thân người ấy đã thể hiện lối sống thiếu đạo đức và văn minh. Dần dần sẽ hạ thấp hình ảnh của tự thân khiến người xung quanh xa lánh. 

Ngày nay chúng ta thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm quyền tự do ngôn luận và nói lời ác ngữ. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, mỗi người đều dễ dàng bày tỏ ý kiến của bản thân trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter và nhiều diễn đàn. Khi có một sự việc tiêu cực nào xảy ra thì nó sẽ lan truyền một cách chóng mặt, không thể kiểm soát. 

Ví dụ như việc một sư thầy có mắc lỗi trong giới luật, dù chưa được xác nhận chính xác, chỉ mới tung tin trên một vài trang báo mạng thì nó đã trở thành một chủ đề “hot”. Tôi đã từng đọc rất nhiều những lời bình luận khiếm nhã của mọi người dưới mỗi thông tin tiêu cực liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như vậy.

Thiết nghĩ chúng ta không có quyền phê phán và lên án những hành động không đúng của các thầy dưới bất kì hình thức nào. Bởi các thầy đã xuất gia nên việc đó thuộc về tăng đoàn. Nếu các thầy có phạm lỗi thì người có quyền truy cứu và xử phạt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam chứ không phải là chúng ta. Nó cũng giống như việc bạn mắc lỗi thì cha mẹ bạn có quyền trách phạt, chứ người ngoài đâu thể tự nhiên đánh hay phạt bạn được.

Việc bình luận qua các con chữ hay nói ra suy nghĩ của mình một cách tự do, thiếu suy nghĩ là vấn đề đáng báo động của con người hiện nay. Có nhiều chuyên gia còn đánh giá đây là thời đại “tay nhanh hơn não”. Người ta gõ ra những lời lẽ khiếm nhã để hạ thấp, lăng mạ người khác cho thỏa thích mà không quan tâm nó ảnh hưởng đến người khác ra sao. Đã có biết bao câu chuyện thương tâm về hậu quả của những lời nói ác ý đã ảnh hưởng đến cuộc sống của một con người, khiến họ phải khổ sở trước “búa rìu của dư luận”. Nếu đó là thông tin chính xác thì còn có thể chịu được. Còn những điều bịa đặt, thêu dệt thì thật sự đã hủy hoại cả một con người. Thế mới nói:

“Trăm năm bia đá cũng mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”


Cho nên trước mỗi thông tin tiêu cực chúng ta nên có sự tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề. Đừng chỉ vì những lời nói phong thanh mà ta dễ dàng phán đoán một người hay một sự việc nào đó. Hãy nhìn vào lỗi lầm của người khác để sửa mình, tự dặn bản thân không được mắc phải. Có thể bạn cho rằng những lời nói hay bình luận của bạn không chỉ rõ một người nào cụ thể, không trực tiếp nói lỗi của ai thì không sợ nguy hại. Nhưng thực tế lại rất nguy hiểm. 

Không chỉ viết những lời ác ngữ mà thậm chí chỉ cần nhấp chuột tán thành, ủng hộ những lời thô ác ấy cũng đều nguy hiểm cả. Vì nhiều lần làm như vậy khiến chúng ta khó kiểm soát được suy nghĩ cũng như hành động, lâu ngày dài tháng sẽ trở thành một thói quen xấu, nhiễm thành bản tính của chính mình mà không hay.

Phật giáo gọi điều này là tạo nghiệp bất thiện, mà đã là nghiệp bất thiện thì nó sẽ chi phối đối với đời sống của tự thân người đó. Vì thế một lời ác khẩu, ác ngữ đều có thể đưa đến hậu quả khó lường. 

Đức Phật luôn dạy: “Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Bạn càng nguyền rủa họ, tâm bạn càng bị nhiễm ô. Bạn hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của bạn.”

Nguyễn Linh Chi - Theo GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top