Cuộc sống mỗi ngày của Đức Phật, như thế nào?

24/02/2016 12:05
Đây là bài giảng của Thầy Ajahn Jagaro trong Lễ Phật Đản Vesak, có tựa đề là "Bố Thí, Giới Hạnh Đạo Đức, và Thiền Định". Bài viết trên bản tin tức tháng 6/1995, của Hội Phật Giáo Victoria (Úc Châu).

Hãy thử hình dung trong tâm trí chúng ta, cuộc sống mỗi ngày của Đức Phật; Đức Phật Gotama (Cồ Đàm), sống cách đây hơn 2500 năm trước, ở miền bắc Ấn Độ - ngài không sống ở Thái Lan, không sống ở Miến Điện, không sống ở Tích Lan (Sri Lanka). Đức Phật sống trong Thung Lũng Sông Hằng, và ngài đi bộ vòng quanh Thung Lũng Sông Hằng trong 45 năm, ngài nói giọng người địa phương, và ngài giảng dạy những người của thời đại đó. Đức Phật là một nhà sư; ngài không cao 5,5 mét (= 18 feet), vì thế trong đám đông ngài không có gì nổi bật. Trong vài trường hợp, người ta không thể biết được Đức Phật là ai, khi ngài đứng cùng với các nhà sư khác. Tất cả các nhà sư đều trông giống như nhau. Mỗi buổi sáng, Đức Phật đi khất thực để nhận thức-ăn cúng dường - ngài ăn thức ăn bình thường, và làm những điều bình thường giống như những nhà sư khác.

Điều khác biệt quan trọng là Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ. Tâm của Đức Phật thì hoàn toàn bình an - ngài hoàn toàn không-còn phiền muộn, rên rỉ, đau đớn, buồn rầu và tuyệt vọng; ngài cũng không-còn tính ích kỷ, tham lam, tham muốn, hoặc dính mắc; ngài cũng không-còn có ý xấu, oán giận, thù ghét, làm tổn-thương cảm xúc người khác, hoặc phẫn nộ dù chính đáng; ngài cũng không-còn sự si mê, hoặc sự thiếu hiểu biết, mà dẫn đến sự nghi ngờ, và sự rối trí; ngài cũng không-còn sự tự-phụ, hoặc là bất kỳ sự tự phụ nào về cái-tôi. Tâm của Đức Phật thì hoàn toàn bình an, trí tuệ của ngài hoàn toàn hiểu biết về thực tại.

Đức Phật sống một cuộc đời với phẩm hạnh trong sạch, và cao quý. Ngài sống một cuộc sống rất đơn giản. Đức Phật đi bộ khắp nơi, với ba y và một bát. Ngài khất thực, nhận thức-ăn cúng dường, và ăn mỗi ngày một bữa. Khi có người quan tâm đến Phật Pháp, và khi họ hoàn toàn có sự tôn kính ngài, Đức Phật giảng dạy Phật Pháp cho họ. Đức Phật không dạy họ chỉ có nghi thức, hoặc là các buổi lễ bái, mà ngài giảng dạy cho họ về Phật Pháp.

Qua nhiều thế kỷ, Đạo Phật đã phát triển các biểu tượng về tôn giáo, các sách nghi lễ, và những khóa tu hành, mà có thể khá khác-biệt từ một nền văn-hóa nầy, sang một nền văn-hóa khác. Chúng tôi không nói rằng có-gì sai-trái với điều nói trên - bởi vì, có một số điều khá khéo léo, và hữu ích - tuy nhiên, chúng ta cần phải có quan điểm đúng đắn về những điều nầy, để tâm chúng ta luôn luôn nhớ rằng Đức Phật mỗi ngày đã sống như thế nào, ngài đã làm gì, và ngài đã dạy chúng ta những điều gì. Để rồi sau đó, chúng ta cố gắng học hỏi, và suy ngẫm những lời giảng dạy của Đức Phật.

Đức Phật là một con người, đã giảng dạy cho chúng ta (mà cũng là con người như ngài) những điều chúng ta có thể làm được (giống như ngài), và ngài đã giảng dạy chúng ta con đường, hoặc là một hệ thống mà chúng ta có thể đi theo ngài, để tu hành (nếu chúng ta muốn). Con đường nầy là con đường mà hoạt động dựa trên những quy luật tự nhiên. Khi chúng ta thực hành, trau dồi những phẩm chất nào đó, những điều kiện nào đó, rồi sau đó, sẽ có những điều chắc chắn xảy ra, những kết quả chắc chắn phải xảy ra. Do đó, Đức Phật giảng dạy chúng ta con đường để chúng ta có thể thực hành - chúng ta phải nỗ lực như thế nào, để chúng ta tu hành đạt tới giác ngộ, đến sự hoàn-toàn hạnh phúc, đến sự hoàn-toàn giải thoát, đến sự hoàn-toàn bình an, và đến sự hoàn-toàn trong sạch.

Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta những điều kiện hỗ trợ khác nhau, để giúp chúng ta đi trên con đường nầy - và ngài cũng đã chỉ bày chúng ta các mối nguy hiểm khác nhau, mà sẽ là các chướng ngại, ngăn cản chúng ta đi trên con đường nầy - rồi, Đức Phật cũng đã khuyến khích chúng ta nhận lấy nhiệm vụ của chúng ta, là hãy bước chân đi trên con đường nầy. Và, đấy là nhiệm vụ của Đức Phật, và đấy là tất cả những gì ngài có thể làm được. Phần còn lại, là tùy thuộc vào chúng ta, là nhiệm vụ của chính chúng ta mà thôi.

 

Ajahn Jagaro - Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến 
(What Was The Buddha's Life Really Like? - Ajahn Jagaro)

Các tin tức khác

Back to top