Người bước vào đạo, Phật bắt phải giữ giới để ngừa đón, chặn đứng không cho làm những điều tội ác. Giới không cho chúng ta rơi vào hầm sâu, hố thẳm, nên giới là hàng rào để ngừa đón sự nguy hiểm cho chúng ta. Người tu xuất gia hay tại gia, đều phải có hàng rào để ngừa đón tội lỗi. Nếu không có hàng rào đó, chúng ta dễ rơi vào những chỗ nguy hiểm, hậu quả không an vui mà còn dẫn đến nhiều khổ đau khác nữa.
Tôi nói gần nhất là giới của cư sĩ tại gia. Phật không cho sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, xì ke, ma túy… Phật cấm không được làm những điều này. Nếu Phật tử làm thì sẽ dẫn đến đau khổ, tội lỗi. Bước đầu vì sợ tội, sợ phạm nên quí vị không làm những điều đó, tức là không làm điều ác.
Các hành động như giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu say… có ác không? Năm điều đó là tội ác cho nên chúng ta ngừa đón, không làm, không làm tức là giữ giới. Nhờ giữ giới nên tránh được tội ác. Tránh được tội ác rồi, kế đó chúng ta mới làm các việc lành. Làm các việc lành như tu Thập thiện, tức là mười điều lành của người tu Thiên thừa Phật giáo. Người tu Thập thiện sau khi chết sẽ sanh về cõi trời. Trong mười điều lành đó thân có ba, miệng có bốn, ý có ba điều.
Thân có ba là: “Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm”. Miệng có bốn là: “Không nói dối, không nói lời hung dữ, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt”. Ý có ba là: “Bớt tham, bớt sân, bớt si”. Người tu không làm mười điều ác đó sẽ được sanh về cõi lành. Như vậy bước đầu của người tu Phật là phải ngăn chận dòng tội lỗi. Không gây tạo tội lỗi là bước thứ nhất trên đường tu. Người theo đạo Phật mà không chịu giữ giới là người không biết tu.
Trong mười điều đó: thân ba, miệng bốn, ý ba. Chúng ta có thể giữ được thân, miệng nhưng ba điều của ý, quí Phật tử có giữ được không? Thí dụ về tham, cái tham hết sức nhỏ như tham ăn. Bình thường thấy gà vịt nuôi sẵn ở nhà cũng thương, nhưng khi đã thèm ăn rồi thì cứ đè xuống cắt cổ. Nó giãy giụa mấy cũng mặc, đâu có xót xa chút nào, miễn được ăn ngon thôi. Vì miếng ăn mà chúng ta tàn sát chúng sanh không thương tiếc!
Nên tôi nói người tu ăn chay có lợi rất lớn, dễ tăng trưởng lòng từ bi. Thí dụ chư Tăng Ni ăn chay trường, khi ra đường có những hồ ao gần bên, cá dưới ao nhảy lên bờ giãy giụa, quí vị thấy thế thì sao? Thấy thương, lượm bỏ xuống hồ. Còn người không ăn chay trường, thấy thì sao? Thì mừng, lượm bỏ vô giỏ. Như vậy có một việc thôi, mà người ăn chay trường thấy thương, còn người ăn mặn thì thấy là món ăn ngon nên lượm bỏ vô giỏ.
Cái khổ sợ kinh hoàng của nó, mình không một chút xót thương. Rõ ràng người tu ăn chay thì có lòng từ đối với chúng sanh hơn. Người tu mà còn tham ăn ngon là còn sát phạt sanh vật khác, không biết thương tiếc mạng sống của nó. Từ tham ăn rồi tới tham tiền, tham của.
Tham tiền, tham của thì sao? Thì ra đường thấy ai làm rơi bóp lượm lên. Lượm được mừng quá giấu luôn. Như vậy do tham, dù không trực tiếp ăn cắp, nhưng đã gián tiếp làm việc đó rồi. Người mất của họ buồn rầu, mình lượm được thì mừng vui. Tức là vui trong sự đau khổ của người khác. Như vậy có tội không?
Chúng ta thấy từ tham làm ra bao nhiêu tội ác. Sân cũng vậy. Khi nào nổi nóng ít ai bình tĩnh, sáng suốt nói lời tốt lành. Người ta nói trái ý, mình nổi giận liền kêu tên chửi mắng. Do giận dấy lên, chúng ta mất hết trí khôn nên nói bậy, gây ra tội lỗi. Người tu phải bớt nóng giận. Chẳng riêng gì giới Phật tử cư sĩ mà kể cả người xuất gia có hết được nóng giận chưa? Bình thường quí vị sợ nhưng tới nổi cơn lên thì hết sợ! Để thấy khi nổi giận lên thì trí tuệ sáng suốt bị khuất lấp đi, không còn nữa nên nói bậy, làm bậy.
Trong gia đình Phật tử cư sĩ, vợ chồng có tình ràng buộc từ buổi đầu cho tới ngày nhắm mắt. Nhưng khi nổi giận thì bất kể, nói những lời hết tình hết nghĩa, làm cho tan nát cả gia đình. Thế thì nóng giận có phải là tội ác không? Nếu chúng ta bớt nóng giận thì bớt tội ác. Đó là một cái lẽ thật. Người tu phải làm sao tự mình kềm chế. Ở đây tôi nói bớt thôi, chớ chưa dám nói hết. Thí dụ trước kia quí vị nóng một trăm phần trăm, kể từ nay về sau, mỗi tháng bớt xuống chừng mười phần trăm. Như vậy tới cuối năm sẽ hết hoàn toàn. Dứt được sân thì mình bớt khổ và những người chung quanh cũng bớt khổ. Nóng giận làm cho người ta mất hết lương tri, mất hết trí tuệ. Những việc không nên làm mà cứ làm là điều hết sức nguy hiểm.
Thứ ba là si mê. Sao gọi là si mê? Nhiều vị khi bị người ta nói “Chị khờ quá!” nổi giận liền. Nói “khờ” còn nhẹ, nói “ngu quá!” thì sao? Nổi giận đùng đùng lên. Bởi cho rằng người ta nói ngu là xúc phạm đến giá trị của mình, làm cho mình mất hết uy tín, danh dự… Nếu nghe nói ngu mà cứ cười: “Họ nói mình ngu mà mình không ngu thì thôi”, như vậy khỏe biết mấy. Phải chi họ nói ngu mà mình ngu liền thì nổi giận là đúng. Người ta nói ngu mà mình không ngu thì thôi, có hệ trọng gì. Vậy mà không bao giờ chịu. Người xưa còn nói: “Càng học thấy càng dốt”, đây là câu nói của hàng thánh nhân chớ không phải thường.
Học nhiều lẽ ra phải thông minh, sao “càng học càng thấy dốt”? Bởi trên thế gian cả trăm cả triệu ngành nghề khác nhau. Thí dụ như chúng ta học nghề bác sĩ y khoa, giỏi về bệnh trạng, biết thuốc trị cho bệnh nhân hết bệnh, đó là bác sĩ hay. Nhưng nếu đưa ông bác sĩ qua ngành điện hoặc ngành hóa chất hay các ngành tầm thường hơn như thợ hồ, thợ mộc thì ông có biết gì không? Như vậy trăm ngàn nghề, mình biết có một nghề, còn bao nhiêu nghề không biết, thì đâu gọi là khôn hoàn toàn. Mình biết có một phần trong muôn phần thì vẫn còn ngu, chưa thể gọi là thấu suốt được hết.
Ngu mà biết ngu là chưa thật ngu. Ngu mà không biết ngu đó mới thật là ngu! Khi nghe người ta nói mình ngu, mình cười thôi: “Trong trăm nghìn muôn ức việc, tôi biết có một hai việc thôi bảo ngu là phải.” Nói như vậy có thiệt thòi giá trị của mình không? Người bàng quan nghe thế, họ chê cười hay là khen ngợi? Chúng ta có những thứ si mê hết sức là vô lý, không đáng si mê mà cứ si mê. Từ si mê không chấp nhận mình ngu nên sanh ra sân. Từ sân gây tai họa nguy hiểm thêm.
Trong kinh A-hàm, Phật có kể câu chuyện:
Có một thầy Tỳ-kheo tu hành rất chân chánh, ngài tránh xa quần chúng, tu trong một khu rừng. Những tiều phu hái củi thấy thế, họ về nói lại trong xóm nghe. Trong xóm, có một thiếu nữ rất tâm đạo, nghe vị Tỳ-kheo tu chân chánh như thế, nên cô xin phép ba mẹ mỗi ngày bưng một bát cơm vào rừng cúng dường cho thầy. Thấy thế, xóm làng nghi ngờ cô gái có tình ý với thầy. Họ đồn bậy, cô buồn nên không dâng cơm nữa. Trước khi không dâng cơm, cô thưa với thầy:
- Thưa Thầy, con đã phát tâm cúng dường cho Thầy, nhưng bây giờ xóm làng đàm tiếu, nói con có ý riêng với Thầy, nên con không dám dâng cơm cho Thầy nữa.
Nghe xong thầy Tỳ-kheo ấy buồn, vì nghĩ mình tu chân chánh thế này, mà người ta đàm tiếu những chuyện không hay, thôi thì chết đi cho rồi. Thầy mới làm một dây thòng lọng treo trên cây cổ thụ. Lúc thầy vừa đưa cổ vào dây, có vị thần hiện ra hỏi:
- Tại sao Thầy lại tự tử?
Thầy trả lời:
- Tôi tu hành chân chánh mà bị người ta đồn có tình ý với cô gái cúng dường cơm cho tôi. Vì vậy tôi xấu hổ, muốn tự tử chết cho rồi.
Vị thần đó hỏi:
- Thưa Thầy, nếu người ta đồn Thầy chứng quả A-la-hán, lúc đó Thầy có thành A-la-hán không?
- Nếu tôi chưa chứng A-la-hán, mà bảo tôi chứng A-la-hán, tôi cũng đâu thành A-la-hán được.
Vị thần hỏi:
- Vậy nếu người ta nói Thầy có tình ý xấu mà Thầy không có, tại sao Thầy lại tự tử?
Nghe thế, thầy Tỳ-kheo mở thòng lọng xuống bỏ. Sau một thời gian tinh cần, thầy chứng quả A-la-hán.
Câu chuyện đó nói với chúng ta điều gì? Dư luận khen chê có thật hay không? Thí dụ quí vị tu chưa tới đâu, mà nghe nói “Thầy đã chứng A-la-hán, Thầy đã là Bồ-tát rồi,” quí vị có mừng không? Lời khen mà không có lẽ thật thì cũng vô giá trị. Ngược lại, nếu người ta nguyền rủa: “Thầy tu lôi thôi quá coi chừng đọa địa ngục”, quí vị nổi giận không? Nếu mình tu thanh tịnh, người ta nói đọa địa ngục, mình có đọa đâu mà sợ. Nên cứ cười thôi, đâu có gì phải nổi nóng.
Trên thế gian người ta nói xấu, nói tốt đâu có giá trị thật. Vậy mà ai hơi xúc phạm là mình nổi nóng lên, la hét om sòm. Đó là si mê rồi. Nếu chúng ta không si mê thì cuộc sống có phải an lành không? Nên đạo Phật thường dạy chúng ta phải tránh si mê. Bởi vì si mê là nhân đưa chúng ta đến đau khổ. Nên bớt si mê là bớt khổ đau. Nếu còn si mê là còn đau khổ.
Muốn hết si mê chúng ta phải thường quán chiếu đúng với lẽ thật. Vì vậy người tu Phật đi vào đạo bằng trí tuệ, chớ không phải bằng cầu xin. Nhưng hiện nay chẳng những Phật tử, mà kể cả người tu cầu xin nhiều hơn vận dụng trí tuệ.
Phật tử tới chùa dâng một dĩa quả rồi lạy, thầy hay cô đánh chuông, bảo: “Phật tử nguyện gì thì cứ nguyện đi.” Thế là một đàng nhận, một đàng xin, Phật tử cứ thế mà cầu: “Nguyện cho gia đình con được bình an, cho con cái học giỏi, cho làm ăn phát tài…” Rõ ràng cúng Phật ít mà xin thì quá nhiều. Như vậy có phải tham không? Phật dạy bớt tham, bớt sân, bớt si mà chúng sanh tham như vậy, Phật biết làm sao? Chỉ còn lắc đầu.
Chúng ta tu mà không hiểu được lời Phật dạy, làm sao tu theo Phật được. Đến chùa, nếu có cầu nguyện, người Phật tử hiểu đạo nên nguyện thế này: “Nguyện Tam Bảo chứng minh hộ độ cho tất cả chúng sanh đều hết mê lầm, hết đau khổ.” Như vậy là quá đủ. Bởi vì trong chúng sanh đã có mình rồi. Còn xin cho một mình mình thì tham lam, ích kỷ quá, Phật đâu có vui. Nhiều khi tôi cũng hơi buồn khi thấy Phật tử có ý trao đổi nhiều quá.
Thí dụ Phật tử cúng cho thầy hoặc cô, mỗi tháng năm ba trăm gì đó. Một hôm có người nhà ấm đầu, bèn đến nhờ thầy cầu an giùm. Thầy bận việc không đi tới nhà được thì buồn liền, thầy không thương mình. Như vậy cúng để mong thầy bảo bọc cho gia đình. Bệnh, chết hay trong gia đình có chuyện gì, nhất nhất thầy đều phải có mặt để cầu cúng. Như vậy cúng chùa giống như đóng tiền bảo hiểm vậy. Cho nên từ sự hiểu lầm của Phật tử mà Tăng Ni trở thành khó xử. Bởi khi nhận của cúng dường tức là thiếu nợ Phật tử. Phật tử yêu cầu mà không làm theo thì Phật tử buồn, không đi chùa nữa. Cho nên chiều Phật tử, Tăng Ni đi cầu cúng hoài, thành ra đánh mất ý nghĩa và giá trị thực của một tu sĩ.
Phật tử sáng suốt, hiểu và hành đúng đạo lý, thì Tăng Ni dễ tu, dễ hóa duyên. Nói vậy không có nghĩa tôi qui lỗi về hết cho quí Phật tử. Đôi lúc thầy cô cũng nhiệt tình quá, Phật tử chưa kịp mời mà quí vị đã hưởng ứng trước rồi! “Nghe nói ông thân của cô bệnh nhiều, thôi để chiều nay thầy tới cầu an cho.” Sốt sắng quá nên thành thói quen. Bây giờ chúng ta phải sửa lại. Làm việc gì phải xét xem việc đó có hợp với chánh pháp, với đạo lý không. Không nên làm những việc sai lầm, trái với những lời Phật dạy.
Chúng ta tu theo Phật là mở sáng trí tuệ. Trong kinh Phật thường dạy si mê là tăm tối, trí tuệ là sáng suốt. Tuy si mê là nhân của tham sân, nó khó trị, nhưng nếu biết trị thì dễ lắm. Như trong ngôi nhà tối lâu năm không có người ở, bây giờ muốn cho hết tối, chỉ cần đốt lên một ngọn đèn, hay đem một cây đuốc đến là ngôi nhà sáng liền.
Như vậy muốn hết tối, chỉ dùng ánh sáng. Ánh sáng mới phá tan si mê, tăm tối. Trí tuệ cũng vậy, nó giúp chúng ta diệt được vô minh. Như chúng ta hiểu sai lầm về việc cầu cúng, khi được nghe quí thầy giảng giải liền nhận ra, sửa đổi ngay là chúng ta đã sáng rồi. Đâu phải đợi mười năm, hai mươi năm mới sáng. Nghe, biết trước kia mình mê lầm, bây giờ bỏ mê lầm, bỏ chấp trước là hết mê lầm. Hết mê lầm là trí tuệ, rất nhanh.
Nên Phật dạy chúng ta tu phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ. Có đuốc trí tuệ rồi, chúng ta mới giải hết được những nỗi khổ đau. Bởi mê lầm cho nên chúng ta đau khổ, nếu hết mê lầm thì hết đau khổ. Ví như người đi lạc trong rừng, không biết lối ra. Lúc đó lao đao lận đận, tìm chỗ này chỗ kia nhọc nhằn khổ sở mà vẫn không ra khỏi rừng. Đến khi gặp được người chỉ đường, nắm vững lối đi rồi, cứ theo đó mà ra thì hết lạc lầm. Hết lạc lầm thì hết đau khổ. Nên chỉ có trí tuệ, thấy rõ được lối đi mới hết đau khổ. Không có trí tuệ thì chúng ta mãi khổ đau.
Tăng Ni cũng như Phật tử, không nên nghĩ dùng thật nhiều công phu mới gọi là chuyên tu. Chúng ta mở sáng trí tuệ mới đúng là chuyên tu. Phật dạy chúng ta bước từng bước, ngăn ngừa không cho rơi vào tội lỗi, đó là giữ giới. Từ giữ giới, tiến lên loại trừ tham, sân, si để tâm được trong sạch, đó là bắt đầu có trí tuệ. Như thế dần dần đi tới chỗ bình an.
Đó là câu thứ nhất “Chớ làm các điều ác”.
HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Đức Phật dạy quản lý kinh tế gia đình ra sao? ( 4/04/2013 12:07)
- Tâm hạnh người tu (27/03/2013 11:06)
- Tê chân đổi cách ngồi (26/03/2013 10:37)
- Quán niệm về cái chết để sống có ích (24/03/2013 2:45)
- Sự đối trị của tứ vô lượng tâm (23/03/2013 2:48)
- Ở trong trần lao mà vượt khỏi trần lao (22/03/2013 1:27)
- Bảy bước tu tập tâm (21/03/2013 12:49)
- Sống theo tinh thần lục hòa (19/03/2013 3:40)
- Bí quyết giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ hâm nóng toàn cầu (18/03/2013 5:40)
- Quyết tiến không lui (17/03/2013 6:29)