Khiêm tốn để trưởng thành

8/04/2013 5:56
Người khiêm tốn là người có lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới bình đẳng tôn trọng lẫn nhau luôn thấp mình đối với mọi người.

Tại sao trăm sông đều chảy về biển cả? Vì biển thấp, sông cao, nên nước các sông phải đổ về biển. Tâm khiêm tốn giống như biển cả bao la thấp mình chờ đợi, khiến trăm sông cao vót đem nước về biển cả mênh mông.

Có một loài hoa không tên lại hay mọc những nơi râm mát, thường ẩn mình trong chỗ không có gió. Thân cây ngoằn ngoèo, đầu hơi chúc xuống, hình như không muốn mọi người biết đến. Nhưng nó lại một loài hoa đẹp hương thơm ngào ngạt, hấp dẫn lạ thường. Đây là một loại hoa hiếm thấy ở đời, có nét đẹp khiêm tốn giản dị nhưng nở hoa rất nhiều. Các loài hoa khác thường tranh nhau vươn mình ra ánh sáng để khoe sắc đẹp hương thơm của mình, ngược lại thì nó lại ẩn mình nơi râm mát, lặng lẻ ban tặng cho đời những cánh hoa thơm ngào ngạt.

Chúng ta muốn thưởng thức hương thơm của hoa, thì phải vào nơi thâm sơn cùng cốc. Con người cũng vậy, muốn làm món quà vô giá để ban tặng cho đời, thì hãy nên khiêm tốn để trưởng thành trong cuộc sống. Ngược lại với khiêm tốn là kiêu mạn. Vậy kiêu mạn là tự cao hay khinh khi người khác, do có chút danh vọng quyền lực và thành công trên trường đời, nên tự cao tự phụ khinh khi người khác là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay.

Ngày xưa trong pháp hội của Lục Tổ có vị tăng tên Pháp Đạt xuất gia lúc bảy tuổi, thường tụng kinh Pháp Hoa, đến lễ tổ mà đầu không sát đất. Tổ mới quở: “ Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ, chắc ông có cái gì cao siêu mầu nhiệm nên mới kiêu mạng như vậy.

Pháp Đạt thưa: Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã hơn ba ngàn bộ. Vị tăng Pháp Đạt nghe đồn rằng Lục Tổ được truyền trao y bát, tăng ni các nơi đến tham vấn và lễ bái tổ rất đông. Pháp Đạt tuy lễ lạy nhưng không phục tổ, vì nghĩ rằng tổ chưa chắc hơn mình, cho nên tuy có lễ mà trong lòng không tôn kính, do đó đầu lạy không sát đất.

Tổ mới bảo rằng: Dù ông tụng đến muôn vạn bộ kinh, hiểu ý kinh mà chẳng cho là hơn người, ắt cùng ta sánh vai, nay ông chấp trước vì sự nghiệp tụng kinh nhiều mà trọn không biết lỗi, ông hãy lắng tâm để nghe ta nói kệ đây:

Lễ để cốt chặt cờ ngã mạn.
Tại sao đầu ông không sát đất
Có ngã thì tội liền sanh
Quên công thì phước bao la không cùng.

Lễ lạy để tỏ lòng tôn kính và khiêm tốn thấp mình trước người đức hạnh để chúng ta được học hỏi thêm những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nhằm dẹp bỏ tâm cống cao ngã mạn của mình. Pháp Đạt vì còn thấy mình hơn tổ nên lạy đầu không sát đất, bị tổ quở nếu thấy mình hơn người vậy lạy làm chi cho mắc công vô ích. Như chúng ta đã biết người ngồi nhận lễ là tạo nhân duyên tốt cho người học đạo, dẹp trừ bớt tâm ngã mạn. Người tu mà không khiêm tốn học hỏi, lễ kính người đạo cao đức trọng, thì thử hỏi làm sao giải trừ được phiền não và bệnh cống cao ngã mạn.


Thích Đạt Ma Phổ Giác (Thường Chiếu)


Các tin tức khác

Back to top