Thực hành thuận pháp

12/05/2016 9:49
Khi chúng ta bắt đầu sử dụng sự tĩnh lặng và bình an đã phát triển trong quá trình thiền tập để quán chiếu những đối tượng đó, thì trí tuệ sẽ sanh khởi. Đó là cái tôi gọi là trí tuệ. Đó là thiền vipassāna. Nó không phải là thứ có thể giả mạo.

Nếu chúng ta có trí, thiền vipassāna sẽ phát triển một cách tự nhiên. Chúng ta không phải đặt tên cho những gì đang diễn ra. Nếu chỉ có một chút tuệ giác rõ ràng, chúng ta gọi là “một ít thiền vipassāna”. Khi tuệ giác rõ ràng lớn hơn một chút, ta gọi là “vipassāna vừa phải”. Nếu hiểu biết hoàn toàn theo sự thật, chúng ta gọi là “vipassāna tối hậu”. Cá nhân tôi thích sử dụng từ trí tuệ (paññā) hơn là vipassāna. Nếu chúng ta nghĩ mình ngồi thiền lúc này, lúc kia để thực hành “thiền vipassāna”, thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn với nó. Tuệ giác phải phát triển từ tĩnh lặng và bình an. Toàn bộ tiến trình sẽ tự diễn ra một cách tự nhiên theo chính nó. Chúng ta không thể ép buộc nó.

Đức Phật dạy rằng tiến trình này sẽ chín muồi theo tốc độ riêng của nó. Khi đã đạt đến trình độ này trong pháp hành, chúng ta để cho nó được phát triển phù hợp với những khả năng bên trong, với tầm mức tâm linh và phước báu mà mình đã tích lũy trong quá khứ. Song chúng ta không bao giờ ngừng tinh tấn thực hành. Sự tu tập tiến triển nhanh hay chậm nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nó cũng giống như trồng một cái cây. Cái cây tự biết cần phải lớn với tốc độ nào. Nếu chúng ta muốn nó lớn nhanh hơn cũng không được. Muốn nó lớn chậm hơn cũng không được, phải nhận thấy rằng cái muốn đó là ảo tưởng. Khi chúng ta làm công việc, kết quả sẽ đến theo – cũng giống như trồng một cái cây. Chẳng hạn, chúng ta trồng cây ớt. Trách nhiệm của chúng ta là đào một cái lỗ, gieo hạt, tưới nước, bón phân và bắt sâu. Đó là công việc của chúng ta, chỉ có thể làm được đến thế. Lúc này là lúc cần đến lòng tin. Cây ớt có lớn hay không là tùy thuộc vào nó. Không phải việc của chúng ta. Chúng ta không thể kéo cổ nó lên cho nó lớn nhanh. Đó là công việc của tự nhiên. Công việc của chúng ta là tưới nước và bón phân. Thực hành pháp như vậy sẽ khiến cho tâm ta thoải mái và thanh thản.

Nếu chúng ta đắc đạo trong kiếp sống này thì cũng tốt. Nếu chúng ta phải chờ cho đến kiếp sau thì cũng chẳng sao. Chúng ta đặt lòng tin không lay chuyển vào pháp. Tiến bộ nhanh hay chậm là tùy thuộc ở các khả năng nội tại, tầm mức tâm linh và phước báu mình đã tích lũy từ trước tới nay. Thực hành như thế sẽ khiến tâm mình thanh thản, bình an. Giống như đi xe ngựa. Chúng ta không đặt cái xe ở đằng trước con ngựa. Hay giống như cày ruộng mà để cái cày đi trước con trâu. Cái tôi đang nói ở đây là cái tâm cứ muốn tự vượt chính mình. Nó luôn nóng lòng muốn đạt kết quả nhanh. Đừng để cái cày đi trước con trâu. Bạn phải để cày đi sau con trâu.

Nó cũng giống như cây ớt chúng ta đang trồng. Tưới nước và bón phân cho nó, và nó sẽ làm công việc tiêu thụ các chất dinh dưỡng ấy. Khi sâu bọ đến phá hoại thì ta đuổi chúng đi. Chỉ cần làm như vậy là đủ để cây ớt tự nó lớn tốt, và khi nó đã lớn, đừng có cố ép nó phải ra hoa chỉ vì chúng ta nghĩ bây giờ là lúc nó nên ra hoa. Đó không phải là việc của chúng ta. Điều đó chỉ tạo nên những cái khổ vô ích mà thôi. Hãy để nó tự ra hoa. Khi nó đã có hoa, đừng đòi hỏi nó phải cho ra quả ớt ngay. Đừng dựa vào sự cưỡng ép. Điều đó thực sự mang đến đau khổ. Khi đã hiểu ra vấn đề, chúng ta sẽ thấy cái gì là trách nhiệm của mình và cái gì không phải. Mỗi thứ đều có nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành. Tâm biết vị trí và nhiệm vụ của nó trong công việc. Nếu tâm không hiểu nhiệm vụ của nó, nó sẽ cố ép cây ớt phải ra quả vào đúng cái ngày chúng ta trồng nó. Tâm cứ nằng nặc muốn nó phải lớn, phải ra hoa và đậu quả tất cả trong một ngày.

Điều đó chẳng là gì khác ngoài sự thật thứ hai về khổ: tham là nhân sanh khổ. Nếu chúng ta ý thức về sự thật này và suy xét đến nó, chúng ta sẽ hiểu rằng cố gắng cưỡng ép kết quả trong khi thực hành pháp thì chỉ là tâm si. Sai lầm. Hiểu cách hoạt động của nó, chúng ta buông bỏ và để cho mọi thứ chín muồi thuận theo những khả năng nội tại, tầm mức tâm linh và phước báu ta đã tích lũy. Chúng ta tiếp tục làm phần việc của chúng ta. Đừng lo rằng việc đó cần một thời gian dài. Kể cả phải cần đến hàng trăm hay hàng ngàn kiếp sống để đắc đạo, thế thì đã sao? Dù phải cần đến bao nhiêu kiếp sống chăng nữa, chúng ta vẫn tiếp tục thực hành với một cái tâm thanh thản, nhẹ nhàng và thoải mái với tốc độ của mình. Một khi tâm đã nhập dòng (đắc Thánh quả đầu tiên), thì chẳng còn gì phải lo sợ nữa. Nó sẽ vượt lên trên ngay cả những nghiệp bất thiện nhỏ nhất. Đức Phật nói tâm của một vị Thánh Tu Đà Hoàn, người đã đạt đến tầng giác ngộ đầu tiên, đã nhập vào dòng chảy của Pháp đến giác ngộ hoàn toàn. Những vị ấy sẽ không còn phải rơi vào những khổ cảnh thấp kém, không bao giờ rơi vào địa ngục nữa. Làm sao có thể rơi vào địa ngục khi tâm họ đã từ bỏ những điều bất thiện? Họ đã thấy sự nguy hiểm khi tạo nghiệp bất thiện. Ngay cả khi bạn cố ép họ làm hay nói những điều bất thiện, họ cũng không thể làm được, vì vậy không có cơ hội để họ rơi vào địa ngục hay những cảnh giới thấp kém. Tậm họ đã hòa vào dòng chảy của Pháp.

Khi đã ở trong dòng chảy đó, bạn sẽ biết đâu là trách nhiệm của mình. Bạn hiểu rõ được công việc trước mắt. Bạn đã hiểu cách thực hành pháp. Bạn biết khi nào cần phải cố gắng hết mình, khi nào cần thư giãn. Bạn hiểu rõ thân tâm mình, các tiến trình thân-tâm, bạn từ bỏ những gì cần từ bỏ, liên tục từ bỏ không còn chút nghi ngờ nào nữa.

 

Trích Sự an bình không gì lay chuyển - Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top