Sống không phải như một cái bóng dưới ánh trăng. Ánh trăng chỉ là ánh trăng soi cho chúng ta bước đi để đến được nơi luôn có ánh sáng. Chúng ta chưa chắc gì đi đến được mặt trăng, nhưng ánh trăng đang soi cho ta, để ta biết được đó là con đường đang có ánh sáng.
Sống có ích phải thực sự sống cho chính mình. Hiển nhiên điều đó không ích kỷ. Một người sống có ích, hai người sống có ích và nhiều người sống có ích thì chúng ta sẽ vươn tới một xã hội tương đối hoàn thiện về thân thể, tâm linh và cấu trúc xã hội.
Sống có ích cũng không có gì khó khăn với mỗi người. Chúng ta biết các quy tắc về đạo đức xã hội, hãy sống đúng chuẩn mực của xã hội đó; chúng ta hiểu về tự do của con người, ta hãy sống đúng với các chuẩn mực tự do đó; chúng ta biết và thấm nhuần các đạo nghĩa, giáo lý của đạo mình, ta hãy sống đúng với chuẩn mực và tiến tới sự hoàn thiện của chính ta trong giáo lý đó. Chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự sống của muôn loài; hãy bảo vệ sự sống, hãy bảo vệ muôn loài trong khả năng có thể của ta.
Trong vấn đề gia đình, chúng ta cũng phải có ích lợi trong cuộc sống gia đình. Chúng ta đang sống, phải sống và sẽ còn sống. Chúng ta phải bảo vệ được các giá trị cốt lõi của gia đình như tình yêu thương với con trẻ, với người phối ngẫu; tình yêu thương với các thành viên khác trong gia đình như cha mẹ - ông bà, với họ hàng, với hàng xóm. Nếu chúng ta quá ích kỷ hoặc vượt qua mọi điều đó để sống thì chúng ta sống không có ý nghĩa gì, không có ích lợi gì cho chính gia đình mình, chính hàng xóm mình.
Cũng như thế với những người đã sa ngã, lầm lỡ đã gây ra các khổ đau cho cá nhân mình, gia đình và xã hội. Chúng ta phải thay đổi các giá trị sống ảo tưởng, các hành vi gây hại, nhận diện và tránh xa các hành vi hoặc ý thức khác làm u mê tâm trí mình. Chúng tatìm một môi trường sống tích hơn và tự hoàn thiện mình hơn trong mỗi phút giây hiện tại là chúng ta đang có ích lợi trong cuộc sống.
Chúng ta thực tập việc chào hỏi của mình với người khác, thực tập nở nụ cười khi nhìn thấy người khác và hướng con trẻ đến giá trị cao quý trong việc chào hỏi và mỉm cười.
Chúng ta hướng con trẻ đến các trò chơi hướng thiện, phát triển tư duy và nhân cách của trẻ. Tránh xa và dạy dỗ cho trẻ tránh xa các hành vi bạo lực và các trò chơi bạo lực; dạy con trẻ biết tự bảo vệ bản thân mình khi gặp các tình huống xấu trong cuộc sống thường ngày; hướng đến sự toàn vẹn của văn – thể - mỹ trong trẻ em.
Với xã hội bên ngoài, chúng ta có các hành động, suy nghĩ và nhận biết về cái tốt và không tốt cho môi trường xã hội. Chúng ta không chấp nhận sự vô kỷ luật, vô ý hoặc cố ý của người khác để phá hoại môi trường sống chung. Chúng ta không chấp nhận các hành vi thiếu đạo đức để gây hại cho môi trường sống và xã hội chung mà ta đang sống. Chúng ta không chấp nhận các hành vi bạo hành trong gia đình, bạo hành trẻ em và phụ nữ, phản đối lạm dụng tình dục trẻ em, phản đối các hành động phá hoại tự nhiên thái quá. Chúng ta không thể thay đổi được ngay các quan niệm và các hành vi cư xử của xã hội ở thời điểm hiện tại, nhưng với sự chung tay của tất cả cộng đồng, chúng ta sẽ dần dần loại bỏ được.
Chúng ta phải ý thức rõ ràng, không vướng mắc cá nhân vào các vấn đề sai trái trong đạo đức cũng có nghĩa là chúng ta đang sống rất có ích lợi cho cho cộng đồng. Sự tranh đấu và hành động ôn hòa của chúng ta phải mang lại lợi ích cho mình và người khác; cho các sinh linh khác. Nếu các hành động phản đối và tranh đấu không mang lại ích lợi gì thì việc tranh đấu, phát huy, tinh tấn của mình hoàn toàn không có ý nghĩa. Các hành vi phá rối, gây hiềm thù kích bác, gây ra bạo động, bạo loạn giữa một số nhóm người gây ra sự hủy hoại và phá vỡ trật tự xã hội đều đáng bị lên án.
Sống có ích cũng là chúng ta luôn hướng đến sự an lành và tốt đẹp cho chính bản thân mình và người khác. Con giun sống còn có thể mang lại màu mỡ cho đất, con ong sống còn mang lại mật ngọt cho đời, le lói vài ánh trăng trong đêm còn mang lại cảm hứng cho các nhà thi sĩ, các nhà thiên văn; nóng nhất như mặt trời còn vẫn tỏa nhiệt lượng ra cho các sự sống quanh mình,.. Sống có ích cho chính mình phải hướng đến sự cao thượng, tốt đẹp và an lành. Mọi cách sống thiếu trách nhiệm và lãng phí cuộc sống của chính mình, không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội thì được coi như là sống không có ích.
Chúng ta có các hình ảnh mẫu mực về các danh nhân, các vĩ nhân, các nhà lịch sử, các nhà tiến bộ học trong nghiên cứu khoa học; các công trình về khảo cổ, các học thuyết, tư tưởng,.. đã có rất nhiều. Chúng ta hiểu rõ và mưu cầu ích lợi cho chính mình và người khác về những giá trị của các bậc tiền nhân đã mang lại. Chúng ta không phủ nhận, không bác bỏ, không hằn thù, không khinh miệt hoặc chê bai. Chúng ta hiểu rằng mỗi mốc lịch sử, mỗi thời gian lịch sử, mỗi môi trường sống, mỗi con người sống trong xã hội thì (hoặc) phải có cái này hoặc cái khác, không ai giống ai. Hiểu như thế cho chúng ta đừng cố chấp, cho lòng mình vị tha và từ bi hơn, hoàn thiện mình hơn. Đó là hạnh phúc. Hạnh phúc của người khác đã qua đi rồi; hạnh phúc ở hiện tại và tương lai là hạnh phúc của chính mình đang và sẽ có. Hạnh phúc là chúng ta đang được tồn tại, đang sống có ích, đang suy nghĩ và hiểu biết về hiện tại.
Trích sách Hạt Giống Nảy Mầm - Tin Yêu - TG: Nguyễn Trường Giang
Các tin tức khác
- Nhân và quả (18/06/2016 1:36)
- Chân thực tại của tôi (18/06/2016 1:30)
- Hãy cười lên, điều bạn nhận được nằm ngoài sức tưởng tượng đấy! (18/06/2016 12:55)
- Tâm không bình thì sống không an (17/06/2016 2:44)
- Tu tập tâm xả (17/06/2016 2:39)
- Bạn phải làm gì khi bị rơi nhanh trong thang máy? (17/06/2016 2:35)
- Thông tin rất hữu ích (17/06/2016 2:29)
- Phương pháp tự Ngộ của Thiền tông (16/06/2016 1:44)
- Rất khó công bằng (16/06/2016 1:42)
- Thực hành thiền tại nơi làm việc (14/06/2016 12:55)