16/06/2016 1:44
Tôi chuyên tu Tổ sư thiền và chuyên hoằng dương Tổ sư thiền. Hôm nay, giảng về đề tài “Phương pháp tự Ngộ của Thiền tông”. Thiền tông khác hơn các thiền khác, do đức Phật Thích Ca đích thân truyền, là pháp thiền trực tiếp không qua văn tự lời nói. Các thiền nói trong kinh điển đều qua văn tự lời nói, gọi là pháp thiền gián tiếp.
Pháp thiền trực tiếp do đức Phật Thích Ca đích thân truyền cho Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Diếp truyền cho A Nan, A Nan truyền cho Thương Na Hòa Tu, từ Tổ từ Tổ truyền xuống Bồ Đề Đạt Ma là thứ 28. Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Quốc làm sơ tổ, truyền cho nhị tổ Huệ Khả, Huệ Khả truyền cho tam tổ Tăng Xán, Tăng Xán truyền cho tứ tổ Đạo Tín, Đạo Tín truyền cho ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn truyền cho lục tổ Huệ Năng.
Từ đó về sau Huệ Năng thường ngồi thuyết pháp dưới gốc cây bồ đề. Không lâu sau, Ngài lại tới Thiều Quan, Tào Khê thuyết pháp cho mọi người, tu sửa Tự viện. Sau mười năm, tiếng tăm truyền khắp, học trò có đến hơn mười vạn người.
Những hoạt động của Lục Tổ Huệ Năng bắt rễ trong dân gian. Tư tưởng học thuyết của Ngài thể hiện trong “Đàn kinh” mở ra cục diện hoàn toàn mới mẻ trong Phật giáo Trung Quốc. Giáo phái này chính là phái Thiền tông Trung Quốc luôn luôn cường thịnh. Tổ Huệ Năng danh tiếng truyền khắp Trung Quốc, tính từ Ấn Độ đến Trung Quốc thì Huệ Năng là Tổ thứ 33. Trước kia mỗi Tổ kiến tánh chỉ truyền năm bảy người, đến Lục Tổ có 43 người kiến tánh, cháu của Lục Tổ là Mã Tổ có 139 người kiến tánh. Cho nên, Thiền tông gọi là Tổ sư thiền với 4 chữ “từ Nghi đến Ngộ”.
Nghi là nhân, Ngộ là quả; có Nghi mới có Ngộ, nên nói bất Nghi bất Ngộ; tiểuNghi tiểu Ngộ; đại Nghi đại. Muốn Ngộ phải có Nghi, nếu không có Nghi thì không có Ngộ; không những pháp xuất thế gian có Nghi có Ngộ, mà pháp thế gian cũng vậy.
Như nhà khoa học Newton (1642- 1727) thấy một quả táo rơi xuống. Ông đã nghĩ tại sao quả táo lại rơi thẳng xuống đất?
Quả táo chín rồi, tại sao lại rơi xuống đất? Tại vì gió thổi chăng? Không phải, khoảng không rộng mênh mông, tại sao lại phải rơi xuống mà không bay lên trời? Như vậy trái đất có cái gì hút nó sao? Mọi vật trên trái đất đều có sức nặng, hòn đã ném đi rốt cuộc lại rơi xuống đất, trọng lượng của mọi vật có phải là kết quả của lực hút trái đất không?
Tại sao nó không đi ngang, hoặc đi lên ? Nhưng lại liên tục đến trung tâm trái đất ? Chắc chắn, không lý nào khác rằng trái đất đã hút nó. Phải có một sức mạnh hút kéo vật chất & tổng sức mạnh hút kéo trong vấn đề trái đất phải được ở trung tâm đất, không phải trong bất kỳ bên của trái đất do đó đó quả táo này có rơi vuông góc, hay hướng về trung tâm nếu có vấn đề do đó hút lấy vật chất.. nó phải được cân đối với lượng của nó do đó táo rút ra trái đất., cũng như trái đất thu hút sự táo.
Từ đó, ông nghiên cứu phát minh được hấp dẫn lực của vạn hữu. Phát minh của nhà khoa học cũng do Nghi mới Ngộ, nhưng cái Nghi của nhà khoa học gọi là Hồ nghi. Cái Nghi của Thiền tông gọi là Chánh nghi.
Tại sao gọi là Hồ nghi? Hồ nghi phải qua bộ óc nghiên cứu tìm hiểu được ngộ. Còn Chánh nghi không qua bộ óc nghiên cứu tìm hiểu mà giữ Nghi tình, cuối cùng Nghi tình bùng vỡ thì Ngộ. Vì vậy, gọi là phương pháp tự ngộ.
Tại sao nói là phương pháp tự ngộ? Tự ngộ giống như thức tỉnh chiêm bao. Chiêm bao có hai thứ: mở mắt chiêm bao và nhắm mắt chiêm bao. Nhắm mắt chiêm bao là một thức thứ 6 biến hiện (độc đầu ý thức biến hiện). Mở mắt chiêm bao do hai thức đồng thời biến hiện. Nói chung là “nhất thiết duy tâm tạo”.
Tại sao gọi là nhắm mắt chiêm bao? Nhắm mắt chiêm bao quý vị đều có kinh nghiệm, ban đêm ngủ trên giường, chiêm bao thấy thân chiêm bao tiếp xúc thế giới chiêm bao. Như tiếp xúc cái tách, cái bàn… đều có thật chất, tiếp xúc cái gì đều có thật chất cái nấy, tiếp xúc nóng lạnh biết nóng lạnh, thân chiêm bao bị đánh cũng biết đau.
Giả sử trong chiêm bao có một vị thiện tri thức giải thích cái tách, cái bàn… đều không thật, luôn cả thân chiêm bao của ông cũng không thật. Người chiêm bao không thể tin. Tại sao? Người chiêm bao nói “tôi tiếp xúc cái nào cũng thật chất, nếu nói thân tôi không thật, vì sao người ta đánh tôi biết đau?” Nhưng khi thức dậy, tự mình chứng tỏ, hồi nảy những cái thật đó bây giờ ở đâu! Tìm không ra, luôn cả thân chiêm bao cũng không tìm được.
Đang chiêm bao, đồ vật trong phòng không thấy, lại thấy xa, thấy bên Tây, Việt Nam… Vì 5 thức trước (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân-mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) ngưng nghỉ hoạt động, 5 thức trước là đối với tiền trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc-sắc chất, âm thinh, mùi hương, sự xúc chạm). Ý căn (thức thứ 6) biết xa, biết quá khứ, biết vị lai; nên biến hiện nhắm mắt chiêm bao.
Tôi đang giảng, các vị đang nghe là ở trong mở mắt chiêm bao. Mở mắt chiêm bao gọi là đồng thời ý thức biến hiện. Tại sao gọi là đồng thời ý thức biến hiện? Vì 5 thức trước đang hoạt động, như nhĩ thức nghe được tiếng, nhưng không biết tiếng gì, tiếng người, tiếng chim, tiếng đàn bà, tiếng đàn ông… đều không biết; phải có thức thứ 6 đồng thời nổi lên, mới phân biệt được tiếng đàn ông, tiếng đàn bà, tiếng chim…Nếu chỉ có thức thứ 6 thì không nghe được tiếng, lấy cái gì để phân biệt? Cho nên phải có nhĩ thức nghe tiếng, rồi thức thứ 6 phân biệt. Hai cái thức đồng thời nổi lên biến hiện mở mắt chiêm bao.
Nhưng nhắm mắt chiêm bao, mình ngủ đã rồi tự thức dậy; còn mở mắt chiêm bao không bao giờ thức tỉnh, phải trải qua tu đúng lời dạy của Phật Thích Ca (pháp thiền trực tiếp là Tổ sư thiền), sau này tự thức tỉnh gọi là kiến tánh thành Phật.
Chưa thức tỉnh tiếp xúc cái gì cũng thấy thật chất, như nhắm mắt chiêm bao vậy. Dẫu cho Phật Thích Ca giải thích cái này cái kia đều không thật, chúng ta không thể tin. Như Phật nói trong Bát Nhã Tâm Kinh “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Cái nào cũng không có, nhưng tuyệt đối không phải không có. Chữ Vô là không thật, có mà không thật. Lục căn, lục trần, lục thức đều chẳng thật; cho đến Tứ Diệu Đế (khổ, tập, diệt, đạo) của Phật thuyết cũng chẳng thật, Thập Nhị Nhân Duyên (từ vô minh đến lão tử) dùng chữ Vô quét sạch là không thật, trí huệ Bồ Tát cũng Vô (vô trí diệc vô đắc) tức theo bộ óc nhận thức đều phải tẩy sạch.
Cái biết chân thật của Phật tính, gọi là “Chánh Biến tri”. Tại sao gọi là Chánh Biến tri? Chánh là đúng với thực tế, Biến là phổ biến khắp không gian thời gian, Tri là biết. Cái biết của bộ não biết được chỗ này lại không biết chỗ kia, nên không cùng khắp không gian thời gian. Biết cùng khắp không gian không có khứ lai, gọi là “Như lai”; biết cùng khắp thời gian không có gián đoạn, không có sinh diệt nên gọi là “Niết bàn”.
Tại sao Thiền tông phải tự ngộ? Phật Thích Ca đã ngộ nói cho biết được thì mình khỏi tu. Vì cái này không thể nói, tự mình phải tự ngộ. Như ở trong chiêm bao tự thức tỉnh, tất cả khổ trong chiêm bao tự dứt, đạt đến tự do tự tại.
Sơ lược phương pháp tự ngộ, cơ bản có 2 yếu tố: Tin tự tâm và phát Nghi tình.
Thế nào là Tin tự tâm? Mình phải Tin tự tâm như lời Phật Thích Ca nói “Phật tính bình đẳng bất nhị”, Phật tính của mình và Phật tính của Phật Thích Ca bằng nhau, không khác. Cho nên, tất cả thần thông trí huệ của Phật tính mình bằng với Phật Thích Ca, không kém hơn một chút nào. Nếu kém hơn một chút thì có cao thấp là không bình đẳng. Có cao thấp là nhị, trái với lời Phật Thích Ca. Vì vậy, mình phải Tin tự tâm đầy đủ, mới phát huy hết tự tâm. Nếu không tin làm sao phát huy hết tự tâm, phát hiện tự tâm gọi là tự ngộ.
Muốn phát hiện tự tâm phải làm sao? Yếu tố thứ nhì là khởi Nghi tình. Tại sao gọi là Nghi tình? Nghi là không hiểu không biết, một việc gì đã hiểu đã biết thì hết Nghi, hết Nghi không phải tham thiền. Tham thiền rất chú trọng cái Nghi, Thiền tông gọi là Nghi tình. Cho nên, Tham là Nghi, nói một cách khác là dùng cái không biết của bộ óc, để chấm dứt tất cả biết của bộ óc.
Muốn phát khởi Nghi tình, phải hỏi câu thoại đầu. Như “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Bây giờ có trời đất có ta ở đây, khi chưa có trời đất ta là cái gì? Không biết, không biết là Nghi tình. Thiền tông chỉ giữ cái không biết của bộ óc để chấm dứt tất cả biết của bộ óc, đến chừng cái biết của bộ óc chấm dứt hết, cuối cùng cái không biết của bộ óc bùng vỡ thì cái không biết của bộ óc cũng tan rã, Biết và không Biết đều sạch hết thì cái biết Phật tính hiện lên, gọi là kiến tánh thành Phật.
Cái biết của bộ óc là tướng bệnh, nên không cùng khắp, biết chỗ này không biết chỗ kia. Cái biết Phật tính vốn cùng khắp không gian thời gian. Cái biết bộ óc ngủ mê không biết, chết giấc không biết, chết rồi không biết. Cái biết Phật tính thì ngủ mê vẫn biết, chết giấc cũng biết, chết rồi cũng biết.
Nếu chết rồi không biết thì không cùng khắp thời gian, cùng khắp thời gian nên lúc nào vẫn biết. Cùng khắp không gian cũng vậy, như kinh Phật nói “ở ngoài hằng sa thế giới, có một giọt mưa cũng biết; vô lượng chúng sinh có một chúng sinh nổi lên một niệm cũng biết”. Nếu không biết là thiếu sót, không phải cùng khắp không gian.
Phương pháp Tự ngộ Thiền tông rất giản dị, rất dễ. Trong lịch sử Thiền tông có “con nít sáu bảy tuổi và bà già tám chín chục tuổi đều tham thiền được”. Vì muốn biết rất khó, còn không biết rất dễ, người nào cũng làm được; chỉ giữ cái không Biết là hỏi câu Thoại đầu.
Nếu giữ cái không Biết được một phút thì một phút không phiền não, giữ được một tiếng thì một tiếng không phiền não… Tại sao? Vì Bộ óc không biết, làm sao có phiền não để cho mình biết! không biết phiền não tự nhiên không có phiền não.
Nhưng lúc thực hành phải hỏi khít khít, vừa hỏi dứt hỏi nữa; nếu hỏi rồi một hồi hỏi nữa thì có kẻ hở, phiền não ở nơi kẻ hở nổi lên. Vọng tưởng nổi lên không được thì tâm mình được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh hiện ra cái dụng, cái dụng là do cái tâm.
Người đời xem “Không Môn” là tiêu cực, cho rằng Tăng sĩ chán đời đi xuất gia. Sự thật, chữ Không của Phật pháp rất tích cực, luôn hiển bày cái Dụng. Nếu không có “Không” thì không có Dụng. Cho nên, ngài Long Thọ nói “vì có nghĩa “Không” nên được thành tựu tất cả pháp”.
Như cái tách Trà lấp bít, không có khoảng trống thì không để đựng nước Trà, sữa… vì có cái “Không”mới dùng được. Cái bàn không có cái “Không”chẳng thể để đồ, cái ghế không có cái “Không”chẳng thể ngồi… Muốn dùng phải có cái “Không” rộng chừng nào thì cái Dụng nhiều chừng nấy.
Tin tự tâm cùng khắp không gian thời gian, không gian thời gian mênh mông, làm sao chứng tỏ cùng khắp. Tâm mình không có hình tướng, không có âm thanh, làm sao cho mình biết cùng khắp? Tôi mượn ánh sáng đèn thí dụ cho quý vị hiểu được cùng khắp không gian thời gian. Ánh sáng đèn ở đây có một hai, ba, bốn… mỗi cây đèn có ánh sáng đều cùng khắp không gian (người học khoa học cũng biết ánh sáng cùng khắp không gian).
Bây giờ, chỉ nói ánh sáng cùng khắp giảng đường này. Nếu đã cùng khắp thì sự tương đối không có (Đại Thừa Tuyệt Đối Luận nói là tuyệt đối). Nguồn gốc của tương đối là Có và Không có, tất cả phát sinh tai họa do có Ngã chấp, ta muốn hơn người, ta muốn hưởng nhiều hơn người, cái gì cũng muốn hơn người, nên tranh giành với nhau, xảy ra xung đột đổ máu.
Phát hiện được bản thể cùng khắp không gian thời gian thì sự tương đối không còn. Như ánh sáng đèn nào cũng cùng khắp, có Ngã và Vô ngã không thể thành lập. Tại sao? Thay cho đèn số 1 là ta (Ngã), nếu có Ngã thì quý vị chỉ ra ánh sáng nào thuộc về cây đèn số 1 của ta? Vì ánh sáng cùng khắp nên chỉ không ra, vậy Ngã không thể thành lập. Nói Vô ngã thì chỉ chỗ nào không có ánh sáng đèn số 1 của ta? Cũng chỉ không ra, vì đã cùng khắp.
Hiện nay, có một hai trăm người là một hai trăm Phật tính, một hai trăm cái đều cùng khắp như ánh sáng đèn vậy, khi cùng khắp thì không có chỗ để chỉ. Cái biết của Phật tánh là Chánh Biến tri cùng khắp không gian thời gian, không có hình tướng để nhận biết. Cái biết của bộ óc không cùng khắp không gian thời gian.
Tôi lấy cơ thể này quý vị thấy trước mắt, có thể nhận biết được. Cái biết của lớp da là cảm giác của lớp da. Cảm giác lớp da của cơ thể có cùng khắp cơ thể không? Cảm giác lớp da có phải là biết không? Nếu cảm giác lớp da là biết cùng khắp cơ thể này thì không có chỗ xúc chạm. Tại sao? Nếu có chỗ xúc chạm, vậy xúc chạm tay tay biết, xúc chạm đầu đầu biết, những chỗ không xúc chạm không biết. Những chỗ không xúc chạm mà không biết, làm sao gọi là cùng khắp! Đây thuộc về không gian.
Cùng khắp thời gian thì không có lúc xúc chạm. Nếu lúc xúc chạm mới biết, không xúc chạm không biết không được gọi là cùng khắp thời gian. Do nhận thức của bộ óc sai lầm cho là chỗ xúc chạm mới có cảm giác, chỗ không xúc chạm thì không có cảm giác. Kỳ thật, chỗ xúc chạm có cảm giác, chỗ không xúc chạm cũng có cảm giác; luôn luôn ngày đêm có cảm giác, xúc chạm hay không xúc chạm cũng có cảm giác khắp không gian của cơ thể.
Nhưng bộ óc có thói quen cho là chỗ xúc chạm mới biết, chỗ không xúc chạm không biết; lúc xúc chạm mới biết, lúc không xúc chạm không biết. Đó là do bộ óc nhận thức sai lầm. Cái biết của Phật tính cũng vậy, luôn luôn cùng khắp, không có lúc nào không biết, không có chỗ nào không biết.
Quý vị muốn thực hành phương pháp tự Ngộ của Thiền tông, phải Tin tự tâm cùng khắp không gian thời gian, tất cả thần thông trí tuệ năng lực sẵn sàng, không kém hơn Phật Thích Ca một chút nào. Nhưng Phật Thích Ca sử dụng cùng tột khắp không gian thời gian, vì không có cái gì làm chướng ngại. Còn của mình mặc dù có sẵn đầy đủ, nhưng sử dụng được cái “Không”; vì bị tham sân si, phiền não nhét đầy; không còn chỗ trống để hiện ra cái Dụng.
Tham Tổ sư thiền là hỏi câu Thoại đầu khởi lên Nghi tình (cái tâm không biết), là cây chổi tự động quét trống tất cả; mình khỏi cần khởi niệm muốn quét, quét trống bao nhiêu có sức Dụng hiện bấy nhiêu. Như Cư sĩ Trương Quốc Anh là túc cầu viên làm thủ môn, lúc khởi Nghi tình thì bộ óc không biết, không thấy trái banh mà chụp được trái banh, nên không có trái nào lọt vào cửa. Nữ Cư sĩ Hằng Thiền thợ may, vừa cắt vải vừa tham thiền khởi nghi tình mà vẫn cắt rất khéo; người em hỏi chị cắt khổ mấy phân mấy tấc, chi trả lời không biết. Vô lý ! Không biết làm sao cắt ? Sự thật, bộ óc không hoạt động nhưng vẫn cắt với đường nét tuyệt đẹp.
Chứng tỏ sự diệu dụng cái biết của Phật tính, không qua bộ óc mà hoàn thành công việc của bộ óc. Như ở Việt Nam có vị cư sĩ đang Tham thiền mà dạy Anh văn, tự mình giảng bài không biết giảng cái gì; nhưng học trò nghe giảng rất hay, không thiếu sót từ vựng, ngữ pháp. Vì vậy, Phật Thích Ca đích thân truyền pháp môn này, gọi là pháp thiền trực tiếp, rất giản dị, dễ thực hành, thấy mau có kết quả, cuối cùng được tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ.
Bây giờ, mình không được tự do tự tại, vì không biết mình là gì? Tham thiền đến giác ngộ, biết mình là gì thì làm chủ được mình, nên tự do tự tại. Nhà bác học Newton phát minh lực hấp dẫn, chỉ có giá trị ở thế gian; nhưng không phát minh chính mình, nên không tự chủ được, không giải thoát tất cả khổ. Thiền tông phát minh được chính mình, làm chủ cho mình thì tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ.
Bây giờ, mình không được tự do tự tại, vì không biết mình là gì? Tham thiền đến giác ngộ, biết mình là gì thì làm chủ được mình, nên tự do tự tại. Nhà bác học Newton phát minh lực hấp dẫn, chỉ có giá trị ở thế gian; nhưng không phát minh chính mình, nên không tự chủ được, không giải thoát tất cả khổ. Thiền tông phát minh được chính mình, làm chủ cho mình thì tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ.
Thiền sư Thích Duy Lực
(Thuyết giảng ngày 04/11/1990, tại Thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ)
Các tin tức khác
- Rất khó công bằng (16/06/2016 1:42)
- Thực hành thiền tại nơi làm việc (14/06/2016 12:55)
- Sức khỏe là tài sản quý giá nhất (14/06/2016 12:44)
- Luyện tập sự tương đồng (13/06/2016 3:59)
- Hãy tránh xa điều ác, vì đó là thuốc độc (13/06/2016 3:55)
- Bệnh tưởng tượng (12/06/2016 1:41)
- Thiên nhân vấn Phật (12/06/2016 1:29)
- Cầu tiến, hướng thượng (12/06/2016 1:20)
- Ta bà ha (11/06/2016 1:55)
- Tình ái và dục vọng là tảng đá buộc chân người tu đạo (10/06/2016 4:06)