ĐỜI NGƯỜI QUÝ BÁU NÀY thật kỳ diệu. Ta có nhiều cơ hội, nhưng cơ hội tốt đẹp nhất là nó cho phép ta thực hành và nghiên cứu Giáo pháp. Nhưng cuộc đời cũng rất khó khăn. Không ai mong muốn những đau khổ của sinh, lão, bệnh và tử, nhưng dù ta có học vấn hay không, dù ta giàu hay nghèo, tầm thường hay đầy quyền lực, mọi người đều phải trải nghiệm những nỗi khổ đó.
Sinh ra là sự bắt đầu của cuộc đời ta. Ta được sinh ra trong nỗi khổ to lớn nhưng đừng quên điều đó bởi đau khổ vô cùng dữ dội. Nó khiến ta đau đớn đến nỗi ngăn che ký ức của ta về đời trước. Sau đó, ta già đi theo năm tháng. Khi ta là một thiếu niên hay ở độ tuổi hai mươi, ta không chú ý xem các sự việc sẽ ra sao trong tương lai. Nhưng khi ta bốn mươi hay năm mươi, ta có nhiều trách nhiệm hơn nhưng lại ít năng lực hơn, và ta muốn sống lại những năm hai mươi.
Trước kia có một Lạt ma vĩ đại ở độ tuổi sáu mươi. Ngài có nhiều đệ tử và đã ban những giáo lý rất quý báu. Một số đệ tử liên tục xin ngài kể về cuộc đời của ngài. “Ngài đã bắt đầu việc thực hành Pháp ra sao?” v.v.. Ngài luôn luôn trả lời: “Ta không có điều gì đặc biệt để nói. Bây giờ ta già rồi.” Họ nài ép ngài liên tục vì thế ngài trả lời: “Cho đến khi ta ở độ tuổi hai mươi, ta không nghĩ gì về việc thực hành Pháp. Cuộc đời trôi qua khi ta mải vui chơi đây đó. Trong hai mươi năm kế tiếp, ta nghĩ là mình nên nỗ lực để nghiên cứu và thực hành Pháp. Nhưng không thực sự bắt đầu, ta đã trải qua thời gian bận rộn với cuộc đời này. Bây giờ ta sáu mươi tuổi. Hãy nhìn xem ta đã lãng phí cuộc đời của mình ra sao. Ta vẫn không thực hành tu tập Pháp. Đó là câu chuyện của ta. Ta vô cùng hối tiếc vì đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian của mình.” Hãy quán chiếu về những lời này và nhớ rằng ta đang già đi trong từng giây phút.
Trước kia có một người kết bạn với Thần Chết. Ông hỏi Thần Chết: “Ông sẽ cảnh báo cho tôi vài năm trước khi tôi chết để tôi có thể chuẩn bị cái chết chứ?” Không chú ý là thời gian trôi qua, ông trở nên già nua với mái tóc bạc và cái lưng còng. Một hôm Thần Chết xuất hiện và nói; “Ngày mai ông sẽ chết.” Người đàn ông vô cùng đau khổ bởi ông không có thời gian để chuẩn bị chuyến đi đến cái chết. Ông ta nói: “Ông thật tàn nhẫn, tôi đã yêu cầu ông cảnh báo cho tôi.” Thần Chết trả lời: “Nhưng tôi đã cảnh báo ông. Hãy nhìn thân thể, mái tóc và khuôn mặt của ông.” Người ấy nói: “Ông có lý, tôi đã không chánh niệm và quá tham luyến những công việc của cuộc đời này.”
Ở tuổi già, việc nhìn ngắm, tiêu hóa thức ăn, đứng lên ngồi xuống trở nên khó khăn. Tóc ta bạc đi, mặt mày nhăn nhúm, và rụng răng. Mọi người trong thế giới đau khổ khi họ già đi. Thể chất và tinh thần của ta bị giới hạn. Sống ở phương Tây, dường như ta còn khổ hơn. Ở đây khi về già, ta không có nhiều việc để làm. Ta rút lui khỏi thế giới. Nếu ta có một gia đình hạnh phúc, con cái cố gắng săn sóc ta, nhưng chúng cũng phải làm việc để chăm lo đời sống của chúng. Sau đó nếu ta có đủ tiền, chúng gởi ta vào nhà an dưỡng. Không ai nghe những lời ta nói và ta cảm thấy thật cô độc. Ta rất đau khổ và cảm thấy đời không đáng sống. Ta có thể làm được gì?
Khi tôi ở Tây Tạng vào năm 1998 và 1999, tôi để ý thấy những người già đi nhiễu các đền chùa, bảo tháp, và tu viện, và liên tục trì tụng những thần chú với lòng kính ngưỡng mãnh liệt. Mặc dù họ từng chứng kiến tai ương khủng khiếp trong cuộc đời họ, nhiều người vẫn quán chiếu về sự quý báu của Giáo Pháp. Họ không cảm thấy cô độc hay thấy cuộc đời không có ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng điều này thực đáng kinh ngạc. Cho dù không có ai chăm sóc họ, mỗi buổi sáng họ làm những gì họ có thể, có thể là đi tới ngôi chùa với chiếc gậy chống. Nếu ngày nào họ có thể tụng khoảng một ngàn thần chú, họ cảm thấy vô cùng hoan hỉ. Đây là cách mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của ta. Ở nơi đây ta cũng cần có điều gì như thế, thay vì để cho những người già cảm thấy cô độc, lôi thôi, vô dụng và buồn chán.
Già là một căn bệnh mà không loại thuốc nào chữa được. Nhiều người cố gắng chống lại nó và làm cho trẻ lâu bằng cách dùng thuốc và giải phẫu thẩm mỹ. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì họ đang già đi. Ngoài ra, tuổi già lôi cuốn những bệnh tật khác, và ta dễ dàng chịu thua chúng. Và như thế cuộc đời chấm dứt như nó đã bắt đầu—với sự đau khổ.
Khi ta già, bạn hữu hay gia đình có thể giúp ta nấu nướng hay rửa ráy. Khi ta bệnh, ta có thể tìm được sự giúp đỡ từ các bác sĩ hay thuốc men. Nhưng vào lúc chết thì không có sự trợ giúp nào. Cho dù tất cả những người bạn tốt nhất bao quanh ta, ta ra đi một mình và không mang theo bất kỳ điều gì. Như một sợi lông được rút ra khỏi thỏi bơ, ta để lại đằng sau mọi sự.
Nếu bạn câu một con cá đang bơi lội thật dễ thương trong nước và thình lình quăng nó trên cát nóng. Con cá cảm thấy điều gì? Nó dẫy dụa trong sự bất lực như thể nó đang ở trong một địa ngục. Có lần tôi nhìn thấy trên ti-vi một con cá đang bị kéo ra khỏi một hồ chứa trong một nhà hàng. Người bếp trưởng mở toang dạ dày của con cá, nạo sạch các bộ phận và ném nó vào dầu sôi—tất cả những động tác đó được làm trong khi con cá vẫn còn sống. Ở trong chảo, con cá kêu xèo xèo trong vài giây rồi nhảy lên. Hãy hình dung nỗi đau khổ đó! Đây là loại đau khổ bất lực mà ta kinh nghiệm trong sinh, lão, bệnh, và tử. Trong Bài Ca Minh họa cho việc Hồi tưởng, Đức Jigten Sumgön nói:
Khi bạn nhìn thấy đau khổ của sinh và tử,
hạnh phúc của các tập hội trời và người không có gì là chắc chắn.
Sướng và khổ của bánh xe sinh tử—
hãy nghĩ xem! Bạn có thể đặt niềm tin ở chúng?
Những giáo lý này khai mở cho ta thực tại của sinh tử. Mỗi người chúng ta đều phải trải qua những điều này. Để đối mặt với những kinh nghiệm này một cách tích cực, ta phải thực hành Giáo pháp. Không có Pháp, ta sẽ nhận ra là không thể đối mặt với chúng một cách tích cực. Với Giáo pháp, cho dù ta già hay yếu, bệnh tật hay phải chết; ta sẽ luôn luôn có sự tin cậy. Hãy đặc biệt chú tâm vào bản chất của đau khổ và đào sâu thêm việc thực hành Pháp của bạn. Việc hiểu biết về đau khổ giúp ta chuẩn bị đối phó với nó. Khi ta bàn về những điều này, dường như ta quá sức tuyệt vọng bởi ta đào quá sâu vào văn hóa chối từ. Ta cố gắng cất dấu đau khổ sau tấm màn che. Nếu ta đã có thể tránh được đau khổ, ta sẽ không khốn khổ khi học tập về nó. Nhưng ta phải đối mặt với nó, vì thế ta nên tự chuẩn bị. Như thế, khi ta trải nghiệm đau khổ, ta sẽ thực sự nhận thức sâu sắc những giáo lý này về việc chuyển hóa tư tưởng của ta và nhìn vào khía cạnh tích cực.
Câu chuyện này cho ta một ví dụ về cách chiến thắng đau khổ của sinh, lão, bệnh và tử:
Xưa kia, ở miền trung Ấn Độ, có một vị vua tên là Dawa Sangpo và con trai là hoàng tử Daway Ö, Nguyệt Quang (Ánh sáng Mặt Trăng). Khi hoàng tử lớn lên, nhà vua nói: “Bây giờ là lúc con cai trị vương quốc.” Hoàng tử trả lời: “Con không muốn làm vua và cai trị đất nước.” Nhà vua cảm thấy khó chịu và nói: “Nhưng bổn phận của một hoàng tử là lên ngôi vua và điều phục mọi kẻ thù của đất nước.” Hoàng tử nói: “Con không thể làm việc này. Chúng ta đã có một kẻ thù vô cùng mạnh mẽ rất khó đương cự, và con sợ kẻ thù ấy hơn tất cả những kẻ thù khác của đất nước ta. Trước hết, chúng ta phải điều phục kẻ thù đó.”
Nhà vua hỏi: “Con đang nói đến kẻ thù nào?” Hoàng tử đáp: “Vị thống lãnh đội quân thù địch đó là sự chấp ngã, và binh lính của đội quân đó là sinh, lão, bệnh và tử. Lực lượng hùng mạnh đó được trang bị vũ khí năm độc. Bởi chúng ta đã không chiến thắng kẻ thù đó nên trong tương lai sẽ còn khó điều phục họ hơn nữa.”
Vua Dawa Sangpo hỏi: “Kẻ thù này ở đâu?” Con trai ông trả lời: “Mọi hình tướng của nhà vua là những bám chấp và chấp ngã của những phiền não lớn lao, các vị thượng thư của năm độc. Ngài bị các kẻ thù sinh, lão, bệnh và tử vây quanh. Chúng khoác áo giáp mười ác hạnh và sử dụng vũ khí tư tưởng khái niệm.”
Nhà vua hỏi: “Làm cách nào có thể đánh bại một kẻ thù như thế?” Người con trả lời: “Ta phải hỏi Đức Phật.” Vì thế họ cùng đi tới Shravasti, nơi Đức Phật đang an trụ, và khẩn cầu Ngài dạy cho các phương pháp để chiến thắng những kẻ thù này. Đức Phật nói: “Nếu nhà Vua muốn đánh bại những kẻ thù này, hãy từ bỏ sự tham luyến của cải và hãy thực hành bố thí. Hãy mặc áo giáp nhẫn nhục và cưỡi con ngựa tinh tấn. Hãy xây một cung điện trên cánh đồng sùng mộ, và trong sảnh đường thiền định của nó, hãy mang vũ khí trí tuệ phân biệt. Hãy chống lại kẻ thù này bằng mười thiện hạnh.”
Cả hai cha con đã thực hành miên mật như lời Đức Phật dạy. Sau một thời gian, các che chướng trong tâm họ hoàn toàn được tịnh hóa, khiến họ giải thoát khỏi những đau khổ của sinh, lão, bệnh và tử. Mặc dù họ già yếu, bệnh tật và chết, họ không trải nghiệm bất kỳ đau khổ nào liên quan đến những sự việc này. Bởi họ đạt được chứng ngộ to lớn như thế, từ không trung, các vị trời tán thán bằng bài kệ này:
Vị chỉ huy lẽ vô thường của sinh tử
đã tiến hành một cuộc Pháp-chiến chống lại lực lượng sinh, lão, bệnh và tử.
Được trang bị đầy đủ và chuẩn bị kỹ càng, ngài đã chiến thắng vẻ vang.
Quả là một cuộc chiến đấu phi thường!
Cũng thế, nếu ta muốn thoát khỏi bốn con sông lớn đau khổ, ta phải thực hành Pháp một cách chân thành và tinh tấn từ tận đáy lòng ta khi ta có cơ hội và khả năng.
Trừ phi ta chứng ngộ, ta không có sự hỗ trợ vào lúc bắt đầu hay chấm dứt cuộc đời. Dĩ nhiên là ta sẽ già. Nhưng nếu ta thực hành Pháp, đặc biệt là Bồ đề tâm và Mahamudra (Đại Ấn), những đau khổ này chỉ là điều huyễn hóa. Đức Milarepa nói: “Nếu bạn không nhận ra sinh, lão, bệnh, và tử là huyễn hóa, đau khổ mà chúng mang lại thật không thể chịu đựng nổi.” Chừng nào mà sinh, lão, bệnh, và tử có thực đối với ta, mọi đau khổ mà ta kinh nghiệm trong cuộc đời này sẽ là điều thật có. Khi ta thực sự đối mặt với hoàn cảnh này, chắc chắn là Pháp sẽ có ích lợi. Các hành giả Giáo pháp sẽ không đau khổ quá nhiều như những người không thực hành Pháp. Vì thế, ta phải thực hành Giáo pháp quý báu ngay bây giờ, trước khi ta gặp phải những đau khổ này.
Trong chốc lát, hãy quán tưởng một con cá dẫy dụa trên cát nóng tại một bãi biển. Trong sự bất lực, nó chết ở đó mà không có một hỗ trợ nào. Có nhiều người trong thế giới; một số người giàu có, nổi tiếng, hay có học vấn, và một số thì không. Nhưng tất cả đều phải đối mặt với nỗi khổ của lão, bệnh và tử. Hãy phát triển lòng bi mẫn lớn lao và cầu nguyện rằng bạn có thể chấp nhận những đau khổ này. Hãy lập một thệ nguyện thành tựu Phật quả và cứu giúp tất cả chúng sinh.
Trích từ nguyên tác: “A Complete Guide to The Buddhist Path” (Một Hướng dẫn đầy đủ về Con Đường Phật pháp) của Khenchen Konchog Gyaltsen
Thanh Liên dịch sang Việt ngữ
Các tin tức khác
- Tài sản lớn nhất trong đời sống là “không mua” (20/06/2016 1:15)
- Câu Chuyện Nhân Quả: Ham chút lợi nhỏ, bị thiệt hại to (20/06/2016 12:59)
- Không có người nào hoàn toàn xấu (19/06/2016 2:04)
- Sống có ích (19/06/2016 1:37)
- Nhân và quả (18/06/2016 1:36)
- Chân thực tại của tôi (18/06/2016 1:30)
- Hãy cười lên, điều bạn nhận được nằm ngoài sức tưởng tượng đấy! (18/06/2016 12:55)
- Tâm không bình thì sống không an (17/06/2016 2:44)
- Tu tập tâm xả (17/06/2016 2:39)
- Bạn phải làm gì khi bị rơi nhanh trong thang máy? (17/06/2016 2:35)