Sự đánh giá thấp mình là một trong những trở ngại lớn nhất trên con đường đến tỉnh giác hoàn toàn. Chúng ta sống với bản thân 24 giờ một ngày nhưng chúng ta không biết mình là ai và cách để làm bạn với bản thân. Ta luôn phán xét bản thân với những tiêu chuẩn mà ta chẳng bao giờ xét xem chúng thực sự có thực tế hay không. Ta so sánh bản thân với người khác và lúc nào cũng đi đến kết luận mình là kẻ thất bại, thua sút người.
Không có ai là hoàn toàn; tất cả chúng ta đều có khuyết điểm. Đó là điều bình thường, nên chúng ta không cần phải hạ thấp bản thân vì những lỗi lầm hay nghĩ rằng ta chính là những lỗi lầm. Bản ngã được khuyếch đại vì ta không biết mình thực sự là ai. Ta cần phải tập làm bạn với bản thân và chấp nhận bản thân, “Đúng vậy, tôi có những lỗi lầm nhưng tôi đang sửa đổi chúng và đúng là tôi cũng có những đức tính, những khả năng và tài nghệ nữa. Tôi là một người có giá trị vì tôi có Phật tánh, có khả năng để trở thành một vị Phật hoàn toàn giác ngộ. Ngay chính ở hiện tại, tôi cũng có thể đóng góp vào sự an bình cho người khác. Tôi cũng có thể đem lại ích lợi cho người khác”.
Hành thiền và nghiên cứu giáo lý của đức Phật sẽ giúp chúng ta trở nên là bạn với bản thân. Để vượt qua lòng tự ti, chúng ta cần quán chiếu về Phật tánh và sự quý báo của kiếp con người. Làm như thế sẽ giúp chúng ta hiểu rằng bản chất thực sự của tâm là thanh tịnh và không uế nhiễm. Bản chất của tâm thì giống như bầu trời mở rộng –hoàn toàn rộng mở, hoàn toàn tự do. Các tâm chướng ngại như là si, sân, tham, tự ái, ganh ghét, lười biếng, ngã mạn, nghi hoặc, vân vân thì giống như là mây trên bầu trời. Khi có mây, ta không thể thấy được tính chất sáng chói, rộng mở, bao la của bầu trời. Bầu trời vẫn ở đó, nhưng nó đã bị che khuyất khỏi tầm nhìn của ta. Tương tự, đôi khi chúng ta có thể trở nên chán nản hay lầm lạc, nhưng tất cả các suy tưởng và xúc cảm này không phải là ta. Chúng giống như mây trên bầu trời. Bản chất tâm thanh tịnh của ta vẫn có ở đó, nó chỉ tạm thời bị che khuyất và khi ngọn gió trí tuệ và từ bi thổi qua thì những tình cảm phiền não giống như mây kia tan đi, ta sẽ thấy được bầu trời quang đãng, tự do.
Mỗi ngày hãy dành thời gian ngồi im lặng, thực hành tâm linh. Hãy hành thiền mỗi ngày, học giáo lý của đức Phật và dành thời gian cho riêng mình để quán chiếu về cuộc đời của bạn. Quán sát tư tưởng của bạn và tập phân biệt rõ ràng những tư tưởng có ích và thực tế, khỏi những tư tưởng tai hại và không thực tế. Hãy hiểu những suy nghĩ của bạn sẽ tạo ra các cảm xúc như thế nào. Hãy tạo không gian để chấp nhận và hàm ân bản thân như nó đang là. Bạn không cần phải là người hoàn hảo, là loại số một mà bạn nghĩ mình phải là. Bạn có thể buông thư và tự là mình với tất cả những rối rắm của một chúng sanh như bạn đang là. Sau đó, bạn có thể đào sâu vào các khả năng của mình và tháo mở tất cả mọi cánh cửa để giúp bạn hiểu bản thân hơn. Đức Phật đã dạy rất nhiều phương pháp để chế ngự phiền não, chuyển hóa những tư tưởng tiêu cực và diệt trừ tà kiến. Bạn có thể nghiên cứu các phương cách này và tập làm thế nào để đem chúng vào tâm mình, làm thế nào để sửa đổi tâm để nó trở thành trong sáng hơn, bình lặng hơn, và làm thế nào để mở tâm từ đến với bản thân cũng như đến với người khác. Trong quá trình làm việc này, bạn sẽ trở thành bạn tốt của chính mình.
Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
BẢY BÍ QUYẾT SỐNG HẠNH PHÚC
& Các Bài Pháp Khác
Nhiều tác giả | Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2016
Các tin tức khác
- Sống chân thật ( 1/08/2016 1:19)
- Ung nhọt của thân thể (31/07/2016 2:35)
- Báo hiếu cha mẹ theo tấm gương Ngài Xá Lợi Phất (31/07/2016 2:23)
- Từ bỏ một thói quen không tốt (31/07/2016 2:18)
- Việc vặt (30/07/2016 1:03)
- Tham Thiền kiếp này chưa kiến tánh, khi chết rồi đi về đâu? (30/07/2016 12:46)
- Ý nghĩa chắp tay trong nghi thức Phật giáo (29/07/2016 1:16)
- Làm cách nào để dứt bỏ sân giận? (29/07/2016 1:09)
- Đừng sống với cái tôi quá lớn (28/07/2016 2:07)
- Đức Phật với tinh thần giáo dục con người toàn diện (28/07/2016 2:04)