Chữ "hiếu" xưa và nay

12/08/2016 1:55
Một nhà sư đã từng nói với tôi rằng “Chữ "hiếu" trong cuộc đời này rộng lắm! Nó không đơn thuần là hiếu kính với cha mẹ bằng tiền tài, vật chất hay phải luôn luôn ở bên chăm nom, phụng dưỡng. Mà đôi khi là sự hy sinh thầm lặng để được thấy nụ cười hạnh phúc, an lạc của mẹ cha… hay đơn giản là những bữa cơm sum vầy trong sự yêu thương, hòa thuận."

 
 
 
 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp, từ nhỏ tôi đã luôn được răn dạy phải biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Nhưng có lẽ, trong tâm hồn non nớt như tôi chưa thể hình dung ra sự sâu xa và rộng lớn của việc báo ân mỗi dịp Vu lan về. 

Tôi đi tìm hình tượng mẫu mực trong cuộc sống về những người con hiếu thảo, những con người lớn lao và vĩ đại như ngài Mục-Kiền-Liên trong kinh Báo Ân hay phải hy sinh một phần cơ thể, thậm chí tính mạng để cứu mẹ cha. 

Nhưng tôi quên mất những hành động nhỏ cũng làm nên những điều to lớn. Từng hạt cát hiếu đạo vẫn hàng ngày được vun bồi ở mỗi người xung quanh mà ta không nhận thấy và dễ dàng quên lãng. 

Chữ Hiếu được thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong ánh mắt yêu thương, trong cử chỉ thân thương của em bé khoanh tay chào cha mẹ lúc đi học về và trong bữa cơm gia đình ấm cúng, sum vầy. 
 
Gia đình là chỗ dựa, cũng là tâm huyết cả đời của cha mẹ. Bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn anh em trong nhà vui vẻ, đầm ấm, xây dựng không khí tình thân. 

Chỉ cần người nhà đối với nhau thân tình, thuận hòa, bên nhau khi vui khi buồn, chia sẻ khó khăn, tương trợ hoạn nạn là cha mẹ đã cảm thấy yên lòng.

Con nào cũng là con, nếu xảy ra mâu thuẫn thì người cha người mẹ ở giữa khó phân xử, cũng cảm thấy lo lắng, muộn phiền. Vì ngoài cha mẹ ra, trên đời này, người gần gũi nhất, ruột thịt nhất chính là anh em trong nhà. Cha mẹ tuổi già, sức yếu thì anh em nương tựa lẫn nhau, ấy chính là niềm vui, niềm hạnh phúc, cũng là sự an tâm lớn nhất của hai đấng sinh thành.

Trong bức thư gửi con của tác giả Khiêm Cung có viết: 

Chữ "hiếu" thời xưa: 

"Ba mẹ đâu đòi hỏi các con phải báo hiếu theo cách của Vương Tường đời Tấn, đặt ván lên trên tuyết để nằm chờ cá lý ngư từ dưới tuyết nhảy lên để bắt đem về làm cho kế mẫu ăn. Hoặc như Ngô Mạnh Tông, cha mất sớm, ở với mẹ. Mùa đông đâu có măng, mẹ thèm canh măng, Mạnh Tông buồn vì không tìm được măng để nấu canh cho mẹ ăn nên ôm gốc tre khóc, động lòng trời đất cho măng mọc ra, đem về nấu canh cho mẹ dùng.
 
Đạo làm con đối với cha mẹ là sớm thăm tối viếng, quạt nồng ấp lạnh, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu…"

Chữ "hiếu" thời nay:

"Ngày nay vật chất quá đầy đủ, tiện nghi hiện đại. Dù ở xa vạn dặm, các con cũng có thể vấn an ba mẹ bằng điện thoại, điện thư, mua sắm cho ba mẹ quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, máy sưởi, mền điện, quần áo mùa đông, y phục mùa hè, tủ lạnh để dự trữ thức ăn. Đứa mua thứ này, đứa sắm thứ kia cho ba mẹ. Rồi thỉnh thoảng các con về thăm. Còn đòi hỏi gì nữa?
 
Ba mẹ là những người tri túc, an phận và thông cảm với hoàn cảnh sinh hoạt tất bật của con cái."

Hiếu là thuận hòa:

"Theo đạo Nho, chữ hiếu đã vẹn tròn, nhưng các con đối với nhau có hòa thuận hay không? Các con không hòa thuận thì ba mẹ không vui trọn vẹn. 

Các con biết chăng có những đêm ba mẹ trằn trọc, không ngủ được, vì thấy các con có chuyện hục hặc với nhau, đứa này than phiền với ba mẹ về đứa kia. 

Hồi còn nhỏ, các con cũng thường hay méc thót như vậy, ba mẹ coi đó là chuyện trẻ con, nay các con đã lớn rồi, mỗi người thực sự là một thành viên của xã hội, dù là anh chị em cùng một huyết thống, nhưng có cuộc sống riêng tư, mỗi người là một bản ngã, một cái ta riêng lẻ, tự ái dễ bị đụng chạm, ba mẹ cưng các con như các chén sứ, chén kiểu, sợ những sự va chạm như vậy sẽ sứt mẻ đi, không hàn gắn lại được, ba mẹ sẽ đau lòng xót dạ biết chừng nào!"

Hiếu khi ba mẹ mất:

"Ngày kỵ giỗ, nghe ba căn dặn điều này: Ngày đó không cần bày cúng thức ăn trên bàn thờ, mà chỉ cần thắp nhang mời ba mẹ về chứng kiến các con, các cháu cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ với nhau một cách thật lòng. Ba mẹ không cần ăn vì thấy con cháu vui vẻ, thương yêu nhau là đã mãn nguyện, đã no rồi. Đó là lời căn dặn khẩn thiết và chí tình của ba mẹ, các con nên ghi nhớ.

Ba mẹ mong các con đã hiếu thảo, lại thuận hòa với nhau để cho ba mẹ có được một niềm vui trọn vẹn ngay lúc ba mẹ còn sống, cũng như sau khi ba mẹ đã khuất."

Ba mẹ đâu cần nhà cao cửa rộng, người hầu kẻ hạ mà thiếu đi lời hỏi han ân cần, sự chăm sóc của con cái. Ba mẹ đâu cần đám ma to hoành tráng nhất vùng mà con cái thờ ơ, lãnh đạm, những giọt nước mắt chỉ là giả tạo. 

Trong tác phẩm "Người thổi kèn đám ma" - Bài dự thi sáng tác các tác phầm về Đạo Hiếu, có đoạn viết:

"Buồn lắm. Thuở đời nay, bảy tám đứa con, nuôi tới lớn ăn học đề huề, ruộng đất bao nhiêu tao cũng bán sạch miễn tụi nó ăn học tới nơi, tới chốn. Giờ đứa làm giám đốc, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư. Vậy mà…"

Vậy mà, người mẹ già nua, còm cõi đã chết trong cô đơn chỉ với một niềm mong ước giản đơn "Chỉ mong gặp mặt con cháu nhiều hơn giữa không gian luôn quạnh quẽ đến nao lòng."

Chữ "hiếu" thời xưa và nay tuy cách thể hiện có sự khác nhau nhưng điều cốt lõi vẫn phải biết giữ tấm lòng chân thật, hiếu kính với mẹ cha. Tiền tài vật chất hay danh vọng địa vị chỉ là giả tạm, điều quan trọng phải là người con hiếu thảo, biết yêu thương đùm bọc anh em trong nhà cũng như giúp đỡ mọi người xung quanh. 

Hồng Yến  - Theo GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top