Điều đáng báo động là sự chân thật ngày càng ít đi trong xã hội, lương tri con người ngày càng chai sạn chứ không còn mẫn cảm đủ để biết hổ thẹn để có thể sống với tâm chân thật của mình. Nhiều người chọn cách sống giả dối như một “nghệ thuật sống” và cổ súy lối sống này vì họ quan niệm, sống thật lúc nào cũng bị lỗ lã! Sống giả dối chỉ có cái lợi trước mắt, nhưng hại thì lâu dài. Ví như thức ăn nhanh hay bình dân hơn là mì ăn liền, ăn thì nhanh mà tiêu hóa thì chậm, cung cấp năng lượng nghèo nàn cho cơ thể, bệnh tiềm ẩn lâu dài! Những ai chọn con đường đi của nhân cách theo kiểu “mì ăn liền” sẽ có đời sống nội tâm nghèo nàn, hoang vu và họ sẽ không cảm nhận được hạnh phúc của một người sống chân thành như được mọi người tin cậy, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân, đem lại cảm giác an lành, yên ổn, thanh thản cho những ai sống gần.
Đức Phật luôn khuyến khích các đệ tử Ngài nói lời chân thật, sống chân thật. Trong rất nhiều bài kinh, Ngài nhắc nhở “nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi” (Tiểu kinh Dụ dấu chân voi, trung bộ kinh số 27; Kinh sáu thanh tịnh, kinh số 112; Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm XX, kinh số 198; chương X, phẩm X, kinh số 99). Đức Phật cảnh báo rằng, lời nói chân thật, nói có mục đích sẽ đem đến an lạc, hạnh phúc và đó là đường đi chân chánh của người học đạo. “Phàm lời nói nào là chân thật, không hư vọng, có liên hệ mục đích, pháp này là pháp không đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo” (Kinh Vô tránh phân biệt, Trung bộ kinh số139). Những người biết cân nhắc, thận trọng lời nói, chịu trách nhiệm về lời nói của mình được đức Phật khen là bậc hiền trí. Ngài dạy “[người nào] nói lời đúng thời, nói lời chân thực, nói lời có nghĩa, nói lời đúng pháp, nói lời đúng luật, nói lời đáng được gìn giữ, lời nói hợp thời cơ, hợp lý, có giới hạn, liên hệ đến mục đích, thời vị ấy được gọi là vị trưởng lão hiền trí” (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm III, kinh số 22).
Sự chân thật phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự và lưu xuất trong lời nói thì lời nói ấy có sức thuyết phục, cảm hóa và đánh động tâm thức người đối diện. Ta có thể dối tất cả mọi người trong một lúc nào đó, ta có thể dối một người trong một thời gian dài nhưng ta không thể dối nhiều người trong suốt thời gian dài được. Người khéo lấy lòng, giỏi che đậy thì khó tu sửa lắm, vì bản thân họ tự huyễn hoặc chính mình và huyễn hoặc người khác cho “qua truông”, bản chất của vấn đề không được mổ xẻ, nhìn nhận đúng như nó là thì sẽ không có giải pháp thích đáng. Người như vậy không bao giờ có cơ hội để tiến bộ và chuyển hóa trên con đường tu tập. Đạo cao đức trọng cần được nhìn ở phương diện chất lượng của sự chuyển hóa tâm chứ không phải tính bằng số lượng, hình thức và thời gian vậy.
Trích ĐỂ SỐNG VỮNG CHÃI TRONG ĐẠO - TG: Hằng Như
Các tin tức khác
- Chữ "hiếu" xưa và nay (12/08/2016 1:55)
- Địa ngục đâu chỉ là ẩn dụ (11/08/2016 1:45)
- Tình thương qua sự cảm thông (11/08/2016 1:43)
- Rằm tháng Sáu: Ngày Chuyển Pháp Luân (11/08/2016 1:40)
- Sống trong hiện tại (10/08/2016 1:39)
- Đời người như giấc mộng, hãy thức tỉnh! (10/08/2016 1:27)
- Phật không thấy ai là kẻ thù ( 9/08/2016 12:33)
- Bản ngã của một sự hưởng thụ ( 9/08/2016 12:29)
- Công đức tùy thời bố thí ( 8/08/2016 12:57)
- Thiết lập ưu tiên ( 8/08/2016 12:38)