Tu cùng không tu

23/08/2016 12:48
Giảng về việc tu hành hay không tu hành, đều là lời trống không. Chúng ta nếu hiểu rõ thấu triệt chính mình có một phần tâm quang, ngay khi ấy biết rõ việc vô sự, thì sao lại bàn về tu cùng chẳng tu.
Phật Thích Ca xuất gia tầm đạo, sáu năm tu khổ hạnh, bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội Bồ Đề, đến đêm cuối cùng ngắm vì sao chớp, liền ngộ đạo, nói kệ:

- Lạ lùng thay ! Lạ lùng thay ! Chúng sanh trên cõi đất đều có đầy đủ đức tướng trí huệ của Như Lai. Chỉ vì vọng tưởng chấp trước, nên không thể chứng đạo. Nếu rời vọng tưởng thì trí huệ thanh tịnh, trí huệ tự nhiên, trí huệ vô sư đều tự nhiên hiện ra.

Sau khi thuyết pháp trong bốn mươi chín năm, đức Phật lại bảo:

- Ta chưa từng nói một lời nào!

Từ đó, chư vị Tổ sư trải qua bao đời y theo một pháp mà truyền thừa liên tục; các ngài đều nhận rõ: "Tâm, Phật, chúng sanh, tuy ba nhưng thật không sai khác" nên "Chỉ thẳng chân tâm, thấy tánh thành Phật".
 
Chư vị Tổ sư giảng rộng giảng dài, hoặc đánh hoặc mắng, dùng mọi phương pháp đều để đoạn trừ vọng tưởng phân biệt của hành giả và muốn họ nhìn thẳng vào: "Tự nhận bổn tâm. Tự thấy bổn tánh" mà không hề giả lập một chút phương tiện rắc rối, bảo tu bảo chứng nào. Yếu chỉ của Phật tổ như thế, chúng ta phải nên biết rõ.

Tâm niệm của chúng ta vốn đã thanh tịnh, vốn tự đầy đủ, viên mãn, biến khắp mọi nơi, diệu dụng hằng sa, cùng ba đời chư Phật, thật không khác biệt.

Nếu tâm chẳng dính mắc thiện ác và xả bỏ được tất cả, thì có thể lập địa thành Phật; ngồi thiền đến lúc thiên hạ hưởng thái bình. Nếu được như thế thì có hạnh gì để tu ? Câu tu hành có phải là rỗng tuếch không? Tuy nhiên, trong mỗi tâm niệm, chúng ta luôn hướng ngoại tầm cầu và có biết bao vọng tưởng chấp trước, nên không thể thoát ly sanh tử. Từ đời vô thủy cho đến nay, luân hồi trong vòng sanh tử, bị vô minh phiền não nhiễm ô thâm trọng, nên mới không biết tự tâm mình chính là Phật. Tuy nhiên, khi đã biết rồi lại không dám thừa nhận, nên không thể làm chủ được; nghĩa là không có dũng khí của người tráng sĩ, dám đoạn chặt hết vọng tưởng. Vì vậy, ngày ngày luôn sống trong vọng tưởng chấp trước.

Người trên thì cả ngày làm này làm nọ, cầu thiền cầu đạo, không rời khỏi tâm chấp có. Kẻ dưới thì không thể phá vỡ ngục tù tham lam, sân hận, si mê, nên bỏ đạo tìm cầu bên ngoài. Hai loại người này, luân chuyển trong sanh tử, không biết ngày nào thoát khỏi. Giảng về việc tu hành, đó cũng là lời nói trống không.

Bên trên đã nói đến việc là chẳng kể lên hay xuống, thăng hay trầm, đều vẫn bị trói buộc. Người có mắt sáng nhìn thấy, nhận rõ đó chỉ là: "Kéo bùn mang nước". Thế nên, đại trượng phu phải trực nhận hiểu rõ, biết rằng từ quá khứ cho đến tương lai, sự sự vật vật đều như mộng huyễn như bong bóng nước, chẳng có tự tánh; người và pháp chợt không, thì muôn duyên đều ngừng, khiến một niệm bằng cả vạn năm, đạt thẳng đến vô sanh.

Nhìn bên ngoài, thấy người tu hành ăn cơm mặc áo, đi đứng nằm ngồi, như người bình thường, nhưng nào biết họ đã tự thanh tịnh, ngồi thiền an tọa trong nhà, hưởng thọ châu báu vô tận tạng. Vô tâm vô vi, tự do tự tại, động tịnh nhất như, nóng lạnh tự biết. Không những ba cõi sáu loài trời người quỷ thần không thể phá hoại, mà chư Phật chư Bồ Tát cũng chẳng giúp gì được. Nếu như thế, nói gì là tu hay chẳng tu? Phải nên phát khởi chí hướng, phát tâm niệm nhớ thống khổ vì sanh tử, phát khởi tâm xấu hổ, phát khởi hạnh tinh tấn và tham phương tầm đạo, tìm cầu chư thiện tri thức chỉ dạy lộ trình tu đạo cùng phân biệt chánh tà: "Như rèn như đúc, như giũa như mài", "nước sông Giang trơ trọi, ánh nắng mùa thu gay gắt".

Từ từ tâm niệm tinh thuần sáng trong. Khi ấy, không thể nói rằng chẳng tu hành được. Vì Tổ đình trơ trọi, người người ngày càng xa các bậc thánh hiền và vì ứng theo căn cơ quần chúng, nên bất đắc dĩ tôi mới nói ra những lời này. Thật ra, nói đến lẽ cùng tột thì giảng tu hành, hay giảng không tu hành, vẫn là lời nói trống không. Xả bỏ hết liền vô sự. Tâm nào dính một vật, thì cần gì mở miệng nói. Chư Bồ Tát! Quý ngài có hội chăng?

Thiền sư Hư Vân

Các tin tức khác

Back to top