Bài toán cuộc đời

28/08/2016 2:23
Mỗi một kiếp người là một bài toán khó cần phải giải, vì khi đầu thai, ta mang theo nghiệp, tội, phước của mình kiếp trước. Và cái nghiệp này đã đặt ta vào tình huống có cái khó, có dễ, có cái sướng, cái khổ, có cái đúng, cái sai, thậm chí trong lòng ta có cái tốt, cái xấu. Do đó, chúng ta làm sao giải bài toán đó, làm sao sống qua một đời sẽ vượt qua, khắc phục được hết để hoàn thiện chính mình và rồi cuối kiếp sống này, đến cuối đời ta có được một cuộc đời hoàn hảo.

Khi đầu thai vào kiếp này thường đời con người, được mặt này, mất mặt kia, hay được lợi cái này mà bất lợi cái kia. Như vậy, kiếp người không phải dễ sống nhưng chúng ta vẫn phải ráng sống cho qua, phải đi tới.

Trong cái khó của kiếp người đó, đặt trường hợp có 3 cách để con người xử lý: Một là từ lúc chào đời, khi biết suy nghĩ, thấy cuộc đời phức tạp quá nên không muốn sống nữa. Cách thứ hai là quyết liệt đối diện với cuộc đời, sống với cuộc đời, xử lý cái hay, cái dở của cuộc đời, không trốn tránh nữa. Cách thứ ba là vượt khỏi cuộc đời, sống một cuộc đời mô phạm, làm Thầy mọi người, làm điểm tựa đạo đức tâm linh cho cuộc đời. Hầu hết chúng ta chọn cách thứ hai là đối diện với cái nghiệp của mình để mà sống, mà trả, mà gieo, ứng xử sao cho hợp lý để đi qua. Còn cách thứ nhất hình như không có ai chọn. Tuy nhiên cách thứ hai cũng có cái khó, nếu nói đối diện với cuộc đời, sống với cuộc đời để trả nghiệp thì chúng ta cũng đã không xử lý đúng hết mọi chuyện trên đời, vì không có ai bên cạnh để giải thích, góp ý cho mình từng chút một hết. Chẳng hạn khi đối diện với tương lai, với những cơ hội làm ăn, hay đối diện với những buồn thương, giận ghét, cái hay dở, tốt xấu, cái tội phước…những nghiệp duyên từ kiếp trước nó tràn lại, thật sự chúng ta mờ mịt, không biết nên làm sao cho đúng. Nhờ vậy mà thầy bói sống rất khỏe. Có người tự mình tính, mà trên cuộc đời này không phải chuyện nào cũng dễ tính.

Do vậy, cứ mỗi khi chúng ta đầu thai lại kiếp này là giống như gặp phải một bài toán khó mà hầu hết chúng ta không phải ai cũng làm toán được 10 điểm. Giống như suốt cuộc đời này, không phải ai xử lý việc nào cũng đúng hết. Cho nên đến cuối cuộc đời chưa chắc mình được bình an, và khi chết ta chưa chắc lên được cõi Trời. Lại nữa, những kiếp sau chưa chắc mình chứng Thánh. Chỉ những người nào có cái duyên, cái trí tuệ gì đó, được ai dìu đắt, trong tâm hồn họ có đạo lí cao siêu nào đó soi sáng và quyết tâm tinh tấn áp dụng đạo lý đó thì bắt đầu xử lý mọi chuyện trên đời bớt sai lầm, trở nên đúng dần dần trên từng bước đường đi của họ. Còn như một người có đạo lý mà không nổ lực tu thì sai vẫn sai rất nhiều lần.

Tuy nhiên, từ biết đến hiểu là một khoảng cách rất xa. Vậy sống làm sao để khi mất đi chúng ta về nơi an lành.

Nhất là những người tuổi đã lớn thì không còn được phép sai lầm dù một ý nghĩ nhỏ. Họ vẫn còn một khoảng thời gian cuối đời để tu, để dưỡng, để sống cho đúng mà đi vào cõi chết bình an. Riêng những người tuổi trẻ, nếu may mắn biết đạo sớm thì cố gắng dồn hết cuộc đời còn lại thực hành đạo lý, không được quyền sống sai lầm dù trong ý nghĩ để bảo đảm rằng đến cuối đời, khi từ bỏ thế gian này có thể vượt lên trên cõi Thánh cao siêu hơn. Cõi này không có gì để ta nấn ná cả. Tuy ta phải yêu thương cái cõi mà mình đã sinh ra, ta cũng biết ơn mảnh đất mình đã có mặt nhưng trên con đường phát triển tâm linh cao siêu thì cõi này chỉ là một trạm dừng chân. Bổn phận của ta còn phải vượt lên những cõi cao hơn.

Mỗi người đều đi trên lộ trình của sinh – lão – bệnh – tử, ngày nào đó ta cũng phải chết. Ta đang sống tức là đang đi về cõi chết nhưng trên con đường đi đó làm sao gieo rắc nhiều hoa thơm trái ngọt cho đời, cho người đi sau, chứ không phải mỗi bước chân mình đi chỉ thả xuống là xù xì, gai góc, nọc độc cho người sau giẫm lên.

Theo PGVN

Các tin tức khác

Back to top