Muôn đời nay, lý thuyết vẫn là lý thuyết. Thực tế cuộc sống thì lại hoàn toàn ngược lại. Nhân tâm, tức lòng người, thì luôn biến đổi, thiên biến vạn hóa khôn lường. Chính vì vậy ứng xử với mỗi người là không giống nhau. Trong cuộc đời của mình, chúng ta gặp biết bao nhiêu con người, với mỗi người mà nói, thì chúng ta lại cần một thái độ ứng xử khác nhau.
Đơn giản nhé, hiện nay ngành kinh doanh vô cùng phát triển. Trong quy tắc ứng xử với khách hàng đã vô cùng linh hoạt. Làm thế nào để bạn có thể trở thành một nhân viên bán hàng giỏi? Đó chính là phải nắm được tâm lý khách hàng:
Với khách hàng nóng tính, ta cần phải khéo léo,
Với khách hàng nghi ngờ, ta cần phải tự tin,
Với khách hàng do dự, ta phải ân cần,
Với khách hàng kĩ tính, ta cần phải kiên trì,
Với khách hàng khó chịu, ta cần phải kiên trì,
Với khách hàng lịch sự thì ta chân thành….
Đắc nhân tâm vốn dĩ đã có từ ngàn xưa, tích hợp tinh hoa Đông tây kim cổ và thiết nghĩ, cư xử thấu tình đạt lý vẫn là một trong những nghệ thuật ứng xử đưa con người ta đến thành công.
Thế nào là thấu tình đạt lý?
Xem xét vấn đề này trên bình diện văn hóa, chúng ta sẽ thấy được phạm vi biểu đạt của nó vô cùng rộng. Tuy nhiên trong giới hạn của bài viết này, tôi muốn khoanh vùng phạm vi của phương châm này trong nguyên tắc ứng xử giữa người với người.
Thấu tình, ấy chính là cái tình người. Tự mỗi người chúng ta sinh ra ai mà chẳng có tình? Thế nhưng cái tình đó được biểu hiện như thế nào và mang lại hiệu quả giao tiếp ra sao mới chính là điều quan trọng. Cư xử thấu tình không phải là điều dễ dàng, bạn tin không.
Ông bà xưa vẫn bảo: của cho không bằng cách cho. Bạn có tình đấy, nhưng cái tình đó được biểu hiện ra như thế nào mới là điều quan trọng. Bạn cho người nghèo một mẩu bánh mì, nhưng cho thế nào để người ta vui vẻ đón nhận mà không ngại đến cái sự nghèo của mình ấy mới là cái điều tài. Thấu tình cũng chính là thấu được tâm can của người, dựa vào tâm của người mà đưa ra những lối ứng xử phù hợp nhất.
Còn về vấn đề đạt lý, thì ấy chính là phù hợp với quy chuẩn đạo đức ứng xử chung của toàn xã hội. Bạn có tình nhưng cái tình đó phải phù hợp với cái lý chung. Đơn cử như khi người ta lập phiên tòa xử tội phạm vậy. Tình là cần thiết, nhưng những hành động sai trái gây ảnh hưởng cho xã hội vẫn cần những hình phạt thích đáng. Đó chính là đạt được cái lý chung nhất, để ai cũng có thể nhìn vào đó mà chiêm nghiệm ra được mình cần phải sống thế nào để không vướng vào vòng lao lý là vậy.
Các ứng xử thấu tình đạt lý
Nói riêng cư xử của người với người trong cuộc sống thường ngày, ứng xử thấu tình đạt lý là quan trọng để có thể đạt được những thành công trong cuộc sống. Bạn là nhà giáo, là luật sư, là công an là người cha trong gia đình, là cá nhân trong tập thể, mỗi hoàn cảnh sẽ đưa bạn đến một “thân phận” khác nhau, và dĩ nhiên mỗi hoàn cảnh xã hội mà bạn đang đứng sẽ quyết định bạn ứng xử thế nào.
Vì sao người ta bảo, bên cạnh chuyên môn, thì nghệ thuật giao tiếp ứng xử mới chính là nhân tố quan trọng để đưa người ta đến những thành công trong sự nghiệp? ở trường, bạn là một cô giáo khó tính nhưng ân cần để học sinh có thể nghe theo và tiến bộ. Nhưng ở nhà, bạn rất cần là một người con dâu tốt của cha mẹ chồng, một người vợ chu toàn, một người mẹ đảm đang…dù ở bất cứ đâu, nếu biết ứng xử thấu tình đạt lý thì bạn sẽ được mọi người yêu mến với sự chân thành cũng như sự nể phục thật sự.
Một đôi khi, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời như một sân khấu lớn và mỗi người trong chúng ta sẽ đóng nhiều vai diễn trong từng phân cảnh khác nhau. Nói thế thì hơi hình tượng, nhưng thực tế thì đúng là như vậy. Chín người mười ý, sống làm sao cho vừa lòng thiên hạ không phải là chuyện dễ dàng…
Đạo Phật vì sao dạy chúng ta trong đời sống cần có thái độ từ tốn, tôn trọng chúng sanh, ăn chay niệm Phật làm điều lành? Ấy chẳng phải là muốn con người hướng đến việc sống bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau hay sao. Điều thấu tình đạt lý trong đạo Phật nó được biểu hiện giản dị trong chính đời sống của mỗi người trong quan hệ với vạn vật bên ngoài. Sống chan hòa với vạn vật, tự khắc chúng ta đã tạo cho chúng ta thái độ sống đúng đắn nhất và được nhiều người ngưỡng vọng nhất trong cuộc đời.
Trong thời đại ngày nay, ứng xử thấu tình đạt lý sẽ chính là một trong những chìa khóa mang bạn đến thành công. Chữ đắc nhân tâm trong đời này, bài học kinh nghiệm tự ngàn xưa, mãi mãi vẫn là một chân lý soi đường cho những ai muốn tìm kiếm được thành công và hạnh phúc.
Muốn được như thế, bạn phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài và không ngừng học hỏi. Trước tiên phải có tầm nhìn quán chiếu mọi sự vật sự việc, nhìn chúng dưới bản ngã của riêng chúng, để từ đó nắm được bản chất của vấn đề. Việc tu dưỡng đạo đức cũng là một trong những vấn đề cần được chú tâm, bởi không có đạo đức thì không thể giải quyết “thấu tình”, không có tri thức thì không thể nào “đạt lý”. Làm người khó vậy, làm người thấu tình đạt lý lại càng khó thay!
Theo BlogPhatGiao
Các tin tức khác
- Biết ơn giúp ta đối xử tốt với mọi người (23/08/2016 10:14)
- Mỗi bước tiến tu đều đem lại an lạc (23/08/2016 9:42)
- Tu cùng không tu (23/08/2016 12:48)
- Buông bỏ cả tốt lẫn xấu (23/08/2016 12:42)
- Biết ơn giúp chúng ta vững bước hơn trong cuộc sống (23/08/2016 12:38)
- Bí ẩn trong bài thuốc trường sinh của vị thiền sư nổi tiếng nhà Đường là gì? (23/08/2016 12:31)
- Ga xe lửa và những chuyến tàu (22/08/2016 12:18)
- Tu tập để ra khỏi luân hồi sanh tử (21/08/2016 12:04)
- Sự nghiệp giác ngộ (20/08/2016 11:45)
- Hóa giải những rắc rối trong quan hệ gia đình theo lời Phật dạy (20/08/2016 12:21)