Chúng ta nên hoan hỉ khen ngợi người đáng khen, và khi nghe ai được hạnh phúc, hãy vui mừng như chính mình hạnh phúc. Sự thể đáng lẽ phải vậy. Người được như thế là người sáng suốt không để mờ tâm Phật. Nhưng nếu khi thấy hay nghe điều gì, mà bạn phản ứng với lòng kiêu căng hay cuồng tín, thì thế là bạn đã chuyển cái tâm Phật bẩm sinh nơi bạn thành một giống dân địa ngục...
Khi dẹp bỏ thói tức giận, tham lam, bám víu, chấp ngã, thì dù với kẻ tôi tớ, quý vị cũng không dữ dằn, mà bày tỏ lòng thương. Không phải vì có tiền thuê mướn người làm mà quý vị thấy có lý do để đánh đập hay sai người ta làm những việc vô lối. Dù với tôi tớ, ta cũng không nên nghĩ họ không liên hệ gì đến mình. Giả sử bạn có đứa con không vâng lời. Nếu kẻ bất tuân đó là một người ngoài thì phải biết, bạn sẽ nổi tam bành. Nhưng vì bạn nghĩ nó là con mình, nên đành rán chịu, phải không? Hơn nữa, những việc đổ đồ dơ mà bạn sai con cái làm, thì vì cùng máu mủ, có thể nó không gớm ghiếc lắm. Nhưng với một người tôi tớ không bà con thì khác. La mắng người khác xối xả, tức giận điên cuồng, đó là một lỗi lầm lớn. Từ trước đến nay, vì không hiểu nguyên tắc đằng sau sự việc, nên bạn tha hồ nổi nóng không cần suy nghĩ, tin rằng sự sân si tức giận là lẽ tự nhiên thường tình trong cõi người ta. Nhưng bây giờ, khi đã nghe về Tâm Phật bất sinh mà mỗi người đều sẵn có từ lúc mới sinh ra, thì từ đây về sau quý vị nên giữ gìn đừng làm hại cái tâm ấy.
Có lẽ quý vị tưởng những người tôi tớ đã nhờ tôi nói hộ. Nhưng không! Dù một người tớ có thô lỗ đến mấy, điều tôi muốn nói là quý vị cũng không nên mất bình tĩnh một cách vô lý để hại cái Tâm Phật của mình mà thôi...
Trong đời, đàn ông đa số không tin tưởng gì lắm. Nhưng phụ nữ thì khác, họ rất chân thành. Phụ nữ quả có điên rồ hơn nam giới ở vài khía cạnh. Nhưng khi bạn nói với họ là làm ác sẽ xuống địa ngục, thì họ hoàn toàn không chút hoài nghi, và khi bạn dạy họ rằng hành thiện sẽ thành Phật, thì họ hăng hái phát nguyện thành Phật, đức tin nơi họ càng ngày càng sâu xa. Khi họ nghe tôi nói về cái Bất sinh, lòng tin của họ được khơi dậy, bởi thế phụ nữ do lòng chân thành, sẽ dễ chứng ngộ Phật tính nhanh hơn nam giới mà khôn lanh láu cá. Vậy, hãy quyết định ngay bây giờ rằng, quý vị sẽ thành Phật.
Có lẽ mọi người đang nghĩ, thầy bảo vào mọi lúc ta nên coi chừng, đừng nổi nóng, đừng tham lam. Nhưng nếu ta theo lời thầy, rồi bị chê ngu, chắc chắn ta không thể nói "đương nhiên, chúng tôi là kẻ ngu."
Dĩ nhiên có thể xảy ra sự tình như thế; nhưng người nào chê kẻ khác ngu thì chính họ cũng ngu. Vậy với những người như thế, hãy bỏ qua chớ bận tâm làm gì.
Nhưng với một hiệp sĩ, bị kẻ khác lăng nhục thì không có chuyện bỏ qua. Tôi lấy một ví dụ. Có những người sở hữu những đồ men quý giá như bình cắm hoa và tách trà. Tôi không giữ những thứ ấy, nhưng tôi thấy người nào giữ đồ sứ quý đều bọc chúng rất kỹ trong nhiều lớp bông vải mịn và để trong hộp, vì nếu những thứ ấy mà chạm phải vật gì cứng thì đương nhiên phải vỡ. Bởi thế họ giữ cho khỏi vỡ bằng cách bọc trong bông vải mịn là việc làm có lý. Tâm người hiệp sĩ Nhật cũng giống như vậy. Trước hết, họ luôn luôn đặt danh dự trên hết mọi thứ khác. Dù chỉ một lời nói họ cũng không bỏ qua, mà phải thanh toán sòng phẳng, đó là lề lối của hiệp sĩ samurai. Khi một lời thách thức đã thốt ra, thì không có chuyện lấy lại. Người hiệp sĩ luôn gói kỹ phần "cứng" của tâm họ dưới những lần lót như thế, và ngay từ đầu đã hết sức cẩn trọng tránh "chạm phải" những người dễ động chạm. Tốt hơn là mọi người nên luôn thận trọng về điều này. Một khi bị người khác khiêu khích thì một samurai buộc phải sát sinh. Quý vị nên nhớ kỹ cho chuyện ấy.
Rồi lại có vụ sát sinh xảy ra khi người hiệp sĩ quỳ xuống xin phép chủ mình để giết một kẻ tấn công. Việc này là để trừ khử những kẻ ác, đấy là thiên chức của hiệp sĩ nên đối với hạng này, thì việc ấy không thể xem là sát sinh. Nhưng giết người chỉ vì mưu toan những mục đích cá nhân, vì dục vọng do ngã chấp thì đích thực là sát sinh hại mạng. Điều ấy chứng tỏ bất trung với chúa, bất hiếu với cha mẹ, và đổi cái tâm Phật thành quỷ tu la. Mặt khác, trong trường hợp một người tôi đáng phải chết cho chúa mà lại không chết, bỏ trốn vì hèn nhát, thì đấy là chuyển cái tâm Phật nơi họ thành ra súc sinh. Cầm thú không thông minh như người nên không biết phải hành động thế nào mới phải lẽ, chúng không biết đến danh dự nên chỉ có chạy đôn chạy đáo cố tìm cách thoát chết. Nhưng khi một hiệp sĩ samurai mà cũng có hành động như thế, không có ý thức danh dự, bỏ chạy không xấu hổ với bạn bè, thì không khác gì súc vật.
Ở Edo, tôi cũng có một ngôi chùa tọa lạc tại Azabu ở ven đô. Có một người giúp việc đã ở với tôi một thời gian khá lâu nên cũng có chút tin tưởng về tôn giáo. Có lẽ nhờ anh ta thường quan sát cung cách những thầy tu nên chịu ảnh hưởng phần nào. Một hôm vào lúc sẩm tối, một người trong số các đệ tử tôi sai anh ta đi có việc. Con đường đi phải ngang qua một vài vùng hoàn toàn không có nhà cửa xóm làng, nơi mà những kiếm sĩ thường phục kích giết khách lữ hành (CT. Vào thời ấy, những hiệp sĩ samurai thường ưa thử gươm bằng cách đứng tại những góc vắng vẻ, khiêu khích kẻ đi đường để kiếm cớ mà giết, vì theo luật lệ bấy giờ, hiệp sĩ có quyền giết người nào tỏ ra thiếu lễ độ và xúc phạm danh dự họ. ND.) Bởi thế về đêm không có an toàn ở những nơi ấy. Nhưng mặc cho mọi người cố ngăn cản, người tớ vẫn không nghe, cứ ra đi. Trên đường về trời đã tối, một kẻ sát nhân thuộc loại nói trên, đứng chực sẵn nơi vắng vẻ. Y cố sấn vào người tớ, rút kiếm la lên: "Tay áo ngươi động vào người ta. Ta không để cho ngươi thoát." Người tớ nói: "Tay áo tôi không động vào ngài." Rồi không suy nghĩ, anh ta cúi gập người vái chào hiệp sĩ ba cái. Khi ấy lạ thay, hiệp sĩ bèn tra kiếm lại vào bao- cây kiếm sắp giết người- nói: "Ồ, ngươi quả là một người lạ lùng. Thôi ta tha cho ngươi đi." Thế là người tớ thoát nạn. Nãy giờ một người buôn vào ẩn nấp trong một trà thất lân cận vẫn lén lút quan sát động tĩnh bên ngoài. Trong khi người này đang tự hỏi không biết anh chàng kia bị giết chưa, thì người tớ đã xuất hiện trước mặt. Người lái buôn nói: "Suýt nữa thì anh rồi đời. Làm sao mà anh nghĩ ngay được chuyện cúi lạy như thế?" Người tớ đáp: "Tôi ở chùa thấy các thầy tu thường cúi gập mình vái ba lạy. Vừa rồi, tôi nghĩ được rồi, nếu y muốn giết thì cứ để cho y giết. Và không suy nghĩ, tôi cứ theo thói quen vái ba lạy. Nhưng khi thấy thế, y lại nói anh thật lạ lùng, thôi tôi để cho anh đi. Và thế là tôi tiếp tục hành trình." Đấy là những gì người tớ ấy về thuật lại cho tôi nghe. Tôi nói: "Anh đã thoát chết nhờ luôn luôn giữ niềm tin." Và khi nghe chuyện ngay cả một kẻ sát nhân tàn bạo cũng có trái tim biết xúc động, thì tôi lại càng chắc chắn không ai có thể hoài nghi về Pháp Phật nhiệm mầu.
Vì tôi đi nhiều nơi, nên gặp đủ thứ chuyện. Tôi có một ngôi chùa nữa ở Ozu thuộc tỉnh Iyo, và hàng năm tôi thường đến ở đấy ít lâu. Chùa Ozu không phải như chùa này, đó là một cấu trúc khổng lồ. Mỗi khi tôi ở đấy thì hàng loạt rất đông khách thập phương kéo đến chật cả chùa gồm hai gian lớn một bên dành cho nam một cho nữ, mỗi bên có hai tiếp viên nam hai tiếp viên nữ để hướng dẫn cho có trật tự, và mọi người kính cẩn lắng nghe. Tất cả những người ở đấy đều đến từ vùng cách xa hai dặm.
Một lần có một người ở Ozu gả con gái cho một nhà ở vùng quê cách đó hai dặm (lý). Người con gái ấy sinh hạ một trai, nhưng hai vợ chồng này không ngớt gây gỗ nhau, cuối cùng sau một trận kịch chiến người vợ bỏ ra khỏi nhà, giao con lại cho người chồng và tuyên bố nàng sẽ trở về nhà cha mẹ ruột. Người chồng vừa cặp con trong nách vừa nói: "Nếu em về nhà cha mẹ thì anh sẽ liệng thằng bé này xuống sông." Nhưng người vợ nói: "Tốt lắm, nó là con anh, bây giờ tôi trả lại cho anh, anh cứ việc liệng nó xuống sông đi. Tôi không thiết." Người chồng bảo: "Em về thì về, nhưng không được đem gì theo ngoài một ít áo quần và tư trang." Nàng trả lời: "Đã ra khỏi cái nhà này, thì tôi không cần gì những thứ ấy." Nói xong nàng bỏ đi về Ozu. Tình cờ cô gái gặp những người đang đi đến chùa tôi để nghe pháp, nên thay vì về nhà cha mẹ, cô lại đi theo họ vào chùa nghe giảng. Cô nghe chăm chú những gì tôi nói hôm đó. Khi xong buổi giảng mọi người giải tán ra về, cô gái gặp một ông láng giềng của cha mẹ nàng. Khi ông này hỏi ngọn gió nào đưa đẩy nàng trở về như vậy thì cô gái kể: "Sáng nay vợ chồng tôi cãi nhau, tôi bỏ về nhà, nhưng về đến đây thì gặp đám người đi nghe pháp. Tôi nghĩ là dịp tốt nên thay vì về nhà cha mẹ, tôi theo họ vào nghe. Mọi lời trong buổi giảng này đều ứng vào hoàn cảnh riêng của tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Sự việc sáng nay tôi bỏ nhà chồng mà đi thật là hoàn toàn do lỗi của tôi. Chồng tôi không muốn tôi bỏ ra đi. Ảnh cùng mẹ ảnh đã nói hết lời để giữ tôi lại, nhưng tôi một mực không nghe, khiến họ cuối cùng cũng điên tiết. Nhưng bài pháp hôm nay đã cho tôi thấy tôi có lỗi như thế nào, bởi thế tôi sẽ không bỏ về lại nhà cha mẹ nữa. Tôi sẽ trở lại nhà chồng, xin tha thứ những điều quấy tôi đã làm, tôi sẽ hạ mình trước cả mẹ chồng và chồng, rồi kể cho họ nghe về bài pháp kỳ diệu hôm nay. Bởi vì nếu tôi không khuyến khích nhà chồng cùng quan tâm đến giải thoát giác ngộ thì việc nghe Pháp của tôi chưa thực sự có ích."
Người láng giềng nói: "Đã gây gỗ với chồng mà bỏ về như vậy rồi thì làm sao trở lại được nữa. Chi bằng cứ về nhà cha mẹ, rồi tôi sẽ đưa chị trở lại nhà chồng dàn xếp cho êm."
Người đàn bà bảo: "Không, không, êm hay không êm cũng chả sao, vì chung quy đấy là lỗi tại tôi, tôi phải đích thân hòa hoãn lại với nhà chồng. Vả lại, nếu bài pháp kỳ diệu này chỉ một mình tôi nghe thì thật uổng. Tôi muốn san sẻ với gia đình chồng và khuyên họ cùng học đạo giải thoát. Có như vậy thì sự nghe pháp của tôi mới thực có ý nghĩa."
Những người đi đường đều nghe câu chuyện giữa hai người đang đối đáp. Họ bảo nhau: "Cô kia thật đáng khen biết chừng nào. Chỉ nghe một bài Pháp mà nhận ra được lầm lỗi của mình, thực là tư cách tuyệt diệu nơi một người phụ nữ. Còn cái anh chàng kia thì đúng là loại quân sư quạt mo, cố khuyên nàng đừng có trở lại nhà chồng một mình, để cho anh ta cùng đi với, để ảnh dàn xếp giùm cho êm. Rõ là một thằng cha vô duyên hết cỡ. Y ta ở Ozu, đương nhiên đã nghe đi nghe lại nhiều lần bài giảng ấy, thế mà coi tề, hãy nghe y đưa ra một lời khuyên như mắm thối [6] ấy."
Thế là những người đi đường không ngớt chê trách anh chàng láng giềng kia, và bảo cô gái sau khi nghe cô tuyên bố sẽ một mình trở về lại nhà chồng: "Đúng đấy, thái độ của cô thật đáng khen. Hãy nhanh lên mà trở lại với nhà chồng."
Cô gái nói: "Vâng, tôi đi đây." Và quày quả trở về lại.
Hôm ấy tôi được một tộc trưởng ở Ozu mời về nhà. Khi tôi đến đấy, có nhiều người tới thăm. Họ nói, hôm nay bài giảng của ngài đã làm một phép lạ. Và họ kể lại câu chuyện như trên. Về sau, tôi lại còn biết được sự việc xảy ra sau khi người đàn bà trở lại nhà chồng. Cô ta đã nói với mẹ chồng và chồng như sau. Mặc dù không ai xua đuổi , con đã tự ý bỏ về. Nhưng chính nhờ thế mà con đã đến Ozu, do con có duyên với Phật pháp. Trên đường con gặp đoàn người đi chùa nghe giảng, nên con đã đi theo họ. Khi nghe giảng, con thấy điều nào cũng phù hợp với con. Càng nghe Pháp con càng nhận ra lỗi lầm của mình, nên sau khi nghe pháp, thay vì về nhà cha mẹ ruột thì con đã đi thẳng về đây. Chính vì con làm quấy nên đã khiến mẹ chồng và chồng tức giận. Từ nay trở đi con xin vâng lời mẹ chồng và chồng trong mọi sự, và bây giờ xin mẹ và chồng cứ trừng phạt con thỏa thích, con sẽ không oán hận chút nào, vì con muốn xin cả hai người tha thứ cho con." Nghe nàng nói vậy, cả hai đều bảo, nếu nàng đã thấy lỗi mình thì họ đâu còn giận hờn gì nữa. Thế là họ vui vẻ đón nàng về lại trong gia đình, và từ đấy cô gái cư xử lễ độ với mẹ chồng, hòa thuận với chồng rất mực. Thỉnh thoảng cô kể lại cho mẹ chồng và chồng nghe bài giảng đã làm cô thay đổi, và từ đấy mỗi khi tôi đến trong vùng ấy, thì cả gia đình đều đến nghe tôi.
Những người có duyên với Phật pháp như thế, nhờ nghe một bài giảng mà giải thoát khỏi hận thù gây gỗ - mặc dù họ chỉ là những người bình dân ít học - quả thực là điều kỳ diệu phải không? Tôi kể chuyện này ra với hi vọng rằng quý vị khi nghe xong cũng sẽ tự tạo cho chính mình một cơ duyên thấm nhuần Phật Pháp như vậy. Chính vì Tâm Phật vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên ngay cả một phụ nữ không hiểu biết gì cũng có thể nhờ y cứ vào đấy mà nên. Tất cả quý vị cũng thế, từ đây trở đi, hãy luôn hô triệu đức tin của mình lên để an trú trong Tâm Phật.
Câu chuyện hôm nay đã dài, có lẽ quý vị cũng đã mệt mỏi, vậy chúng ta hãy dừng ngang đây. Xin mọi người thong thả ra về, và trở lại ngày mai.
Trích TÂM BẤT SINH
Thiền Sư Bankei
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt
Nhà Xuất Bản Thanh Văn & Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh
Các tin tức khác
- 9 lời khuyên giúp bạn hạnh phúc trong cuộc sống (25/09/2016 11:28)
- Trả lời tiếng gọi Tỉnh Giác (25/09/2016 11:24)
- Tỉnh giác & Hiểu thương (25/09/2016 11:20)
- Lòng từ bi và thế giới (25/09/2016 1:46)
- Học (25/09/2016 1:38)
- Thái độ cần có khi đọc kinh Phật (25/09/2016 1:36)
- Tiểu kinh nghiệp phân biệt (24/09/2016 1:48)
- Nhắc nhở tu học (24/09/2016 1:40)
- Chúng ta nên nhìn lại để tìm kiếm cho đúng thứ mà ta cần cho hạnh phúc (23/09/2016 1:14)
- Chửi mắng và lời dạy của đức Phật (23/09/2016 1:04)