Phú quý vô thường nhanh tu lục độ

17/11/2016 2:08
Kính chào quý thầy, quý cô, cùng tất cả quý Phật tử! Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện. Câu chuyện này được trích từ Đại Trang Nghiêm Luận Kinh, quyển 3, kinh số 14, trong Đại Chánh Tạng quyển 4, trang 272a18-c16.

Ngày xưa, có một vị quốc vương, cùng với vị quan đại thần đi bộ trên đường, nhìn thấy năm trăm người ăn xin. Những người này vừa nhìn thấy nhà vua liền đồng thanh lớn tiếng nói: Xin hãy bố thí cho tôi! Xin hãy bố thí cho tôi! Nhà vua sau khi nghe xong, liền lãnh ngộ được, trong tâm suy nghĩ: “Những người ăn xin này, đến để nhắc nhở ta, trong quá khứ ta còn nghèo khổ bần cùng hơn những người này, nếu hôm nay không biết bố thí, sau này có thể sẽ như họ không khác”.
Nhà vua kể rằng: Những người này trong quá khứ, cũng đã từng rất giàu có. Họ có rất nhiều của báu, nhưng miệng lúc nào cũng nói: Tôi không có cái gì để có thể bố thí. Chính vì cái nhân như thế, cho nên cái quả hôm nay phải làm thân phận của một người ăn xin, phải chịu thiếu thốn, khổ sở. Hôm nay ta được làm quốc vương, nếu ta cũng nói: Ta không có thứ gì có thể bố thí, thì tương lai nhất định cũng sẽ như họ, sẽ gánh chịu quả báo nghèo cùng.

tien vang

Lúc đó có một vị đại thần, tên của ông ta là Thiên Pháp. Ông rất cung kính quốc vương, liền xuống ngựa chấp hai bàn tay lại, hướng về phía nhà vua thưa rằng: Những người ăn xin đó, ai ai cũng nói: Xin bố thí cho tôi! Xin bố thí cho tôi!
Quốc vương trả lời vị đại thần rằng: Ta nghe những lời như vậy, nhưng sự suy nghĩ của ta và của ông có chỗ không giống nhau. Theo ý ông thì những người ăn xin kia thiếu tiền và các vật dụng; nhưng theo ta hiểu thì không hoàn toàn như vậy.
Nhà vua bảo rằng: Những người xin ăn này có ý đến để thức tỉnh ta, giúp ta thấy được sự nghèo cùng của họ.
Những người ăn xin kia muốn nhắc nhở ta, chính họ đã phải nhận lấy cái quả bần cùng như thế, đều là do quá khứ đã từng tham lam keo kiệt, không gieo cái nhân bố thí, phóng túng và lường gạt, cho nên hôm nay phải chịu cái thân phận khốn đốn như thế. Sự thiếu sáng suốt của những người ăn xin này, thể hiện qua những ý dưới đây:

Họ nói rằng: Trong quá khứ chính họ đã từng làm vua, được làm vua như mặt trăng giữa các ngôi sao. Các ngôi sao bao bọc lấy mặt trăng, có các lọng báu che trên đầu, hai bên cũng có đông đảo tỳ nữ xinh đẹp hầu hạ, và các quan lính tài giỏi theo hộ vệ; mọi người nghe đến đều đứng sang một bên, nhường lối đi, làm một vị quốc vương thật là oai phong như thế.
Tuy có được rất nhiều điều tốt đẹp, kỳ diệu, nhưng vì quá khứ tham lam keo kiệt, không biết gieo nhân bố thí, cho nên hôm nay đành phải nhận lấy quả bần khổ.
Họ đang nhắc nhở ta rằng: Những thứ hạnh phúc đó sẽ làm mê muội cái tâm của ngài, nếu ngài không thể nhận ra, thì khổ cũng từ đó mà hiện hữu. Cho nên, thưa quốc vương! Ngài cần phải hiểu rõ, chúng tôi bây giờ khổ như thế này, đều do trong quá khứ từng bỏn xẻn, ngài đừng để như chúng tôi, cần phải phát tâm bố thí, đừng bao giờ bị sa đọa như chúng tôi.

Vị Đại thần nghe xong, cảm thấy vô cùng vui mừng, chấp hai tay và thưa với quốc vương rằng: Thưa bệ hạ! Như lời đức Phật dạy, nhìn thấy người khác đang chịu khổ, không nên xa lánh họ hoặc sanh tâm ghét họ, nên tự mình phản tỉnh. Quốc vương hôm nay đang dần thấm thía lời dạy của đức Phật, nhìn thấy những người ăn xin kia, mà có thể tỉnh ngộ. Lành thay! Đại vương! Suy nghĩ của ngài thật tường tận, có thể thấu suốt những việc như thế, còn có thể hiểu và phân biệt rõ ràng lời dạy của đức Phật. Nhà vua có thể hiểu được thật tướng, có khả năng dẫn dắt cả một quốc gia, xứng đáng là người đứng đầu đất nước! Thật không sai chút nào.Tại sao vậy? Bởi vì để có thể hiểu đúng ý nghĩa thâm sâu pháp của Đức Phật, đòi hỏi phải có trí tuệ, có cái nhìn đúng đắn thì mới có thể thông đạt được, chính vì thế mà nói rằng quốc vương là người làm chủ trong thiên hạ, thật không hổ thẹn chút nào.
Vị đại thần khi ấy nói bài kệ như sau: Địa chủ (nghĩa là miêu tả đức tính nhân từ của nhà vua, vì thương dân, nên cũng có thể gọi là người làm chủ đất nước), phải nên như thế, trong tâm không một niệm bỏ quên dân chúng. Cái tâm như thế là cao đến vô thượng; Được cái tâm như vậy thật không dễ chút nào, muốn tư lợi cho bản thân cũng khó mà làm được.

Thân người khó được, lòng tin lại rất khó sanh khởi, tài bảo là giả tạm, lại khó thỏa mãn, mà ruộng phước thì không dễ gì gặp được để gieo trồng.
Cũng như thế, có rất nhiều việc khó mà quy về một mối, ví như trong biển mênh mông, con rùa mù muốn chui vào lỗ trống của khúc gỗ nổi, khả năng ấy có thể nói vô cùng hiếm!
Thân người cũng thế, thật khó mà được. Cũng như con rùa, mạng sống của nó kéo dài rất lâu, một trăm năm mới nổi lên một lần; thế mà trong biển rộng vô bờ bến như thế có một khúc gỗ, ở giữa bị thủng một lỗ. Khúc gỗ trôi lênh đênh trên mặt biển; Rùa mù lại một trăm năm nổi lên một lần, lại chui vào đúng ngay cái lỗ, cơ hội này càng vô cùng hiếm thấy.
Thưa Đại Vương! Những chuyện khó tìm thấy như vậy lại cùng đến trong một lúc, đại vương đã đầy đủ tất cả phương tiện. Do đó, cầm phải nắm lấy nhân duyên này, không nên tùy tiện để tâm ý buông lung.

Thân người như lửa trong đá, như ánh sáng của điện, chỉ hơi buông lung liền không trở lại; Tuy được làm thân người, nhưng rất mong manh không thể giữ gìn được lâu dài.
Đợi đến lúc lâm chung, hai vai trĩu xuống, tay chân không nhấc nổi, tuy vẫn còn đi, đứng, nằm, ngồi, nhưng mỗi động tác không còn tự chủ được.
Hai mắt chầm chậm mở ra, giống như đang lúc sắp tử vong, đau đớn thống khổ, tuy có thân bằng quyến thuộc bên cạnh, nhưng nhìn thấy ngài sắp lìa xa, đều vô cùng thương tiếc, đau lòng rơi lệ.
Nếu họ đưa tay xoa nhẹ thân thể, an ủi, động viên tinh thần và khẽ nói: “Đừng sợ! Không có gì phải lo sợ!”. Tuy được mọi người vỗ về, an ủi như vậy nhưng cũng không mang lại lợi ích gì. Con đường vô thường cứ tiếp tục nối dài, nên càng thấm thía sự đau đớn.
Biết rõ cái cảnh biệt ly đến, đã bước qua gần hết cuộc đời, đang đi theo con đường tử vong dài đằng đẵng, dù có thêm nhiều báu vật hơn nữa, cũng không thể mang theo làm hành trang trên lộ trình sanh tử vô thường.

Khi các mạch máu không còn hoạt động, nét mặt của chúng ta cũng khó giữ được nguyên vẹn, thần chết đến thúc giục, chẳng khác nào đèn hết dầu, ánh sáng của đèn sẽ vụt tắt.
Đợi đến lúc đó, ai còn có thể thực hành bố thí, ai còn có thể trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định; Ai còn có thể tu trí huệ? Nên ngay từ bây giờ cần phải nỗ lực thực hành lục độ, đừng để vô thường đến, có hối hận cũng đã muộn màng.
Trong câu chuyện này, có mấy điểm chính nhắc nhở chúng ta. Khi thấy người đang chịu khổ, không được sanh tâm chê bai ghét bỏ. Tự mình cần cảnh giác: “Nếu mình không có tâm từ bi, hoặc không có một sự chuẩn bị cho tương lai, mà lại còn nói rằng tương lai chưa chắc có quả báo khổ như vậy” – Cần thức tỉnh!
Chúng ta cần phải suy xa nghĩ rộng hơn, tự mình nếu như thường có những cái bệnh kiểu như thế, cần phải sớm trừ bỏ, nên nhanh chóng chuyển hóa chúng, đừng lãng phí thời gian.
Lớp giáo dục Phật Pháp Phước Nghiêm, ngày 19 tháng 05 năm 2012

Trích “Phước Huệ Tập 3 – Thích Quán Như (Việt dịch)”

Các tin tức khác

Back to top