Tu và sự cởi bỏ bản ngã

30/12/2016 12:24
Tu là gì? Trước hết tu là tu sửa bản thân. Sao gọi là tu sửa? Ta vẫn là ta nhưng bao nhiêu năm nay vì không phân biệt được điều gì mang lại lợi lạc, không nhận biết được mọi sự là vô thường nên ta bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời, làm những việc mà chúng ta không lường hết hậu quả.

Bây giờ thì ta đã biết, đã phân biệt được sự nên hay không nên, vì vậy những điều gì trước đây sai khác với điều đó thì ta hãy ngừng lại. Sau khi ngừng không làm những điều sai trái như trước kia, ta phải tiếp tục làm những việc ngược lại. Đó, tu chính là như vậy, trước kia ta đã sát sanh quá nhiều thì bây giờ ta không sát sanh nữa, ngược lại ta còn tích cực phóng sanh. Trước kia ta quá keo kiệt bủn xỉn không giúp đỡ ai thì nay ta phải thường xuyên giúp đỡ mọi người, bố thí người nghèo. Điều quan trọng là ta hãy làm những hành động ấy với một tấm lòng chân thực, chứ không phải vì tôi muốn đánh bóng tên tuổi mà tôi làm từ thiện cho mọi người biết, không phải vì tôi phóng sanh vì muốn lấy lòng một ai đó. Những người làm như vậy không phải tu, họ chỉ đang làm việc đó vì một mục đích cho bản thân mà không nhằm mục đích an lạc.

Nói về việc sát sanh, những loài sinh vật trên quả địa cầu này không có loài nào là không ham sống cả, không có loài vật nào muốn con người ăn nuốt chúng cả. Ai cũng biết bất kỳ một loại động vật nào cũng biết quẫy vùng, gào thét khi bị con người giết hại. Những hình ảnh đó chúng ta thấy hàng ngày trước mắt, thử hỏi nếu chúng ta ở vị trí của chúng thì như thế nào. Có ai muốn mình bị sát hại hay không? Dĩ nhiên là không. Bản thân mình không muốn mình bị sát hại vậy mà chính chúng ta luôn sát hại các loại động vật (thậm chí là con người với nhau) với lý do “vật dưỡng nhân” thì thật không công bằng. Nếu vật là để dưỡng nhân thì con người để dưỡng cái gì? Con người có lý trí, có tình cảm, chúng ta cảm nhận được sự đau đớn của chúng, chúng cũng là sinh vật, chúng cũng có tình mẫu tử. Vậy thì quyền được sống không phải chỉ dành riêng cho con người, nó cũng dành cho tất cả các chủng loại sinh vật. Hãy dừng lại ngay từ bây giờ, hãy biết yêu thương chúng như yêu thương con người.

Trên con đường tu tập, phương cách tốt nhất mà Đức Thích Ca đã chỉ ra là phải dẹp bỏ hoàn toàn bản ngã: hãy xem thân này không phải là thân của ta, tướng này không phải là tướng của ta. Vì thân này không phải thân ta nên ta không khổ đau khi nó già yếu, tàn phai…Chỉ khi người ta dẹp bỏ được bản ngã thì người ta mới ngừng việc xây dựng cho mình những hình thức bề ngoài, những tưởng tượng vô bổ, những kiến tạo không lợi lạc. Tất cả những kiến tạo không lợi lạc, những sự bày vẽ bề ngoài hoàn toàn không mang lại sự an lạc trong thân tâm. Để đạt được sự an lạc, cần thiết phải tĩnh tâm và thiền định.

Đối với Đức Thích Ca, việc lạy ngài cũng chính là lạy bản thân mình. Đức Thích Ca tượng trưng cho sự gỡ bỏ những ràng buộc, sự giải thoát khỏi các phiền não. Ta lạy ngài có khác chi ta đang lạy hạt giống giải thoát trong bản thân mình. Thân này do tứ đại kết hợp thành, thì rốt cục hàng tỷ thân khác trên quả đất này đều chung một nguồn gốc. Việc quỳ lạy là một sự thể hiện sự tôn kính, nhưng khi chúng ta quỳ lạy tượng của ngài chúng ta cũng phải hiểu rằng ta đang quỳ lạy chính những đức hạnh cao cả của ngài mà chúng ta đang noi theo. Có rất nhiều người hiểu sai và thực hiện sai việc này, họ quỳ lại các tượng đất mà trong lúc quỳ lại họ lại cầu xin một điều gì đó. Họ nghĩ Đức Phật là một thế lực siêu nhiên có thể thỏa mãn những ước muốn ấy. Không phải, nếu quan niệm như vậy thì họ đã sai, đức Thích Ca chỉ là đạo sư cho chúng ta trên con đường giải thoát. Hơn nữa không lẽ Đức Thích Ca sẽ cho chúng ta đạt được một ước muốn chỉ vì chúng ta “hối lộ” bằng việc cầu xin, cúng hoa quả. Đức hạnh chỉ đạt được nếu thực hiện những việc thiện với một hồn chân thực, không cầu cạnh.

Nếu muốn bày tỏ sự tôn kính với Đức Thích Ca, xin đừng quỳ lạy họ, hãy thực hiện những điều ngài đã làm, những hạnh ngài đã giữ, những điều ngài đã dạy với một sự suy xét cẩn thận. Đức Phật dạy con người đừng làm vì si mê. Không phải ta làm theo Đức Phật chỉ bởi vì ông ta đã giải thoát được, đã đạt được những thần thông. Hãy làm theo những lời dạy ấy với một sự hiểu biết rõ ràng. Đừng làm những điều gì chỉ bởi bao đời nay người ta đã làm. Đừng làm những điều gì chỉ bởi những điều ấy được cho là đúng, là hiển nhiên. Không phải tất cả những gì mà nhiều người đã làm bao đời này là đúng, điều đó chỉ đúng nếu nó mang lại sự lợi ích cho bản thân và mọi người, cũng như mang lại sự an lạc. Rốt cục cũng không có đúng và sai, đúng và sai chỉ là những từ ngữ để phân biệt của con người. Cái cốt lõi là nhân quả, hễ có nhân thì sẽ có quả, mà nhân nào thì quả nấy. Người Phật Tử phải hiểu được những việc mình làm để có thể xác định được nhân quả, nếu những quả nào mang lại lợi lạc thì hãy làm.

 

Theo Chúng Ta

Các tin tức khác

Back to top