Thật vậy, Đức Phật còn có vô số ứng thân, nghĩa là Ngài hiện thân vào tất cả các loại hình thế giới, mà ở thế giới nào thì Đức Phật có ứng thân giống như chúng sanh ở thế giới đó. Vì vậy, khi xuất hiện trên thế gian này, Đức Phật phải mang thân tứ đại ngũ uẩn giống như loài người, để Ngài có thể sống gần gũi với mọi người, để Ngài có thể đồng cảm với mọi người, để Ngài hóa giải những vướng mắc khổ đau cho con người, để Ngài hướng dẫn họ ra khỏi kiếp sống lầm than trong sanh tử luân hồi.
Chính vì Đức Phật hiện thân trong loài người, cho nên mọi người cứ lầm tưởng Đức Phật cũng là người giống y như họ và lầm tưởng Đức Phật tu thành Phật được thì ai tu cũng thành Phật. Nhưng kỳ thực, trải qua suốt dòng lịch sử dài từ xa xưa cho đến ngày nay, trên thế gian này, chúng ta thấy chưa có người nào thành Phật cả; vì chưa ai thành tựu được Bồ-tát hạnh, tức chưa có đầy đủ phước đức và trí tuệ toàn hảo như Đức Phật. Điều này khẳng định tư cách ứng thân của Đức Phật ở thế giới Ta-bà.
Ngoài ứng thân, đồng thời Đức Phật còn có vô số hóa thân Thích Ca Mâu Ni. Ý này được Phật nói rõ trong kinhPháp hoa, phẩm Hiện bảo tháp rằng, để mở cửa tháp Đa Bảo, Đức Phật đã tập trung phân thân của Ngài ở khắp mười phương, vì các phân thân Phật đang đi giáo hóa các loài hữu tình chúng sanh. Như vậy, hóa thân Phật thường hiện hữu dưới tất cả các dạng hình khác nhau.
Vì thế, chúng sanh nào nghĩ đến Phật, thì Phật sẽ xuất hiện vào tâm họ và Ngài hóa giải phiền não trần lao của họ, làm cho họ được an vui giải thoát trong nhứt thời. Chính lúc nhận được lực tác động của Phật mà tâm họ trở thành thanh tịnh giải thoát, thì ngay niệm tâm thanh tịnh đó, họ được coi là Phật. Và niệm tâm kế tiếp không còn thanh tịnh thì không thể là Phật nữa.
Với yếu nghĩa của hóa thân Phật như vậy, chúng ta thấy có vô số hóa thân Phật, chẳng những người xuất gia, mà cả cư sĩ tại gia cũng có thể nương lực Phật vượt qua những khó khăn và thành tựu được những việc khó như Phật. Tuy nhiên, cần hiểu rằng điều này chỉ đạt được trong nhứt thời mà thôi, không phải được vĩnh viễn.
Và nói đến hóa thân là nói đến tính chất linh hoạt vô cùng của hóa thân mà kinh điển thường diễn tả là thiên bá ức hóa thân. Vì thế, Đức Phật khẳng định rằng chỉ cần một niệm tâm tốt của chúng ta sanh ra là Phật ra đời; một niệm tâm xấu của chúng ta khởi lên là Phật nhập diệt; một niệm tâm chúng ta không nghĩ đến Phật là không có Phật. Nói cách khác, Đức Phật đản sanh trong từng sát-na tâm của con người.
Còn Đức Phật hằng hữu miên viễn bất tử là Đức Tỳ Lô Giá Na, là nguồn ánh sáng vô tận từ vô thỉ kiếp quá khứ cho đến tận vị lai không cùng, vẫn luôn tỏa sáng cho muôn loài trong Pháp giới, không thay đổi, không mất mát.
Trên bước đường đi theo dấu chân Phật, mỗi người chúng ta tiếp nhận được nguồn ánh sáng vô tận giải thoát của Đức Phật nhiều hay ít tùy theo công phu tu tập của chính mình.
Trong mùa Phật đản, chúng tôi cầu mong tất cả mọi người thường sống trong ánh sáng từ bi và trí tuệ của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật.
HT. Thích Trí Quảng
(Nguyệt san Giác Ngộ)
Các tin tức khác
- Con dân của ngài ( 8/12/2016 1:22)
- Lợi ích của lòng tin ( 7/12/2016 2:18)
- Pháp là bản chất của thiên nhiên ( 7/12/2016 2:07)
- Trải nghiệm không phải là một nỗ lực ( 6/12/2016 1:42)
- Tất cả đều là Giáo Pháp cho ta học hỏi ( 6/12/2016 1:14)
- Nói ít, hiểu nhiều ( 5/12/2016 1:30)
- Vô thường là chân lý ( 5/12/2016 1:13)
- Đức Phật có làm cho người chết sống lại không? ( 4/12/2016 1:21)
- Vô thường có nghĩa là sự vật không cố định hay trường tồn ( 3/12/2016 1:35)
- Tùy duyên là để phá cái ngã kiến ( 3/12/2016 1:25)