Người bạn đáp: “Tôi không thể nói cho anh biết thiền là gì, nhưng có một điều chắc chắn là nếu anh hiểu được thiền, anh sẽ không còn sợ chết.”
Kusuda nói: “Thế cũng tốt. Tôi sẽ thử xem. Tôi có thể tìm thầy ở đâu?”
Người bạn bảo anh ta: “Hãy đến chỗ thiền sư Nan-in.”[25]
Thế là Kusuda tìm đến chỗ ngài Nan-in. Anh ta mang theo một con dao găm dài khoảng hơn một gang tay để xác định xem bản thân vị thiền sư này có sợ chết hay không.
Vừa nhìn thấy Kusuda, ngài Nan-in đã lớn tiếng chào ngay: “Ô kìa, anh bạn. Anh có khỏe không? Đã lâu rồi chúng ta không gặp!”
Điều này làm cho Kusuda lúng túng, anh nói: “Nhưng chúng ta chưa từng gặp nhau!”
Ngài Nan-in đáp: “Đúng vậy! Ta đã nhầm anh với một y sĩ khác đang học thiền ở đây.”
Với một khởi đầu như thế, Kusuda mất đi cơ hội để thử nghiệm vị thiền sư. Vì thế, anh ta miễn cưỡng hỏi xem mình có thể học thiền với ngài hay không.
Ngài Nan-in đáp: “Thiền không phải là chuyện khó. Nếu anh là thầy thuốc, hãy chữa trị bệnh nhân với một tấm lòng tốt. Đó chính là thiền.”
Kusuda tìm đến ngài Nan-in ba lần, lần nào ngài cũng chỉ nói với anh một điều tương tự: “Một thầy thuốc không nên phí thời gian nơi đây. Hãy trở về chăm sóc bệnh nhân của anh.”
Kusuda không sao hiểu được vì sao những lời dạy như thế lại có thể trừ bỏ được nỗi sợ chết. Vì thế, khi tìm đến ngài Nan-in lần thứ tư anh than phiền: “Người bạn của con nói rằng khi học thiền rồi thì người ta không còn sợ chết. Nhưng mỗi lần con đến đây, thầy chỉ dạy con về chăm sóc bệnh nhân. Con đã quá rõ điều đó rồi. Nếu cái gọi là thiền của thầy chỉ có thế thôi thì con sẽ không đến đây học nữa.”
Thiền sư Nan-in mỉm cười vỗ về: “Ta đã quá nghiêm khắc với anh. Thôi để ta cho anh một công án.”
Và ngài trao cho Kusuda công án “chữ không của Triệu Châu”[26] để nghiền ngẫm. Đây là công án khai ngộ đầu tiên trong sách Vô môn quan.[27]
Kusuda nghiền ngẫm mãi về công án “chữ không” này trong 2 năm. Lâu dần, anh nghĩ là anh đã đạt đến một trạng thái tâm thức nhất định nào đó, nhưng vị thầy của anh nhận xét: “Anh vẫn chưa vào được.”
Kusuda tiếp tục tập trung nỗ lực thêm một năm rưỡi nữa. Tâm hồn anh trở nên tĩnh lặng. Mọi vấn đề đều tan biến. “Cái không” trở thành chân lý. Anh chữa trị cho bệnh nhân rất tốt, và không biết từ lúc nào anh đã không còn bận tâm đến chuyện sống chết.
Và khi anh đến thăm ngài Nan-in, vị lão sư này chỉ mỉm cười.
Trích Gõ Cửa Thiền (101 câu chuyện thiền) - Nguyên Minh dịch và chú giải
Các tin tức khác
- Vô thường là chân lý ( 5/12/2016 1:13)
- Đức Phật có làm cho người chết sống lại không? ( 4/12/2016 1:21)
- Vô thường có nghĩa là sự vật không cố định hay trường tồn ( 3/12/2016 1:35)
- Tùy duyên là để phá cái ngã kiến ( 3/12/2016 1:25)
- Hạnh phúc ở thế gian không phải là hạnh phúc tối thượng, tuyệt đối ( 2/12/2016 2:12)
- Tâm của chúng ta luôn luôn thay đổi ( 2/12/2016 1:54)
- Tôn trọng người là tự trang nghiêm chính mình ( 1/12/2016 2:34)
- Sự nghiệp trí tuệ của người tu ( 1/12/2016 2:27)
- Đức khiêm hạ (30/11/2016 2:13)
- Sự khôn ngoan của con chim (30/11/2016 2:07)