Người biết sống với đức khiêm hạ là người luôn trao ra lòng yêu thương đến mọi người, mong muốn mọi người vui vẻ và hạnh phúc, đồng thời tâm mình luôn thanh thản an lạc và vô sự.
Đức khiêm hạ thường thể hiện qua từng hành động, lời nói và suy nghĩ không khoe khoang hay nói:
Những gì mình biết, mình giỏi (nấu ăn giỏi, chuyên môn, …)
Những gì mình có (của cải, sự giàu sang từ cái nhà, chiếc xe, quần áo model nhất, thức ăn ngon, vật dụng điện tử mới nhất, cho tới những vật dụng nhỏ nhất trong nhà)
Những gì mình đã đạt được, đã làm được (đã học xong bằng tiến sĩ, vừa mới ráp được một hệ thống chống trộm,…)
Những gì mình hiểu (lời dạy của Phật, của Chúa, của vị nào đó, của ai đó,…)
Về những bằng cấp, chứng chỉ, bằng khen, huy chương,…
Về những việc làm tốt, việc làm từ thiện, những việc giúp người, giúp thú vật, giúp thành phố bằng cách bỏ thời gian, công sức, trí tuệ, tiền của, vật chất hay những lời khuyên,…
Về những quan hệ của mình với những người có danh, có thế lực, nổi tiếng, giàu sang hay có đức trọng,…
Về cái đẹp, cái thông minh, sự giàu sang, sự hiểu biết hay học thức, cái tài, gia đình, dòng họ, dân tộc, đất nước của mình.
Không thổi phồng hoặc tự đánh giá cao về mình.
Ngoài ra những người khiêm hạ còn
Không tham gia vào những trò thi đấu hơn thua, tranh tài.
Không tham gia vào những nơi đông đúc, ồn náo mà chỉ thích sống một mình, trầm lặng tư duy về cuộc sống thiện ác để tránh xa điều ác, tăng trưởng điều thiện.
Tránh xa những người giàu có, có thế lực, có uy quyền, …
Làm việc gì cũng không cần ai khen, chỉ biết làm tốt, làm cho xong việc và rất cẩn thận.
Biết sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Luôn làm theo ý kiến, yêu cầu, quyết định, đề nghị của người khác để người vui, mình vui. Không bao giờ làm theo ý mình, cho ý mình là hay là đúng nhất,…
Người khiêm hạ biết sống nhẫn nhục với mọi lời nói xấu, ác, độc của mọi người, không buồn giận mà ngược lại trao ra lòng yêu thương đối với những người không thích mình.
Luôn thấy mọi quyết định của người khác là đúng. Không tranh cãi đúng sai. Vui vẻ với quyết định của mọi người.
Luôn thưa hỏi người khác trước khi làm việc gì mà không tự ý làm theo ý của mình.
Ai nói gì, khen hay chê, nói tốt hay xấu, nói về người khác thì người khiêm hạ đều im lặng không bình luận đúng sai, phải trái.
Không nhiều chuyện phân tích chuyện của người, chuyện đời, chuyện kinh tế, chính trị của xã hội,…
Không tự nói lên ý kiến của mình mà chỉ trả lời những gì người khác hỏi.
Ăn mặc giản dị, gọn gàng sạch sẽ.
Sống đơn giản, không cầu kỳ, khoe trương ta cũng có thứ này thứ nọ như mọi người, không chạy theo vật chất thế gian, không chạy theo cách sống của người khác. Họ sống rất thiểu dục tri túc, không ăn xài phung phí, biết suy nghĩ tính toán, tư duy kỹ trước khi làm điều gì.
Biết lắng nghe người khác, không chú trọng “cái tôi”, mà biết quan tâm đến vấn đề của người khác.
Luôn không ngừng học hỏi những cái hay của mọi người xung quanh, chứ không bó chặt, cố chấp, bảo thủ vào những gì mình biết.
Luôn nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người.
Luôn sống cung kính và tôn trọng mọi người dù là một em bé, người nhỏ tuổi, người nghèo hèn, người hầu, người không quen biết, phụ nữ, người tàn tật, người tội phạm, người bị xã hội ruồng bỏ, người đến sau, người mới,....
Luôn nhường nhịn, nhún nhường người khác như nhường cho người khác làm trước, nói trước, đứng trước, nằm trước, ăn trước, nghỉ trước, ngồi trước, đi trước, nói chung là nhường quyền ưu tiên cho người khác kể cả nhường giải thưởng, vị trí cao nhất, chức vụ cao, quyền hành, bổng lộc cho người. Nhường nhịn những gì ngon nhất, đẹp nhất, hay nhất, tốt nhất, tiện nhất, phù hợp nhất,… cho người.
Luôn mong mọi người chỉ lỗi cho, chỉ chỗ sai, chỉ cái xấu của mình để sửa đổi thành tốt hơn.
Luôn tự đánh giá về những gì mình làm là chưa hoàn hảo, chưa toàn diện, chưa đủ, chưa chất lượng, chưa tốt. Do vậy mà luôn muốn lắng nghe mọi người góp ý kiến sửa đổi để tốt hơn.
Khi thưa hỏi thì dùng danh từ lịch sự như “Kính thưa, dạ, thưa,…” , xưng hô, chú, bác, anh, chị, em,... hoặc gọi tên.
Không so sánh mình với bất kỳ ai, hơn thua kém hoặc bằng người.
Người khiêm hạ sống để phục vụ người, mang lợi ích đến cho người chứ không phải mong rằng sống để người khác phục vụ mình.
Người khiêm hạ khi làm việc tốt không cần ai biết, không mong người khác trả ơn và không mong có phước báu gì cả.
Người khiêm hạ luôn sống ly dục ly ác pháp, vì nếu không biết sống ly dục thì sẽ bị ác pháp chi phối, ác pháp chi phối thì tâm tham sân si mạn nghi đều đầy đủ và lộ ra ngoài.
Họ luôn thấy mọi người là người tốt, người thiện, người lành.
Họ không tự nhiên làm bất kỳ việc gì, ai sai bảo việc gì thì làm, còn không có việc gì thì ngồi chơi thanh thản, an lạc và vô sự.
Khiêm hạ thừa nhận sự thiếu khiêm hạ của mình.
Tóm lại khiêm hạ là một đức hạnh diệt ngã xả tâm, giúp cho tâm hồn thanh thản an lạc và vô sự, người khiêm hạ
Không khoe khoang,
Không đề cao bản thân,
Không cần tạo ấn tượng với ai,
Không tỏ ra mình hơn người khác,
Không cần lôi kéo sự chú ý của ai về mình,
Không bao giờ tự mãn về những điều mình có, mình đạt được hay mình biết, mà luôn mở lòng học hỏi, trau dồi từng lời nói, hành động, suy nghĩ và từng cử chỉ nhỏ nhặt.
Luôn sống cung kính và tôn trọng mọi người.
Luôn biết nhún nhường chứ không tranh dành.
Luôn nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người.
Tóm lại, đức khiêm hạ dễ đưa mọi người đến gần nhau, làm lan tỏa mối thân thiện giữa môi trường làm việc cũng như trong quan hệ bằng hữu, tình yêu, giao tiếp, ngoại giao,…. Trong môi trường xả hội ngày nay, ở đâu có đức khiêm hạ ở đó sẽ có lòng yêu thương, sự hòa hợp và đoàn kết. Người càng giỏi ở vị trí cao như quản lý, quản trị, lãnh đạo sống với đức khiêm hạ thì càng được mọi người cung kính và tôn trọng.
Theo Rèn Nhân Cách
Các tin tức khác
- Sự khôn ngoan của con chim (30/11/2016 2:07)
- Món quà của sự chờ đợi (29/11/2016 1:32)
- Tùy duyên là linh động, là không cố chấp (29/11/2016 1:05)
- Lục hòa (28/11/2016 1:25)
- Tu tập - tọa thiền (27/11/2016 1:37)
- Mong manh và ngắn ngủi (27/11/2016 1:27)
- Mở bàn tay ra (26/11/2016 1:36)
- Nhận ra bản tánh chân thật của mình (26/11/2016 1:29)
- Hoàn cảnh nào cũng có thể tu được (25/11/2016 1:34)
- Bài học đạo lý từ sự cúng dường (23/11/2016 11:48)