Tùy duyên là để phá cái ngã kiến

3/12/2016 1:25
Tùy duyên là để phá cái ngã kiến, tức cái kiến chấp ngã.

Bởi vì chúng ta luôn luôn thấy có cái ta thật, có vật thật, có người thật, tất cả đều thật, rồi cái thấy, cái nghĩ của ta cũng thật luôn, cho nên mới cố chấpbám vào một chỗ. Với thế gian thì luôn luôn là sao? Ta nói một là một, hai là hai, chớ không thể thay đổi. Mình bảo vệ tối đa cái nghĩ của mình. Chính vì vậy cho nên mới có đấu tranh, mới có chết chóc, bởi vì ta nghĩ như vậy là phải, khác đi là không được. Nhưng cái gì là cái nghĩ của ta? Xét cho kỹ thì cái nghĩ của ta cũng không có gì cố định, mình nghĩ vậy ít bữa rồi cũng đổi ý nghĩ khác, nó không có cố định, không có Thật thể.

Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật có dạy: “Như Lai nói ngã kiến tức chẳng phải ngã kiến, đó gọi là ngã kiến.” Nghĩa là, nói cái ngã kiến không phải thật có, chỉ do cái lầm chấp của người thôi. Mình nghe nói có cái kiến chấp, có cái chấp ngã thì mình tưởng đâu có cái chấp ngã thật, chớ sự thật Ngài nói đó chỉ là cái mê lầm, cái vọng chấp của mình chớ không có thật. Như cái nghĩ của ta, xét cho kỹ, tìm cho tột cái gì là cái thể cố định cái nghĩ của ta thì tìm không ra, chỉ không ra.

Khi xét tột được như vậy tức là mở sáng được con mắt Bát-nhã, thấy được cái lầm như vậy thì hết lầm. Mới thấy cái nghĩ của ta không có gì là cố định thì làm sao mà bám chắc ? Không bám chắc vào một chỗ thì mới có tùy duyên, cho nên nói tùy duyên là phá cái ngã kiến, phá cái chấp chặt một chỗ, chấp chặt là ta nghĩ như thế là phải.Sự thật là không có cái ta nghĩ cố định thật được.

Một chuyện đơn giản tầm thường, thí dụ một viên kim cương đối với cái nghĩ của mình là quí, nhưng nếu đem cho đứa bé thì sao? Nó làm viên bi nó bắn chơi. Như vậy cái nghĩ của ai đúng? Tùy theo tâm tưởng của người thôi, mình quen suy nghĩ như vậy rồi mình cho như vậy là đúng chớ sự thật chưa hẳn là đúng với người khác. Mình nghĩ nó quí nhưng với đứa bé nó thấy giống như viên đạn nó bắn chơi thì có gì đâu là quí. Nếu mình thấy nó đem bắn chơi rồi mình chấp vào cái nghĩ của mình là đúng, mình rầy phạt nó thì sao? Là cố chấp, rồi khổ.

Hiểu như vậy mới thấy tùy theo tâm tưởng của người mà thành ra có cái nghĩ sai khác chớ không có cố định, là bớt chấp. Ở đây nói bớt chấp thôi, chớ nói hết chấp thì chưa. Bớt chấp thì bớt khổ. Học thiền cởi được những tình chấp của mình ra cho nhẹ bớt.

Ở trong Tuyệt Quán Luận có một đoạn, có người đặt câu hỏi: “Con thấy người học đạo phần nhiều họ chẳngchuyên cần giữ giới luật, cũng chẳng chăm lo gìn giữ oai nghi, cũng chẳng giáo hóa chúng sanh mà cứ mặc tình sống thoải mái thì đó là ý gì?” Trong đó đáp: “Nhưng bên trong thực hành không có gián đoạn.” Bên ngoài nhìn giống như thoải mái nhưng bên trong người ta thực hành không có gián đoạn thì đó mới gọi là khéo tùy duyên.

Có những trường hợp các ngài làm như vậy để phá cái niệm chấp về sạch, về nhơ. Thí dụ như chấp ta đây tu hành thanh tịnh, ta đây tu hành đàng hoàng. Nhưng có ai nói mình tu hành không thanh tịnh, không đàng hoàng thì sao? Thì tức giận, đó là chấp vào cái thanh tịnh của mình, tới chừng người ta nói không thanh tịnh thì nổi giận. Còn ở đây là phá cái niệm sạch nhơ, ai nói sao thì nói, không thành vấn đề với mình.

Nhưng điểm này cũng phải xét ngược lại. Tuy là vậy nhưng không phải dễ bắt chước, bởi vì cũng dễ lầm. Nghe nói làm những chuyện như vậy là sống không chấp vào hình thức rồi mình cũng bắt chước làm như vậy để cho giống như tự tại, nhưng đó là bắt chước chớ không phải sống thật sự. Ở đây cần phải chú ý, điểm quan trọng là tuy bên ngoài như vậy nhưng bên trong thì thực hành không có gián đoạn, tức là bên trong luôn luôn sáng ngời, không có mê thì mới là lẽ thật, chớ theo cái kiểu bắt chước làm như vậy mà đụng đâu dính đó thì không phải.

Cũng có trường hợp làm như vậy để tỏ ra ta đây là người hiểu thiền, ta đây là người không chấp gì hết, là người sống tự tại. Nhưng nói ta không chấp gì hết mà chính cái đó lại thành ra chấp, tức là “chấp vào cái không chấp”.Thường người ta chấp cái này chấp cái kia, nhưng bây giờ chấp trở lại cái không chấp, tức là ta không chấpcho nên mọi chuyện coi như không thành vấn đề. Cái đó mới là cái nguy hiểm, chấp vào cái không chấp lại là bệnh. Nhưng bệnh mà lại không biết bệnh nên mới khó trị, làm sao mà trị? Nên nhớ đây là chỗ thực sống của các vị đã sáng tỏ được đạo, nếu không được như vậy thì không được bắt chước.

Ở đây còn một điểm nữa, phải nhớ là khi chúng ta nói rằng làm như vậy để phá cái tâm phân biệt, thì còn có tâmphân biệt không? Chưa sạch hết phân biệt mới phá, chớ sạch hết rồi thì phá cái gì nữa? Như vậy thì cũng chưa phải thật sự tự tại, đó là chỗ mình phải thấy cho kỹ. Đừng nói rằng tôi làm vậy là để phá chấp, tôi tự tại rồi, nhưngsự thật nếu đã hết chấp thì phá cái gì? Còn phá tức là còn phân biệt, còn phân biệt tức chưa tự tại. Cho nên nếu nghe ai nói tôi phá chấp thế này, tôi phá chấp thế kia, tức là còn chấp mới phá, chưa phải thật hết đâu. Đó là những điều phải thấy cho thật tế nhị.

 

HT. Thanh Từ - Trích Sống Với Hai Chữ Tùy Duyên

Các tin tức khác

Back to top