1/12/2016 2:27
Đức Thích Ca không bằng lòng với lối trị bệnh này. Ngài muốn sử dụng tận lực trí tuệ của con người, dùng niệm-định-tuệ để khám phá ra bản chất thật của sự sống. Cuối cùng Ngài đã tìm ra Niết bàn, Niết bàn là bản chất không sinh không diệt. Những cái mình thấy có sinh có diệt chỉ là biểu tượng bên ngoài mà thôi.
Quán chiếu một đám mây mình thấy nó không có sinh cũng không có diệt. Trước khi có đám mây thì đám mây đã có dưới hình thức của ánh sáng mặt trời, của sông hồ. Sau khi đám mây không có nữa thì nó vẫn còn dưới hình thức của cơn mưa, của ruộng đồng, của ngàn dâu xanh tốt. Dùng Niệm - Định - Tuệ để quán chiếu, để đi sâu vào, mình khám phá ra được thế giới vô sinh bất diệt và mối ưu tư đó tan biến không còn nữa. Đó là cái mà đạo Bụt cống hiến cho con người để đối trị với ưu tư kia.
Là người tu, là con người có ý thức, mình tin vào Phật thân, tin vào khả năng có thể với tới cái thấy, cái hiểu của mình. Nhờ Tăng thân và Pháp thân mình đạt tới Phật thân, đạt tới cái thấy giải phóng cho mình ra khỏi những ưu tư, lo sợ tại vì bản chất của mình là vô sinh bất diệt. Như một đợt sóng rất sợ sinh diệt, lên xuống, nó tự hỏi: “Bây giờ tôi ở đây nhưng một lát nữa thì tôi không có!” Nó lo lắng, đau khổ. Nhưng khi khám phá ra mình đã là nước rồi thì nó không còn lo lắng, đau khổ nữa. Có hay không có không còn là vấn đề, lên hay xuống cũng là vui. Vì vậy, Niết bàn là chỗ mát mẻ, vững chãi, không còn ưu tư. Mục đích của sự tu học là tiếp xúc được với Niết bàn. Niết bàn trong giây phút hiện tại mà không phải là một sự hứa hẹn trong tương lai ở một cõi khác.
Ba triệu năm không có ý nghĩa gì, con người còn rất trẻ trên trái đất này. Thời gian từ khi mình đứng dậy và sử dụng hai tay cho đến bây giờ chỉ có ba triệu năm mà chúng ta đã sản xuất được những vị Bụt, những vị Bồ tát. Đó là một sự mầu nhiệm rất lớn, mình phải tiếp nối sự nghiệp này, sự nghiệp của trí tuệ. Trong đạo Bụt nói: Sự nghiệp lớn nhất đáng để chúng ta theo đuổi là sự nghiệp trí tuệ. Duy tuệ thị nghiệp 惟 慧 是 業, đó là bốn chữ trong kinh Bát Đại Nhân Giác: Chỉ có trí tuệ mới xứng đáng là sự nghiệp của mình mà thôi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Đức khiêm hạ (30/11/2016 2:13)
- Sự khôn ngoan của con chim (30/11/2016 2:07)
- Món quà của sự chờ đợi (29/11/2016 1:32)
- Tùy duyên là linh động, là không cố chấp (29/11/2016 1:05)
- Lục hòa (28/11/2016 1:25)
- Tu tập - tọa thiền (27/11/2016 1:37)
- Mong manh và ngắn ngủi (27/11/2016 1:27)
- Mở bàn tay ra (26/11/2016 1:36)
- Nhận ra bản tánh chân thật của mình (26/11/2016 1:29)
- Hoàn cảnh nào cũng có thể tu được (25/11/2016 1:34)