Trong chúng ta ai cũng có trái tim yêu thương và hiểu biết, chính vì thế rèn luyện nhân cách để vượt qua những khó khăn, do ta hoặc do người khác làm ra. Cuộc sống này luôn có ngày và đêm, hạnh phúc và đau khổ, sự sống và cái chết...
Người đã thật sự khôn lớn trưởng thành sẽ nhận thức được cả hai mặt này của cuộc sống theo nguyên lý duyên sinh cái này có thì cái kia có, cái này không cái kia không. Họ biết chấp nhận những nỗi buồn và cả niềm vui, biết hướng tới thành công và sẵn sàng nhận thất bại để tìm cách vươn lên và sự sống chết này là quy luật tất yếu nên ta ít đau buồn trong mất mát.
Bởi vì chúng ta nhờ học hỏi, nhờ quán chiếu, nhờ suy xét, nhờ chiêm nghiệm mà biết cách làm chủ bản thân, chúng ta có thể chấp nhận đau đớn, thất vọng và tìm cách thay đổi hoán chuyển tình thế, nhờ ý thức rằng: Tất cả những khó khăn chỉ là thử thách, là cơ hội để ta rèn luyện và lớn lên trong cuộc sống này.
Giá trị sự cho đi
Khi chúng ta biết cho đi giá trị tích cực nào đó, trong đó có giá trị về tinh thần, giá trị về vật chất, trên thực tế là chúng ta đang nhận lại nó. Nếu chúng ta chưa đủ duyên để nhận lại trong hiện tại, thì cũng sẽ nhận lại trong thời gian gần nhất, cũng có thể sau vài tháng, sau vài năm, sau vài chục năm.
Nhân đã gieo dù trăm kiếp nghìn đời vẫn còn, khi hội đủ nhân duyên quả tốt sẽ đem đến trái ngọt. Giàu sang phú quý cuộc sống đầy đủ, gia đình hạnh phúc là bởi vì chúng ta biết cho đi đúng cách. Biết cho đi đúng cách chúng ta sẽ nhận lại nhiều hơn thế nữa, vì sự cho ấy với tấm lòng rộng mở nên ta và người đều an lạc, hạnh phúc.
Bí quyết thành công
Người có ý chí biết định hướng đúng cuộc đời, với họ việc thành công sẽ đến chỉ sớm hay muộn mà thôi. Thành công không phải là chuyện dễ dàng như chuyện ngon cơm ngọt canh mà ta lầm tưởng. Mọi việc trở nên khó khăn khi bị nhiều người trù dập, khống chế bởi một thế lực phi đạo đức mang tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, phát xít độc tài do không tin sâu nhân quả.
Mỗi khi thất bại chúng ta đừng thất chí nản lòng, đừng than vãn trách móc tại bị thì là…và quan trọng hơn nữa là đừng bỏ cuộc nửa chừng. Với một quyết tâm cao độ, với ý chí sắt đá, với nhận thức làm mới, ta sẽ làm chủ được bản thân, làm chủ được vận mệnh của mình.
Hãy đứng dậy sau khi vấp ngã, hãy tinh tấn mãi không ngừng, chúng ta sẽ nắm lấy tương lai và sẽ thành công trong một ngày gần nhất. Hay nói cách khác, chính ta là người biên kịch, người đạo diễn và cũng là diễn viên cho bộ phim cuộc đời mình. Chỉ cần chúng ta khởi lên tâm huyết làm mới lại chính mình vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Chúng ta sẽ suy xét chiêm nghiệm, nỗ lực lại với những phương pháp tốt hơn cho đến khi nào chúng ta đạt được mục đích thì thôi!
Khi tâm từ phát khởi
Khi năng lượng từ bi đã được thực tập và hiển lộ, chúng ta sẽ sống bằng trái tim hiểu biết, nhờ vậy ta có khả năng hóa giải được các oan trái và hận thù. Con người muốn phát khởi lòng từ bi, trước tiên phải biết giữ giới không giết hại, không giam tham trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người và dùng các chất kích thích độc hại. Ngược lại, còn hay giúp đỡ sẻ chia và sẵn sàng san sẻ cho người khác khi cần thiết.
Lòng từ bi là chất liệu sống của người có nhân cách đạo đức, sẽ tạo ra môi trường sống thân thiện, sống hòa hợp, tránh xung đột, kêu gọi hòa giải và không gieo nhân ân oán thù hằn. Khi lòng từ bi đã phát khởi thì bản thân sẽ sống yêu thương, bao dung, tha thứ và độ lượng, gia đình trên thuận dưới hòa, đất nước sẽ giảm bớt tệ nạn xã hội mà sống với nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Sống sao cho xứng đáng
Cuộc sống thì quá ngắn, hành trình một kiếp người, chỉ có vậy thôi sao? Thời gian là quý giá, biết ơn và đền ơn, hãy làm gì có ích, vì giống nòi nhân loại, biết phát huy tinh thần, đạo pháp và dân tộc, để làm tròn trách nhiệm, mà đóng góp sẻ chia. Tiếc thay một kiếp người, không giúp gì cho ai, do hiểu biết sai lầm, mà đánh mất chính mình, trong đau khổ lầm mê. Người trí cùng kẻ ngu, khác nhau chỗ nhận thức, kính dâng chút lòng thành, những gì tốt đẹp nhất, sẽ đến với mọi người.
Mục đích tu của người Phật tử tại gia là gì? Tu là để biết cách làm chủ bản thân, làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội. Tu là để làm cho mình có phước báu hơn, giàu sang hơn, hạnh phúc hơn, từ bi hơn, vị tha hơn, nhưng không đắm nhiễm và dính mắc. Tu là để chuyển họa thành phúc, chuyển mê thành ngộ, chuyển khổ thành vui. Cốt lõi việc tu là tránh ác làm lành, sống đời đạo đức và giải quyết nỗi khổ niềm đau để mình và người cùng vui sống trong hòa hợp.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Các tin tức khác
- Sức khỏe, trường thọ và sắc đẹp (25/12/2016 1:38)
- Đức Phật đản sanh trong từng sát na tâm của con người ( 8/12/2016 1:28)
- Con dân của ngài ( 8/12/2016 1:22)
- Lợi ích của lòng tin ( 7/12/2016 2:18)
- Pháp là bản chất của thiên nhiên ( 7/12/2016 2:07)
- Trải nghiệm không phải là một nỗ lực ( 6/12/2016 1:42)
- Tất cả đều là Giáo Pháp cho ta học hỏi ( 6/12/2016 1:14)
- Nói ít, hiểu nhiều ( 5/12/2016 1:30)
- Vô thường là chân lý ( 5/12/2016 1:13)
- Đức Phật có làm cho người chết sống lại không? ( 4/12/2016 1:21)