Triết học văn phòng

1/04/2017 12:56
Thông thường, trong một văn phòng có nhiều người ở nhiều bộ phận khác nhau cùng làm việc, mỗi người có chức trách riêng, vận dụng phương pháp phân công công việc, phân công không đồng nghĩa là không có sự qua lại lẫn nhau, có lúc có thể bạn làm nhiều hơn tôi, tôi làm ít hơn bạn…

Tuy tôi thiếu kinh nghiệm xử lí công việc nhưng đứng trên lập trường Phật pháp, bất luận trước một hoàn cảnh, một tình huống nào thì vấn đề quan hệ giữa người với người không phải lúc nào cũng rõ ràng, thông hiểu nhau. Bất luận ở môi trường công sở hay môi trường tu tập nơi tự viện, vấn đề giao lưu giữa người với người luôn là vấn đề khó khăn nên thường xảy ra nhiều xung đột, vậy một khi gặp phải những trường hợp như thế, bạn cần nghe theo ai, không nên nghe theo ai?

Điều này có thể phân thành hai mặt, một là quy định của môi trường sở tại, hai là tâm lí, thái độ của người đương sự. Xét về phương diện tâm lí, thái độ của người trong cuộc, giao tiếp giữa người với người không thể tránh được tâm lí so đo tính toán hơn thiệt, cao thấp, một số người khi nhìn thấy người khác làm nhiều hơn, tốt hơn, liền nói xấu, nói xóc như “Lạ thật! mọi người đâu có làm tốt thế sao anh lại làm tốt đến thế?” Sở dĩ người đó nói vậy là xuất phát từ tâm lí nghi kị, tị hiềm, so đo tính toán.

Kiểu người thích lắm chuyện, nhiều lời kia một khi mình làm việc nhiều hơn người khác cũng không cam tâm, họ sẽ nghĩ bụng “Mọi người đều nhận tiền lương như nhau, tội gì mình lại làm việc nhiều hơn họ cho mệt”. Nếu có thói quen so sánh với người khác, bạn sẽ gây ra khó khăn lớn trong việc tiếp xúc, tìm hiểu giữa mình và người. Trong gia đình, trường học, công sở cũng nảy sinh những trường hợp tương tự. Trong gia đình có người biết quan tâm giúp đỡ anh chị em, cha mẹ, chủ động làm việc cho người khác mà không có yêu cầu gì. Ngược lại, cũng có người thiếu trách nhiệm, không những không biết chia sẻ gánh nặng công việc cho mọi người trong nhà mà còn gây phiền phức, làm tổn thương người khác.

Trên thực tế, bất luận môi trường, hoàn cảnh nào cũng có người giỏi, người kém, người giỏi nên giúp đỡ người khác, không nên thờ ơ, lạnh nhạt, bàng quan đối với công việc của người khác. Nhiều người thường hoàn thành công việc xuất sắc trước thời gian quy định, trong lúc rỗi rãi họ không giúp người khác mà ngược lại còn tìm điểm yếu, điểm dở của người để chê bai, dè bỉu khả năng của họ. Cũng có hạng người ước mơ vượt quá khả năng thực, thường chỉ tay năm ngón yêu cầu người khác làm còn mình cứ nhởn nhơ vô sự, đã thế lại còn chỉ trích lỗi khi họ làm việc, đấy cũng là một sai lầm lớn. Ngoài ra, kiểu người thích ton hót nịnh bợ cấp trên cũng không ít, kiểu người này thường bị đồng nghiệp khinh bỉ. Dường như công việc chính của họ là lựa lời để khen ngợi, ca tụng cấp trên, tình nguyện khom lưng quỳ gối phục tùng cấp trên. Điều đáng nói là phần lớn lãnh đạo lại thường thích được khen ngợi, tâng bốc, mù quáng không biết đúng sai, thực hư, thiếu khả năng phán đoán, nhìn người, cứ cho rằng người đang nịnh hót mình mới là “cấp dưới trung thành”. Trường hợp bạn là người có thực lực, hoàn thành tốt công việc được giao nhưng không biết thể hiện mình, không thích khoe khoang với cấp trên đến nỗi bao nhiêu công sức và trí tuệ, thành quả của bạn đều bị người khác cướp mất, cấp trên không biết nên xem thường bạn thì phải làm thế nào?

Theo lập trường nhân quả Phật giáo, chúng ta cần cố gắng hoàn thành công việc của mình, không cần để ông chủ mình biết, cũng không cần mong được sự khen ngợi, chúng ta cần làm tốt việc của mình, bổn phận của mình, không cần quan tâm người khác có nhìn mình hay không, khi ở cùng với đồng nghiệp cần tận tâm, tận lực, nên vì ông chủ, vì bản thân, vì mọi người, vì công ty, không nên tị nạnh với người khác. Điều quan trọng nhất là phải nỗ lực hết sức, dù người khác có biểu hiện thế nào cũng không nên quan tâm, nếu làm được như vậy, ít nhất bạn cũng đã làm tốt được bổn phận của mình đồng thời bạn đã cống hiến sức lực của mình cho xã hội.

HT Thánh Nghiêm

Các tin tức khác

Back to top