Ca dao Việt nam có câu :
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Đại ý của bài ca dao này là ngợi ca vẻ đẹp của bông sen, mọc lên giữa bùn tanh nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cao khiết. Cũng như con người sống trong những vũng lầy tạp niệm nhưng tâm hồn vẫn thanh tịnh.
Từ lâu, trong ý thức của người dân Việt, hoa sen là biểu tượng của sự tôn nghiêm và cao quý.
Nhưng có một điều tôi muốn đề cập đến ở đây: Nếu như không có bùn tanh liệu sen có thể toả hương thơm ngát được vậy không?
Bởi hoa sen chỉ rộ nở vào hai mùa hạ và thu. Thời tiết có những thuận lợi nhất định và hoa sen cũng không thể phát triển ở một nơi nào khác ngoài những đầm sình nhiều bùn đất. Những bùn tanh kia là chất dinh dưỡng nuôi hoa sinh trưởng, cho hoa vẻ đẹp thuần khiết giữa đất trời. Nếu ai đó có ý định đem hoa sen về trồng nơi vùng nước sạch thì tôi tin hoa không thể nào đẹp như hoa vốn có được. Vậy có phải chăng lâu nay chúng ta quên mất, chỉ ca ngợi hoa sen vươn lên từ đất bùn mà không nhớ gì đến công nuôi dưỡng những bông hoa đẹp của bùn tanh. Bùn tanh có đòi hỏi gì đâu, chỉ âm thầm nuôi lớn những cành hoa để cho đời chiêm ngưỡng và ca ngợi, để rồi bị đời lãng quên, coi như một thứ ô uế bên cạnh những bông sen đẹp.
Nếu như cái thánh thiện được vút lên từ nơi u tối, thì chúng ta lại cần có những cái u tối để phân biệt được cái thánh thiện. Do đặc tính của bùn tanh, nó chỉ là một chất liệu để nuôi dưỡng linh hồn sen cao quý.
Chúng ta được chiêm ngưỡng một bông sen đẹp, chúng ta thấy chúng hài hoà từ màu sắc tới dáng vẻ thẳng tắp đang vươn mình, chúng ta trầm trồ trước vẻ đẹp ấy... nhưng chúng ta cũng nhận thấy, vạn vật không phải bất biến mà luôn có sự thay đổi, bông sen đẹp bây giờ nhưng sẽ héo tàn vào ngày kia và ngày sau nữa... và theo thời gian nó trở thành tan rã, lại rơi vào bùn tanh, biến thành bùn tanh, thành chất dinh dưỡng thiết yếu để cho những bông sen khác mọc lên và dâng tặng cho đời. Phải chăng lúc này mới chính là lúc bông sen kia hoàn thành trách nhiệm của nó khi xuất hiện trên mặt đầm?
Phải chăng sống đâu chỉ là dâng hiến, sống còn là hi sinh, sống là để đem lại điều gì có ích cho đời?
Chúng ta phải luôn nhìn thấy sự chuyển hoá trong vạn vật để tiếp nhận nó trong từng nhận thức, để bất cứ cái gì ra đời hay mất đi ta đều thản nhiên đón nhận, quan sát bằng con mắt thiền quán. Tâm ta cũng từ ấy mà vút lên, vút lên từ bùn đất màu mỡ, từ hơi thở và tình thương, từ sự yêu thương bao dung dịu dàng của đất mẹ.
Thảo Nhi - Theo Hoa Linh Thoại
Các tin tức khác
- Đạo và đời bất nhị ( 5/04/2017 2:01)
- Buông bỏ lòng ghen tị chỉ với 4 điều đơn giản Phật dạy ( 4/04/2017 1:55)
- Ăn, ngủ, thở đúng cách, 10 năm "nói không với thuốc tây" ( 4/04/2017 1:37)
- Tâm dẫn đầu ( 3/04/2017 1:11)
- Không cần phải đi đến đâu ( 2/04/2017 2:28)
- Người Phật tử phải giữ gìn giới hạnh trang nghiêm ( 2/04/2017 1:48)
- Triết học văn phòng ( 1/04/2017 12:56)
- Cầu nguyện và tỉnh thức ( 1/04/2017 12:49)
- Hiểu biết cuộc đời ( 1/04/2017 12:41)
- Lấy tốt trả xấu (31/03/2017 1:01)