Nửa mê nửa tỉnh

14/04/2017 1:38
Có khi cả đời đuổi theo một ảo vọng, rồi một hôm bỗng thấy mình mắc mứu quá nhiều, nên quyết định buông xuôi. Nhưng cái ảo vọng cả đời đeo đuổi đó không chịu ra đi. Nó cứ lảng vảng bên mình. Thật là ‘bỏ thì thương mà vương thì phải tội!’

Khi mình mắc kẹt vào một cái gì, hay một việc gì… mình có cảm giác bị vây hãm, căng thẳng nên cái ý định muốn rút lui, bỏ chạy khỏi điều này, sai khiển mình phải hành động, càng nhanh càng tốt. Hay như khi mình say mê, ham thích một thứ gì, mình cứ loay hoay thèm muốn chúng mãi; và càng khao khát mình càng nghĩ tới chúng hoài và muốn được có ngay càng nhanh càng tốt. Đây chính là tên thủ phạm khiến mình bị dính mê.

Có ai đó phê phán mình. Họ nói mình thế này, thế nọ. Dù là chuyện tốt hay chuyện xấu. Những khoảnh khắc như vậy, bạn cảm thấy gì? Mình có thấy phấn chấn, lỗ mũi muống nổ tung, nếu là chuyện tốt, hay hơi lợm giọng, bực bội, nếu là chuyện xấu. Có cảm nhận được cái cảm giác quen thuộc mà mình đã trải nghiệm từ trước đang xảy ra với bạn? Đây là kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta. Bất cứ những cảm xúc giận hờn, ghen tức, hay buồn khổ đều bắt đầu từ cái cảm giác tinh tế, nhỏ nhoi khi mình kinh qua những hoàn cảnh phiền lòng, bất như ý. Những xúc cảm này thường đưa mình đến những hành động thiếu suy nghĩ, nói năng bậy bạ, lộn xộn như đang bị bùa mê, thuốc lú.

Nghe một bài nhạc thích chí, ngửi được một mùi hương thân quen, hay ai đó nhìn mình bằng một ánh mắt kỳ kỳ, bổng dưng mình cảm nhận được ‘nó’, dù chẳng ăn nhập gì đến cái không gian hiện tại. Mình thèm nghe bản nhạc này, thèm ăn ngay món đó, hay bổng cảm thấy cô đơn… Đây chính là lúc tơ lòng giăng bẩy. Nó khiến mình cảm thấy khó chịu và phải làm cái gì đó để thỏa mãn cơn thèm. Chúng ta ăn uống rượu chè, bê tha hút sách, mua sắm phung phí là để làm giảm đi cái cảm giác căng thẳng, khó chịu trong lòng. Nhưng mình có ngờ đâu! Càng làm thì càng nghiện nặng. Thay vì là làm như vậy để mình hết khó chịu, thì giờ đây, mình không thể sống thiếu nó. Lại mê thêm!

Thực là:

Ai có về bên bến sông Tương, 
nhắn người duyên dáng tôi thương,

bao ngày ôm mối tơ vương.… (nhạc sỹ Thông Đạt)

Người duyên dáng tôi thương trong lòng, càng ngày càng sâu đậm thì mình càng ngày càng ôm mối tơ vương với nó. Một sự gá ghép gượng gạo, không phải vì thương yêu, mà vì duyên nợ. Cái nợ duyên dính mắc này không phải tại ai. Chỉ vì thích trốn chạy, tránh né cái vô duyên cho nên tránh vỏ dưa, mình lại gặp vỏ dừa. ‘Con người đau khổ vì họ bị mắc kẹt trong quan điểm. Chỉ khi nào chúng ta giải phóng được những quan điểm đó, chúng ta mới tự do và không còn đau khổ’ (Sư ông Làng mai).

Ai là người nghiện ngập đều hiểu chuyện này. Muốn bỏ, không dính mắc vào một cái gì đó thì việc đầu tiên là phải công tâm thừa nhận mình nghiện; rồi sau đó mới dứt khoát không làm theo cơn nghiện khiển xui. Cái chuyện không làm theo này gọi là dặn lòng không để cho tơ vương xúi dục. Chúng ta dặn lòng đừng cho dính mắc, không phải chỉ để chăm chăm đến chuyện ăn uống, nhậu nhẹt, sắm mua quá trớn, mà vì mình muốn thấy rõ và hiểu thấu tơ lòng có còn mê đắm hay không?

Tụng niệm, tu hành, ngồi thiền, quán chiếu không phải chỉ là những thực tập xuông. Đến khi thấy khổ đau, phiền não trói chặt thì bổng chốc hoảng hồn bỏ chạy vào chùa, quỳ trước Phật đài lâm râm khấn vái, cầu cho tai qua nạn khỏi! Như một chiến sĩ được tập luyện quân trường năm này, tháng nọ, vậy mà khi thấy quân địch thì đùng đùng bỏ chạy. Như vậy coi sao được! Là một hành giả, đây mới chính là lúc mình đem ra những trải nghiệm tu học để đối trị khổ đau. Mình phải mở mắt xem rõ lòng mình còn tơ vương, dính mắc cái gì. Khi ngồi quán niệm, nếu trong lòng còn mong cầu hỷ lạc, bình an, vậy thử hỏi mình đang quán niệm cái gì?

Ý niệm như mây khói, chúng đến rồi đi, nhưng chúng không có ý khiến bạn tơ vương, như bài thơ ‘Vô Đề’ của Thiền sư Hương Hải,

‘Chim bay ngang trời,

bóng in mặt nước,

chim không có ý lưu ảnh,

nước không có lòng lưu hình.

Học được cái pháp ‘vô đề’ mình sẽ nhận dạng được mọi sự vật một cách khách quan, ‘như là’. Nếu ý thức được cái ‘vô đề’ đó cho sâu, mình sẽ không quá bận bịu với những kinh nghiệm của mình trong thế giới này. Nên nhớ là không dính dấp tới thế gian, không có nghĩa là xem thế gian này không tồn tại, hay không thật có, và tất cả đều là huyễn mộng! Ngược lại, mình có cảm nhận được thế gian này, và mình có cảm thấy bị ảnh hưởng. Nhưng quan trọng ở đây là mình có bị phản ứng, hay bị lôi kéo theo cái kinh nghiệm trong thế gian đó hay không? Ngồi thiền biết ngứa ở chỗ đó và cái đầu cứ thúc dục cái tay phải gãi. Nhưng nếu mình biết ý thức, không để cho tâm ý bị lôi kéo vào việc nên gãi, hay không nên gãi, thì việc có gãi hay không gãi đâu có quan trọng gì?

Một khi mình ý thức được cái sự dính mắc thì mình sẽ bắt đầu để ý thấy ‘nó’ có trong những người khác. Mình thấy người nọ, người kia bị dính mắc và dù cho mình có muốn làm gì cho họ đi nữa họ vẫn không thấy họ đang bị kẹt! Ngay lúc đó, mình bỗng ngộ ra. Cái tuệ giác đó được phát sinh khi chính mình không còn cảm thấy cần phải trốn chạy, che dấu, hay đeo đuổi một cái gì. Tuệ giác hiển bày cho ta thấy sự thật mình hay người kia đang bị mắc kẹt. Và khi thấy và biết mình mắc kẹt thì mình sẽ ‘hết kẹt’! Có nghĩa là mình không còn loay hoay tìm cách tự giải cứu vì mình còn bị kẹt đâu mà phải cứu. Mình đã thấy rồi!

Giống như ba con cá lội chung quanh một lưỡi câu có mồi hấp dẫn. Một con hô lớn: ‘Bí mật là chỗ đừng để bị dính.’ Chỉ cần có vậy là mấy con kia hiểu phải làm gì. Nếu mình có thể thấy mình ngay thời điểm bị thúc dục gấp gáp phải cắn mồi, mình sẽ thấy ngay cái kết cục sau khi mình cắn mồi xong. Một mai xa cơn mê, mình sẽ hiểu ngay rằng mê và tỉnh chỉ cách xa nhau trong tích tắc, sát na mà thôi!

 

Thiện Ý - Theo TVHS

Các tin tức khác

Back to top