Giá trị con người là đời sống tâm linh

3/06/2017 12:34
Không có gì giá trị và đẹp bằng sự thật. Trong thực tế cuộc sống, ít ai dám nói sự thật, phô bày sự thật, nên sự thật dù có xấu đến mấy vẫn đẹp hơn sự dối trá. Không có gì đẹp và cao thượng bằng sự thật. Sự thật thì không thể nào né tránh được, nhưng con người ta vẫn cố tình che giấu vì sợ mọi người biết.
Có những sự thật mà chỉ khi nào con người đủ lớn khôn và có hiểu biết chân chính nhờ biết nghiệm xét, tư duy mới hiểu được giá trị thật của nó. Cuộc đời không chỉ có màu hồng mà lúc nào bên cạnh nó vẫn có những màu đen đan xen lẫn nhau. Người có học thức cao thì càng khéo léo che giấu, bưng bít những sự thật không được trong sáng vì ai cũng thích được khen ngợi hơn là bị chê bai.

Một mình chúng ta không thể hiểu biết hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống nên sự sống của mọi người cần phải nương nhờ lẫn nhau qua nhịp cầu tương quan, tương thân, tương trợ mật thiết không thể tách rời nhau. Vì tình thương yêu nhân loại bằng trái tim hiểu biết mà con người có thể đóng góp và hỗ trợ cho nhau về mọi phương diện giáo dục, kinh tế, chính trị và đời sống tâm linh.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thế gian là một trường đời hỗn hợp mang nhiều sắc thái đa dạng, phức tạp, chúng ta không biết đối xử với nhau bằng con người tâm linh thì dễ dẫn đến oán giận, thù hằn vay trả không có ngày thôi dứt. Điều quý giá và thiêng liêng, cao cả nhất mà các bậc hiền Thánh luôn quan tâm và lo lắng là mối quan hệ xã hội bằng tình người trong cuộc sống, cùng với trái tim yêu thương có hiểu biết. Do chúng sinh tạo nghiệp bất đồng nên mọi người có hiểu biết và cách sống khác nhau tùy theo nghiệp huân tập.

Luật pháp do con người đặt ra tùy vào một số người nắm cán cân công lý, nên con người có thể thay đổi và dễ dàng bẻ cong luật pháp nhờ những thế lực cầm quyền. Đối với luật nhân quả nghiệp báo thì không đơn giản như thế, chúng ta đừng bao giờ hy vọng qua mặt được nhân quả, vì khi hội đủ nhân duyên, dù trăm kiếp ngàn đời cũng không thể trốn thoát. Dù ta đang ở địa vị cao nhất của loài người thì khi phước hết, ắt họa ập đến mà phải gánh lấy hậu quả khổ đau do chính mình gây tạo. Chỉ khi nào ta thanh toán hết món nợ nhân quả chính mình đã gieo, dù cố ý hay vô tình, thì mới không còn bị ràng buộc bởi nghiệp quả.

Do đó, chúng ta hãy nên suy ngẫm, chiêm nghiệm, kiểm tra chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động, để không làm tổn hại đến muôn loài vật thì mới có thể chuyển hóa khổ đau hay buông xả dính mắc. Khi có được tấm lòng yêu thương chân thật, ta sẽ cảm thấy ấm áp và bình yên, hạnh phúc; nhưng khi bị người ghét bỏ, mình sẽ phải sống trong cô đơn, lo lắng và sợ hãi.

Cuộc đời này chúng ta sống là để yêu thương, an ủi, giúp đỡ, sẻ chia bằng tình người trong cuộc sống. Ta cho đi cái gì sẽ được nhận lại cái đó theo quy luật nhân nào quả nấy. Bởi thế, ta hãy luôn vui vẻ, hân hoan, phấn khởi với những gì mình đã cho đi bằng trái tim hiểu biết. Tất cả mọi người dù xuất gia hay tại gia cũng đều là đệ tử Phật, ai cũng đang hướng về cuộc hành trình tâm linh của chính mình để sống đời giác ngộ, giải thoát. Vì vậy, chúng ta không nên đi theo con đường du lịch tâm linh của người thế gian bằng cách cầu khấn, van xin, mà không chịu gieo nhân tốt để gặt quả tốt và tu tập để chuyển hóa phiền não tham - sân - si thành vô lượng trí tuệ và từ bi.

Trên bước đường tu học hay trên cuộc hành trình trở về cội nguồn tâm linh, Phật dạy nhiều phương pháp giúp chúng ta tiến tu tùy theo căn cơ, hoàn cảnh của mỗi người. Điều này thường được gọi là Ngũ thừa Phật giáo, hay Tam thừa Phật giáo, hoặc Nhất thừa Phật giáo. Đây chính là những con đường tâm linh mà đức Phật đã trải nghiệm mà đạt đến kết quả cao nhất. Là đệ tử Phật chắc chắn chúng ta cần đi theo con đường tâm linh này, vì không có con đường nào khác dẫn chúng ta đến giải thoát sinh tử khổ đau.

Hoàn cảnh, sự sống của mỗi người không giống nhau, vì chúng ta huân tập và gây tạo nghiệp báo bất đồng, nên tùy theo nhân duyên thuận nghịch mà mỗi người chọn lựa pháp tu thích hợp. Nói cho dễ hiểu, trong xã hội nào cũng có hai hạng người là giàu và nghèo. Tuy có nhiều người nghèo nhưng cũng có mức độ chênh lệch khác nhau, những người giàu cũng có sự không đồng đều về tài sản vật chất sở hữu.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top