Charles R. Swindoll viết rằng “Chúng ta không thể làm thay đổi quá khứ. Chúng ta cũng không thể thay đổi được cách làm, cách nghĩ của người khác. Chúng ta không thể làm thay đổi những gì không thể đổi thay. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là tạo cho mình một điểm tựa, đó là thái độ sống. Tôi tin chắc rằng cuộc đời mình được tạo bởi mười phần trăm là những gì xảy ra với tôi và chín mươi phần trăm còn lại tùy vào cách tôi phản ứng lại nó. Tất cả đều tùy thuộc vào mỗi người chúng ta, vì chúng ta trọn quyền với thái độ của chính mình.”
Cuộc sống muôn sắc màu luôn biến đổi ở nhiều cấp độ khác nhau trong ta và quanh ta, ở mọi lúc mọi nơi. Sự đa dạng của cuộc sống tạo nên muôn chiều trong nhận thức, thái độ và phản ứng của con người đối với cuộc sống. Có khi chúng ta bắt nhịp được với sự biến đổi và tất cả trở nên dễ dàng, thoải mái. Đó là những lúc ta làm chủ được dòng cảm xúc, có khả năng hòa mình vào dòng đời và đạt được một hay nhiều thành công nào đó. Trong hân hoan và hạnh phúc, ta thấy đời thật đáng yêu. Thế nhưng, không ít lần chúng ta gặp gian nan thử thách, khổ đau, thậm chí có lúc tưởng chừng như bế tắc. Trong mệt mỏi chán chường, đời như đêm đen. Nếu bình tâm và có cái nhìn thực tế, ta sẽ nhận ra rằng, mặc cho sóng đời nhấp nhô, gió đời lộng thổi, ai cũng có những buổi mai nắng hồng rực rỡ và không tránh khỏi những đêm trường mịt mờ giông bão, giá lạnh. Vấn đề là chúng ta có thể làm gì để vượt qua những đêm đen của cuộc đời trong tâm trạng ít hãi hùng nhất? Nên an phận cho số mạng? Nên vận dụng những gì hoàn cảnh cho mình và tập trung nội lực để bật dậy? Chắc không ít người chọn giải pháp thứ hai, nhưng bằng cách nào đây lại là một câu hỏi lớn.
Chúng ta thử xem một số động vật phản ứng thế nào với nghịch cảnh trong cuộc sống. Nếu bắt một con chim ó đặt vào một nơi được bố trí bằng một tấm chắn vây tròn hoặc bất cứ hình thù gì có đường kính hoặc chiều dài không quá 3m, không cần che chắn gì ở trên, chúng ta có thể cầm tù loài chim có khả năng bay lượn bậc nhất này một cách dễ dàng. Thoạt nhìn, chúng ta có thể nghĩ, sao chúng kém thông minh quá vậy? Chỉ cần bật chân một cái là thoát khỏi tấm chắn đơn sơ ấy và sải cánh vào trời xanh. Thế nhưng, chim ó đã không biết làm vậy. Mỗi khi muốn bay lên từ mặt đất, chim ó phải chạy lấy đà khoảng 3,5m đến 4m rồi mới có thể bật lên và tung cánh bay. Và khi thấy không đủ khoảng trống, nó chỉ biết quanh quẩn “chờ thời” . Thậm chí nó không hề bay lên thử, dù chỉ một lần. Nó phản ứng như thế là thuần túy theo bản năng mà không hề chuẩn bị tâm lý thích nghi khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn. Nó sẽ đi loanh quanh trong chỗ bị vây, cam chịu cảnh tù đày dù ngay bên trên nó, khoảng trời bao la vô tận đang chờ đón. Chỉ một điều là nó chịu khó thử tung cánh, nếu không đủ không gian phẳng để lấy đà, nó có thể học được nhiều bài học quý báu từ kinh nghiệm thực tế này và rất có thể làm gì đó để thay đổi cuộc đời theo hướng tốt hơn.
Còn dơi, loài sinh vật nhanh nhẹn phi thường trong không gian đêm vốn có nhiều đặc điểm lạ. Một trong những đặc điểm lạ lùng ở dơi là loài động vật này không thể cất cánh từ một mặt phẳng. Nếu chúng ta đặt nó lên sân hoặc sàn nhà thì tất cả những gì nó có thể làm là lê lết thân hình một cách khổ sở, đáng thương, té lên té xuống trông thật vô lý và tức cười. Nhưng nếu đặt nó vào một vị trí cao hơn một tí, từ đó nó có thể quăng mình vào không khí thì chỉ trong nháy mắt, nó sẽ bay vút đi như một tia chớp.
Tương tự như vậy, nếu một con ong nghệ bị rơi vào một cái lọ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nó sẽ vật vã, kiên trì tìm một lối thoát ở loanh quanh đáy lọ mà không bao giờ nhận ra lối thoát ở bên trên cái lọ không đậy nắp ấy. Khoảng trời không thông thoáng phía trên dường như trở thành xa xỉ và vô nghĩa với nó quá chừng. Nó sẽ vắt kiệt sức tìm kiếm một con đường thoát thân ở quanh đáy lọ, cho đến khi nào chết rũ tội nghiệp nơi ấy mà thôi, nếu không may mắn gặp được ai đó cứu nạn.
Con người không phản ứng theo cách cách trên vì con người là sinh vật duy nhất trên trái đất có tiềm năng và khả năng thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh hoặc kỳ diệu hơn, có thể tác động hoàn cảnh làm cho nó xoay chuyển theo hướng có lợi cho mình mà không phải lệ thuộc một cách thụ động vào hoàn cảnh.
Thế nhưng, hiệu quả và chất lượng của quá trình thích ứng và cải thiện hoàn cảnh tùy thuộc rất nhiều vào nhận thức, thái độ và tâm huyết của mỗi người. Thực tế cho ta thấy, trong cuộc sống, mỗi người có cách xoay xở và phản ứng khác nhau khi phải đối diện với những khó khăn, gian khổ. Nếu khi chúng ta cứ đòi hỏi phải có đủ điều kiện, như loài chim ó cần không gian thoáng rộng mới có thể bay; cần một bệ phóng như loài dơi mới có thể tung cánh; hoặc như ong nghệ kia loay hoay dò dẫm theo bản năng mà không dám nghĩ đến một giải pháp ngoạn mục nào khác, chúng ta đã hoài phí đi những tiềm năng quý giá chỉ có ở con người. Nếu phản ứng với khó khăn của hoàn cảnh theo cách như vậy, liệu ta có khác nào các loài động vật thấp kém hơn ta? Khi những khả năng “rất người” kia không được phát huy, nó sẽ tồn tại ở dạng tiềm ẩn, dự trữ mà không hề hành hoạt. Những lúc rối trí như thế, nó vẫn nằm im lìm “trong kho” chứ không được chuyển hóa thành kỹ năng xử lý vấn đề. Chúng ta thường loay hoay vật lộn với những khó khăn và nỗi thất vọng của mình ngày càng tăng mà không nhận ra rằng câu trả lời đích thực có khi đã sẵn có và đang ở rất gần.
Một khi ý niệm về “một giải pháp duy nhất” đã được lập trình trong đầu thì chúng ta không thể nào nghĩ đến các giải pháp khác cho một vấn đề khó khăn trước mắt. Nhận thức và thái độ sống có vai trò lớn lúc này. Có rất nhiều tình huống trong cuộc sống chỉ đòi hỏi chúng ta thay đổi thái độ, cách nhìn và cách nghĩ, chứ chưa cần nỗ lực gì, thì chúng ta cũng đã dễ dàng thoát khỏi những vấn đề đang làm ta khổ sở tưởng chừng như bế tắc. Một cánh cửa trước mặt ta đóng lại không có nghĩa các bên khác đều là những vách chắn của chiếc lồng, không còn “lối ra” nào khác. Với thái độ đúng đắn, vận dụng sức mạnh nội tâm có thể được chế xuất từ tâm an định và khả năng thích ứng của con người, con đường “thoát hiểm” có thể tự động mở ra một cách nhiệm mầu đến không ngờ. Đến lúc này chúng ta mới hiểu thật ra, có một hướng ta tưởng là vách chắn ấy lại là cửa thoát và cần định hướng chiếc cửa ấy bằng cách nhìn, đặt vào đó chiếc chìa khóa thái độ, xoay đúng hướng, cửa sẽ mở.
Như vậy, thái độ, cách nhìn và sự chọn lựa giải pháp cho một vấn đề là vô cùng quan trọng trong việc quyết định kết quả. Một mục đích tốt là cần thiết, song chưa đủ; chúng ta cần có hướng thực thi tốt và từng bước hoàn thành tốt kế hoạch đã vạch ra thì kết quả mới có thể mỹ mãn. Mọi thứ đều khởi điểm từ cách nhìn và thái độ của mình vậy.
Trong cuộc sống, ý chí và nghị lực có vai trò không kém quan trọng trong những tình huống bất như ý để con người không rơi vào tình trạng bế tắc và tuyệt vọng. Có ý chí và nghị lực, con người mới có khả năng hóa giải khó khăn, vô hiệu hóa chướng ngại, vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt để không đầu hàng số phận. Thế nhưng, ngần ấy cũng chỉ đủ để con người chịu đựng. Thật ra, muốn thành công bất cứ việc gì, chúng ta cũng cần phải có một cách nhìn và cách nghĩ tích cực và mới mẻ, chứ không phải chỉ cần nỗ lực là sẽ đạt được những gì mình mong muốn.
Muốn có lối thoát trong những tình thế cam go mà ai trong chúng ta cũng gặp phải, không lúc này thì lúc khác trong cuộc sống, chúng ta cần nhiều cách nhìn mới, ý tưởng mới cho một vấn đề không mới. Theo lối mòn, tưởng chừng như an toàn nhưng thường không có hiệu quả và nhất là không thể giải quyết công việc trong các tình huống gay cấn. Dòng sông luôn trôi chảy và lịch sử không bao giờ lặp lại. Cần phải có tầm nhìn và sức bật mới có thể vươn lên khi cuộc đời không “chìu” mình.
Những người khôn ngoan là những người biết chọn cho mình một góc nhìn phù hợp nhất với bản thân mình trong từng hoàn cảnh cụ thể, có thái độ tích cực hướng đến chuyển hóa hoàn cảnh bằng nỗ lực của bản thân. Và theo hướng nhìn này, người ấy sẽ hoạch định con đường tốt nhất và đơn giản nhất, với những bước đi hiệu quả nhất để hướng đến mục tiêu của mình. Người nào bình tâm và biết sử dụng nguồn nội lực của mình, phát huy tối đa tiềm năng con người sẽ có nhiều khả năng nghĩ ra những phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan nhất.
LT (ĐPKS)
Các tin tức khác
- Tu tập trung đạo ( 3/06/2013 6:22)
- Hoa Quân Tử và bài học dâng tặng ( 1/06/2013 5:26)
- Đón nhận và kính dâng ( 1/06/2013 12:32)
- Thiền định giúp con người trị đau (30/05/2013 5:38)
- Hạnh lắng nghe (29/05/2013 11:58)
- Làm lắng dịu căng thẳng trong thân, trong tâm (29/05/2013 3:48)
- Phật Đản nhớ Phật (26/05/2013 3:06)
- Mừng Phật đến với chúng sanh (25/05/2013 1:53)
- Tu mót (21/05/2013 3:03)
- Ý nghĩa bảy bước nở hoa sen (20/05/2013 10:07)