Bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như là “Tứ Diệu Đế”. Đức Phật trình bày các nỗi khổ, nguyên nhân khổ sự chấm dứt khổ và con đường đi đến diệt khổ đau là Bát Chánh Đạo. Từ đó đến nay, trên 2500 năm, con người mặc dầu hiểu biết, thấy rõ các nỗi khổ nhưng phiền não cứ bám theo mãi, càng vùng vẫy bao nhiêu càng bị siết chặt bấy nhiêu nên cứ trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi.
Trong Chơn Lý số 59 tập III, Tổ sư Minh Đăng Quang một lần nữa đề cập vấn đề này. Tổ trình bày hai mặt khổ - vui bằng những hình ảnh cụ thể, những mẫu đối thoại đơn giản nhưng hàm chứa biết bao ý nghĩa sâu sắc. Ví như mượn câu chuyện của bốn con vật trong quá khứ để nói về nỗi khổ của con người.
Trước hết con bồ câu cho rằng dâm dục là khổ nhất, vì lòng dâm dục khiến cho con người mơ tưởng đến những điều bậy bạ, không nghĩ đến phải trái, tình ái sắc dục làm hư hỏng con người. Con quạ cho rằng đói khát là khổ nhất vì lúc ấy thần thức mỏi mệt, thân thể gầy mòn, sức khỏe suy giảm. Con rắn lại nói rằng hờn giận là khổ nhất vì khi cơn giận khởi lên thì bất kể thân sơ đều thiệt hại, ngay cả đến mình cũng khốn khổ. Còn theo ý con hươu thì sợ hãi là khổ hơn hết vì nó đã từng bị bọn săn bắn cũng như hùm sói rượt đuổi. Lúc ấy, có một vị Tỳ-kheo ở trong núi nghe bốn con vật bàn luận thì bảo rằng: “Trong thiên hạ chỉ có cái thân là khổ nhất. Thân là gốc khổ, chấp thân nên mọi phiền não nảy sinh”.
Còn khi bàn về niềm vui thì bốn vị Tỳ-kheo mới nhập đạo ở nước Xá Vệ, họ hỏi nhau rằng: “Tất cả mọi sự trong thế gian cái gì sướng hơn cả?”.
Vị thứ nhất cho rằng cảnh trời quang đãng, mưa thuận gió hòa, cây cỏ tốt tươi, trăm hoa đua nở. Vị thứ hai bảo gặp ngày lành bà con hội họp đông đủ, tiệc tùng thỏa thích. Vị thứ ba lại nói giàu sang ruộng nhiều, nhà cao cửa rộng, châu báu đầy rương, ăn ngon mặc đẹp. Vị thứ tư bảo chỉ có vợ xinh đẹp là sung sướng nhất. Phật nghe biết các vị ấy còn ham muốn nhục dục nên Ngài khuyên: “Những sự vui mà các ngươi bàn luận đều là nghiệp xấu làm thân tâm phiền não. Vì cảnh vật tươi tốt khi sanh khi diệt, kẻ thân thuộc nay hiệp mai tan, sự giàu sang có chắc chi đâu, thấy có rồi lại không. Còn sắc đẹp thì nguy hiểm hơn con rắn độc. Kẻ phàm phu trong thế gian vì ham đắm dục lạc nên khốn khổ vô cùng. Bốn vị Tỳ-kheo nghe Phật giảng xong đều xin sám hối chẳng ham muốn dục lạc quyết chí tu hành, lần lần trí tuệ mở mang, căn thân thanh tịnh đều chứng quả A-la-hán”.
Xem ra khổ vui đều do bên ngoài, hiểu lầm cái thân, cho thân là ta, của ta, thường bền vĩnh viễn. Vì vậy, khổ rồi vui, vui rồi lại khổ đan xen lấy nhau từ kiếp này sang kiếp khác cứ trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi.
Vậy muốn dứt trừ vô thường, khổ não, vô ngã của hữu vi giả dối thì phải dứt sở chấp thân, hễ không thân tức là vô vi chân thật ấy mới đắc cái hữu thường, an lạc hữu ngã được. Và từ cảnh ấy mới nhận ra cái chơn như, cái vô sanh, cái tự nhiên, cái sướng vui chơn thật của bậc A-la-hán.
Như thế nghĩa là phải lấy cái vô thường trừ vô thường, lấy cái vô ngã trừ vô ngã, lấy cái khổ não trừ khổ não thì mới phát sanh cái hữu thường, an lạc và hữu ngã.
Trước hết sao gọi là lấy cái vô thường trừ vô thường?
Nghĩa là chấp cái thay đổi. Thực hành cái thay đổi quen với sự thay đổi để khi gặp cái thay đổi sẽ cảm thấy tự nhiên không kinh ngạc, không hoảng hốt. Cũng như người té xuống nước phải lấy nước lội vào bờ, té xuống đất phải chỏi đất đứng dậy, có bệnh vi trùng phải lấy vi trùng chữa trị. Khi biết định luật: [I]“Sanh trụ dị diệt”[/I] từ cảnh vật đến con người luôn luôn phải thay đổi thì khi gặp bệnh tật hay người thân qua đời không phải đau đớn, than van…
Sao phải lấy vô ngã trừ vô ngã?
Nghĩa là có quên mình và của mình mới biết nghĩ đến người khác, bố thí cúng dường tránh được lòng ích kỷ hẹp hòi. Khi trải tình thương yêu với mọi người tâm ta trở nên trong sáng, thanh tịnh, vậy có phải quý hơn không? Ngược lại vì chấp ngã và sở ngã nên mọi thứ đều tham lam muốn vun vén về mình. Nghĩ của cải do mình vất vả làm ra nên một là ăn xài phung phí cho sướng cái thân; hai là, tiện tặn thái quá, bo bo giữ không dám cho ai, tứ đó sinh ra lòng bỏn xẻn, keo kiệt. Thật tai hại!
Sao gọi là lấy khổ não trừ khổ não?
Ví như người lao động quen nắng mưa có dãi nắng dầm mưa vất vả suốt ngày cũng không hề hấn gì. Trong cuộc sống, những cái khổ cứ dồn dập đến người quen chịu đựng nghĩ đó là nghiệp, là thử thách nên cam chịu không than trách. Người tu ăn uống kham khổ, xa lánh chỗ đông vui vì biết rằng những thú vui ở thế gian chỉ là giả tạm họ quay về sống với cái chân thật, tìm nguồn an lạc bên trong mới bền vững lâu dài.
Xem ra thân tứ đại vốn dĩ đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Vậy thì những khổ vui bên ngoài cũng không thật có. Có chăng là do ý muốn, do cảm nhận của con người. Như thương ai ta dám liều mạng hy sinh còn ghét ai dù chỉ một việc nhỏ cũng cho là khổ không làm.
Đôi lúc niệm Phật, chỉ nhớ nghĩ đến Phật, tâm ta rỗng rang thanh tịnh, một cảm giác nhẹ nhàng, an lạc rất lạ xuất hiện… tự nhiên nước mắt lăn dài trên má. Chắc chắn ở đây những giọt nước mắt không phải vì khổ đau mà vì xúc động dâng trào. Vậy khổ vui do ý đâu phải của thân tại sao đi tìm chi cho thêm khó nhọc để muôn kiếp nghìn đời khổ não mãi.
Tóm lại, khổ vui vốn không thật, nó không có với trung đạo tự nhiên. Chính nó là sự thái quá và bất cập, trái với lẽ bình thường. Vậy nên kẻ trí nhận ra rằng: Không có chi là khổ cũng như không có chi là vui sướng cả, vui khổ chỉ do sở chấp mà thôi.
“Dứt trí say mê thì vui khổ sẽ hết. Ấy mới gọi là Phật”.
Diệu Sắc (DPKS)
Các tin tức khác
- Định nghĩa yêu thương ( 7/06/2013 6:00)
- Bệnh và tư duy tích cực ( 5/06/2013 4:56)
- Cách nhìn và thái độ sống ( 4/06/2013 2:59)
- Tu tập trung đạo ( 3/06/2013 6:22)
- Hoa Quân Tử và bài học dâng tặng ( 1/06/2013 5:26)
- Đón nhận và kính dâng ( 1/06/2013 12:32)
- Thiền định giúp con người trị đau (30/05/2013 5:38)
- Hạnh lắng nghe (29/05/2013 11:58)
- Làm lắng dịu căng thẳng trong thân, trong tâm (29/05/2013 3:48)
- Phật Đản nhớ Phật (26/05/2013 3:06)