Công án, koan, là một câu hỏi hay vấn đề mà vị thiền sư đặt ra cho thiền sinh, và câu hỏi ấy không thể nào giải đáp bằng sự suy luận hay dùng lý trí được. Trong khóa tu ấy, vị thầy trao cho anh một công án nổi tiếng của ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc, “Thế nào là âm thanh của tiếng vỗ một bàn tay?” Bổn phận của người thiền sinh là làm sao để lãnh hội cái ý nghĩa tinh yếu của công án được trao cho, và trình bày sự hiểu biết của mình lại với vị thầy.
Không khí của khóa tu rất là căng thẳng, mọi việc đều theo một đường lối thật nghiêm khắc. Mỗi ngày anh vào gặp vị Thầy bốn lần, để đưa câu trả lời của mình. Nhưng lần nào anh vào trình bày xong, ông cũng chỉ nói, “Thật là ngớ ngẩn!” Rồi ông thỉnh lên một tiếng chuông và đuổi anh ra. Có lần sau khi anh trả lời, vị Thầy nói, “Được, nhưng đó chưa phải là Thiền.” Và cứ sau mỗi lần vào trình pháp, anh lại càng cảm thấy căng thẳng hơn.
Cuối cùng, có lẽ vì tội nghiệp, nên vị Thầy trao cho anh một công án khác dễ hơn. Ông nói, “Làm thế nào để thể hiện được Phật tánh trong khi tụng kinh.” Anh mừng thầm và nghĩ câu trả lời cho công án này cũng sẽ rất dễ dàng, khi vào trình pháp anh chỉ cần ngồi trang nghiêm và xướng tụng một đoạn kinh ngắn, đơn giản thế thôi.
Nhưng thật ra, công án này cũng đã chạm đến một vấn đề khó khăn sâu kín trong anh. Khi còn học lớp Ba ở tiểu học, trong giờ âm nhạc anh thường bị cô giáo phê bình là cách phát âm của anh rất khó nghe. Và từ đó đến giờ, anh vẫn rất ngại ngùng và tìm mọi cách tránh né mỗi khi phải hát trước đám đông. Vậy mà giờ đây, anh sẽ lại phải sắp sửa xướng lên một bài kinh, trong một tình trạng rất căng thẳng, trước mặt một vị thầy rất khó khăn.
Trong khóa tu tất cả đều hoàn toàn giữ im lặng, chỉ trừ trong giờ trình pháp. Vì vậy mà những gì ta nghĩ trong đầu lại càng được phóng đại thêm lên. Anh cố gắng lặp đi, lặp lại một đoạn ngắn trong bài kinh cho thật thuộc, thật đúng với âm điệu và cách phát âm. Nỗi lo lắng của anh cứ tăng dần.
Khi đến phiên anh vào để trả lời cho công án của mình. Anh bước đến, cúi xuống đảnh lễ vị Thầy. Ông nhìn anh hỏi, “Nói cho ta biết, làm thế nào để thể hiện được Phật tánh trong lúc tụng kinh.” Anh ngồi thẳng lên và tụng bài kinh mình đã tập dượt trước. Nhưng mọi việc không như anh đã dự tính, tất cả đều sai trật và hoàn toàn lộn xộn cả lên. Những câu kinh anh tụng lẫn lộn với nhau, và cũng không theo một âm điệu nào hết. Trong ngay lúc đó, anh cảm thấy lòng mình như hoàn toàn bị phô bày ra trước mặt vị Thầy, nguyên sơ và dễ tổn thương, anh không còn gì để giấu giếm hay che đậy nữa hết …
Vị Thiền sư im lặng hồi lâu, ông nhìn anh với một ánh mắt hân hoan và đầy ấp tâm từ. Ông nói, “Câu trả lời rất tuyệt vời.” Và trong giây phút ấy anh chợt cảm nhận được một tình thương rất lớn. Anh ý thức được rằng, muốn tiếp xúc với tuệ giác, ta phải có can đảm buông bỏ hết tất cả, mọi toan tính của mình, dám trở nên rỗng không, không còn gì để bảo vệ hay che chở cho mình nữa hết. Khi ta biết chấp nhận, có mặt với những gì đang xảy ra với một tình thương không mong cầu, thì tất cả mọi việc sẽ trở nên thênh thang và tự tại.
Nguyễn Duy Nhiên (Trích bài viết "Muốn Chín Những Đóa Hoa")
Các tin tức khác
- Quay đầu lại là bờ giác (20/06/2013 3:24)
- Từ chối theo cách của bạn (19/06/2013 2:04)
- Khổ do chấp nhặt (19/06/2013 2:00)
- 5 nỗi hối hận của người sắp qua đời (17/06/2013 5:14)
- Tư thế ngồi thiền (16/06/2013 1:16)
- Chánh nghiệp (14/06/2013 9:25)
- Hành thiền (14/06/2013 12:54)
- Phương pháp thực tập chánh niệm (11/06/2013 10:53)
- Niềm vui tịnh lạc (10/06/2013 5:09)
- Khổ và vui ( 9/06/2013 5:47)