Thiền định là một phương pháp rèn luyện tâm, làm cho tâm trí nhạy bén hơn trong nhận thức, làm cho tính tình điềm tĩnh, giảm thiểu những xung động thất thường của các cảm xúc. Thiền không phải chỉ dành cho những người tu sĩ trong các thiền viện cổ kính và nghiêm mật mà ngày nay được ứng dụng rộng rãi, cho nhiều giới khác nhau như dành cho các nhà quân sự, cảnh sát, nhà chính trị, doanh nhân. Và trong mười năm lại đây, ở Ấn Độ, Thái Lan cũng như một số nước phương Tây, thiền còn được đưa vào trường học, dành cho đối tượng học sinh từ tuổi còn rất nhỏ.
Thiền dành cho trẻ em được triển khai từ phương pháp theo dõi hơi thở của thiền Minh sát tuệ (vipassana), một phương pháp thiền Phật giáo cổ xưa được giữ gìn trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ. Các khóa học thường được chia thành hai nhóm, tuổi từ 6 đến 8 và tuổi từ 9 đến 12.
Có người cho rằng, trẻ em hiếu động, không thích hợp với thiền. Nhưng thực tế thì không như vậy. Sau khi được hướng dẫn với chương trình thực tập được thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, các em tỏ ra thích thú. Có em nhận ra rằng thế giới của mình có… hơi thở! Thế giới bên trong của mình cũng có nhiều điều thú vị.
Sự theo dõi hơi thở tưởng như đơn giản, nhưng hiệu quả của nó thì rất lớn. Theo dõi hơi thở để tự biết mình, và nhờ đó mà có khả năng tự kiểm soát mọi hành vi, ý nghĩ, lời nói của mình một cách tự nhiên. Ánh sáng khoa học đã chứng minh điều này. Sau khoá tập thiền, các em có sức tập trung trong học tập cao hơn, khả năng nắm bắt bài giảng và suy luận cũng được nâng lên, đặc biệt là mối quan hệ với bạn bè, với môi trường sống của các em trở nên thiết thân hơn.
Với truyền thống Thiền Phật giáo Việt Nam, dẫu chưa phải là phổ biến, nhưng thiền cho trẻ em cũng đã được nhiều thiền sư ứng dụng và triển khai. Thiền sư dạy thiền Minh sát là người đã ứng dụng thành công tại nhiều nơi trên thế giới. Hiệu quả trước mắt của các khoá thiền nhằm giúp người tham dự nhận thức sự sống bên trong mình, nhận thức sự sống ấy không phải là độc lập mà tương thông với ông bà cha mẹ, anh chị em, với người láng giềng, với bạn bè và với môi môi trường thiên nhiên… Qua đó, sẽ giúp các em hoá giải những mâu thuẫn (nếu có) và có tình thương yêu một cách sâu sắc hơn.
Nếu bạn là bậc cha mẹ, nếu bạn đã tập thiền, ít ra ngồi im lặng để “nhìn” hơi thở ra, hơi thở vào của mình… thì hãy khuyến khích con bạn cùng ngồi như thế với bạn; còn nếu chưa, bạn hãy bắt đầu, cùng với con bạn, bạn và con bạn sẽ hiểu nhau hơn, và như thế sẽ bắt được một chiếc cầu liên thông giữa bạn và con bạn để hiểu nhau và cảm thông cho nhau một cách sâu sắc hơn.
Theo daophatngaynay.com
Các tin tức khác
- Chấp tâm (22/06/2013 11:38)
- Can đảm buông bỏ (21/06/2013 3:57)
- Quay đầu lại là bờ giác (20/06/2013 3:24)
- Từ chối theo cách của bạn (19/06/2013 2:04)
- Khổ do chấp nhặt (19/06/2013 2:00)
- 5 nỗi hối hận của người sắp qua đời (17/06/2013 5:14)
- Tư thế ngồi thiền (16/06/2013 1:16)
- Chánh nghiệp (14/06/2013 9:25)
- Hành thiền (14/06/2013 12:54)
- Phương pháp thực tập chánh niệm (11/06/2013 10:53)