Đạo Phật là đạo đến để thấy, thấy để mà thực nghiệm hành trì và chứng ngộ quả vị Niết bàn. Sự thật đức Phật Thích Ca từ khi xuất gia, học đạo, thành đạo, thuyết giảng, nhập diệt là cuộc hành trình do Ngài tự thân tu tập, tự thân thân hành trì, tự thân chứng ngộ không có một ai, kể cả Thượng đế, thần thánh nào chi phối cả. Sự thật Ngài chứng ngộ chân lý lúc Thành đạo chính là sự thật Duyên sinh vô ngã. Chính sự thật Duyên sinh vô ngã này, nó quy định cuộc đời hoằng pháp độ sinh của đức Phật, nhất là quy định toàn bộ đặc trưng hệ thống giáo lý đức Phật tuyên thuyết trong 45 năm được kết tinh trong Tam Tạng kinh điển. Nó cũng chỉ ra con đường giác ngộ được thực thi theo một phương pháp giáo hóa, giáo dục với tinh thần, kiểu tư duy theo lý Duyên sinh vô ngã mà không có ở bất kỳ một nền văn hóa giáo dục nào được thiết lập theo hướng tư duy hữu ngã trước đó. Cụ thể, đạo Phật chủ trương tùy theo căn cơ, tùy theo trình độ của từng đối tượng, tùy theo từng lúc, từng thời mà chúng ta có phương thức, kỹ năng trao truyền giáo pháp thích ứng cho mỗi đối tượng, mỗi hội chúng với một nội dung, đề tài thích hợp để người học đạo tiếp nhận một cách đạt yêu cầu. Hay nói cách khác, tổ chức Phật giáo, với đặc trưng duyên khởi tính mà nó thể hiện “Tính năng động của Phật giáo trong quá trình hội nhập” để đáp ứng các nhu cầu lịch sử đặt ra đất nước, dân tộc, trong đó có Phật giáo.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngay từ những năm đầu thế kỷ Công nguyên, dân tộc ta phải đối phó chính sách bành trướng về phương Nam của các triều đại Trung Hoa bấy giờ. Trải qua 10 thế kỷ, chính sách xâm lược của chúng nhằm thôn tính và đồng hóa Đại Việt cũng không hóa thành hiện thực. Với ý chí ngoan cường, tinh thần độc lập tự chủ, trên hết là tấm lòng yêu nước nồng nàn, cả dân tộc đã đứng lên giành lấy nền độc lập tự chủ từ trong các thế lực phản động phương Bắc Trung Hoa. Trong cuộc hành trình chống lại sự bành trướng, đồng hóa của giặc ngoại xâm Trung Hoa, Phật giáo nghiễm nhiên trở thành một bộ phận, một lực lượng gắn bó khắng khít, không thể tách rời cùng với dân tộc Đại Việt.
Thực tế, ngay từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta và vào bằng con đường hoà bình nên đã có sự gắn bó và hoà nhập với dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Mặt khác, cốt tuỷ tinh thần của đạo Phật là dân chủ và rộng mở, từ bi và hỷ xả nên dễ dàng nhanh chóng bắt rễ rồi ăn sâu vào trong tâm thức cộng đồng người Việt vốn có những phẩm chất, đức tính như thế. Nhà nghiên cứu sử học lão thành Trần Văn Giàu đã ghi nhận “Bình minh lịch sử dân tộc ta cũng gắn liền với Phật giáo”. Thế nên, Phật giáo vào thời điểm đó được xác định như là một thực thể cấu thành tạo ra sức mạnh kết đoàn của cả dân tộc, song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước. Nói theo cách nhận định của Mâu Tử được ghi trong Lý Hoặc Luận vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch, thực tế đã một nhà nước độc lập đầu tiên của người Việt ra đời và nó mang các thuộc tính Phật giáo.
Cụ thể, Phật giáo được xác định như là con đường thể nhập “mà ra ngoài xã hội có thể cứu dân giúp nước, còn ở nhà thì có thể thờ phụng mẹ cha và lúc ở một mình có thể dùng để hoàn thiện bản thân”. [1] Như thế, Phật giáo từ thuở ban đầu đã nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với một dân tộc, một đạo Phật có nếp sống đạo không chỉ giáo dục tự thân đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như là một học thuyết chính trị giúp dân tộc Việt chống lại sự đồng hóa xâm lược phương Bắc nhằm bảo tồn bản sắc nền văn hóa quốc gia, bảo vệ chủ quyền độc lập trọn vẹn biên cương lãnh thổ. Xuất phát từ nhận thức như thế, mỗi người dân Việt đều theo đạo Phật, đã định hình nên một Phật giáo của cộng người Việt mà khi tìm hiểu, chúng ta sẽ nhận ra nó không giống bất cứ Phật giáo nào khác ở quanh ta với những đặc trưng riêng biệt làm nên bản sắc Phật giáo của người Việt.
1. Tính năng động đầu tiên của Phật giáo thể hiện trong quá trình hội nhập cần phải được đề cập đến là Phật giáo của cộng đồng người Việt kể từ thời du nhập cho đến thời đất nước độc lập, bao giờ nó cũng đặt sự tồn vong, sự phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển chung của dân tộc. Điều đó có nghĩa đời sống sinh hoạt Phật giáo người Việt luôn song hành với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. Và thực tế, dân tộc Việt đã mất 1000 năm đứng lên đấu tranh để chống lại sự đồng hóa phương Bắc để tồn tại, và Phật giáo hẳn nhiên cũng trực tiếp tham gia đồng hành cùng cả dân tộc để bảo vệ sự tồn vong chính mình.
Đến khi nước nhà giành được độc lập, ý thức tự chủ của dân tộc càng được phát huy cao độ thì Phật giáo càng có điều kiện phát triển và ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Đất nước được phục hưng, việc nước cần chấn chỉnh, triều chính cần ổn định, việc bang giao cần người giúp đỡ, ai sẽ là người đảm nhận trọng trách này nếu không phải là những trí thức mà những trí thức hồi ấy phần lớn là tăng lữ. Do đó, Phật giáo thời này không chỉ bó hẹp trong khuôn viên nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc phần hồn cho con người mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết đất nước. Nhờ triều đình thời này coi trọng đạo Phật, có lúc được xem là Quốc giáo và nhờ vua chúa, quý tộc, quan lại sùng mộ đạo Phật; có vị khi về già vào chùa khoác áo cà sa, sống đời muối dưa thanh đạm; có vị quy y thọ giới nên Phật giáo từ đầu đời Trần trở về trước rất thịnh. Các triều đại phong kiến Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đều quy định các chức tăng quan, ấn định phẩm hàm cấp bậc cho tăng đạo, mời các vị thiền sư đạo cao đức trọng làm cố vấn cho triều đình với tư cách là Quốc sư (vị thầy của nước). Việc nhà sư Ngô Chân Lưu đã được Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành phong làm Tăng thống, ban chức Quốc sư, làm cố vấn cho triều đình; nhà vua còn ban hiệu Khuông Việt đủ để chứng tỏ vai trò và vị trí của Phật giáo đối với đất nước. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là “người có công dự bàn sách lược”, đại diện triều đình để tiếp sứ thần nhà Tống cùng với Khuông Việt Quốc sư, làm cho sứ thần phải kính nể”. [2]
Thiền sư Nguyễn Vạn Hạnh không chỉ đảm nhận vai trò cố vấn triều đình nhà Tiền Lê mà còn là người có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế khi ông vua cuối cùng của nhà Tiền Lê vô đạo bất nhân, làm cho đất nước suy yếu. Và còn có rất nhiều thiền sư khác nữa đã đóng góp công sức của mình cho công cuộc xây dựng đất nước như Mãn Giác, Nguyễn Minh Không, Giác Hải,Viên Thông, Từ Đạo Hạnh đời Lý, Phù Vân Quốc sư Trúc Lâm Đại Sa môn (Viên Chứng), Đại Đăng đời Trần. Lúc này, đạo pháp với dân tộc là một. Chính vua Lý Nhân Tông đã từng nói với thiền sư Mãn Giác rằng “Bậc chí nhân hiện thân ở cõi đời tất phải làm việc để cứu chúng sinh, không hạnh nào là không cần có đủ, không việc gì không phải chăm lo, chẳng những đắc lực về thiền định và trí tuệ mà cũng có công giúp ích cho nhà nước”. [3] Hay như trước đó, thiền sư LâmHuệ Sinh đã theo vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1069 [4]. Đây chính là sự tuỳ duyên bất biến theo tinh thần Phật giáo. Hoặc như vua Lý Nhân Tông đã từng tán thán công đức thiền sư Vạn Hạnh “Vạn Hạnh dung tam tế, Chân phù cổ sấm thi. Hương quan danh Cổ Pháp, Trụ tích trấn vương kỳ.” (Vạn Hạnh thông ba cõi, Lời ông nghiệm sấm thi. Quê hương làng Cổ Pháp, Chống gậy trấn kinh kỳ.) [5]. Thiền sư Pháp Bảo trong bài bia ở chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn – Thanh Hoá (Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh) đã ca ngợi và đồng nhất người anh hùng cứu quốc Lý Thường Kiệt với con người Phật tử là một. Điều đó như là một niềm vinh dự cho cả dân tộc và Phật giáo Đại Việt. Và còn rất nhiều dẫn chứng khác nữa. Những điều vừa nêu trên đủ để khẳng định vai trò Phật giáo đối với sứ mệnh dân tộc là rất lớn. Bởi đạo Phật sau một thời gian dài được truyền vào Việt Nam lúc này đã được “bản địa hoá” [6].
Chính tinh thần này đã làm cho Phật giáo Đại Việt bấy giờ có một diện mạo và đặc trưng riêng biệt, trở thành lực lượng chủ lực trực tiếp tham gia trên vũ đài chính trị với một hệ thống tổ chức Phật giáo chặt chẽ tiêu biểu để chống lại sự đồng hóa văn hóa ngoại xâm của các thế lực phương Bắc. Cụ thể Phật giáo thời Lý Trần đã định hình cho một nền văn học Phật giáo Lý Trần ra đời trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam. Và hệ quả tất yếu là Phật giáo Trúc Lâm ra đời sau khi hợp nhất ba thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường vào đời Trần. Chính Thiền phái này đã tạo ra các giá trị văn hóa, văn học qua những tác phẩm tiêu biểu của thiền phái để lại cho đời. Do đó, chúng ta không có gì ngạc nhiên, các thiền sư, các thiền gia Phật tử phát biểu qua các tác phẩm văn học của mình cất lên tiếng nói mang âm hưởng chính trị đối với quyền lợi đối với quốc gia dân tộc. Cũng chính trong cuộc đấu tranh và phát triển đầy cam go gian khổ nhưng rất hào hùng và hoành tráng của dân tộc trước những thời khắc lịch sử gay gắt quyết liệt nhất với kẻ thù thì lại xuất hiện những anh tài đứng ra gách vác trọng trách đất nước, góp sức đưa còn thuyền dân tộc cập bến vinh quang. Tự thân các thiền sư, thiền gia, Phật tử là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động chính trị, văn hóa qua các cuộc chiến tranh vệ quốc chống Tống và Nguyên Mông thần thánh. Do đó, các vị thiền sư, Phật tử tên tuổi thời này không chỉ có công với đất nước, gắn đạo pháp với dân tộc mà còn là nhà văn, nhà thơ dạt dào cảm hứng. Hầu hết các tác phẩm họ tham gia sáng tác đều xoay quanh vấn đề chính trị, hoặc các chủ đề khác nhau nhưng vẫn bày tỏ tấm lòng yêu nước, yêu đạo của mình liên hệ đến vấn đề quốc gia, dân tộc. Chính đây là cơ sở, là diện mạo làm nên nét đặc trưng toàn bộ thơ văn thiền Phật giáo Đại Việt thời Lý Trần.
Thực tế, những tác phẩm mang âm hưởng chính trị rõ nét như bài Quốc Tộ của thiền sư Pháp Thuận nói về vận nước; cho đến bài Thị Đệ Tử của thiền sư Vạn Hạnh diễn dịch triết lý hành động, suy nghĩ về đạo đức con người trước sự thịnh suy cuộc đời; rồi đến lời khuyên của Quốc sư Phù Vân trên núi Yên Tử đối với vua Trần Thái Tông trở về kinh đô vừa làm vua, vừa chuyên tâm tu hành để làm Phật khi nhà vua có sự bất đồng chính kiến với Trần Thủ Độ vào năm 1236 cũng nói lên tinh thần phóng khoáng, một quan điểm trị quốc an dân mang dấu ấn đặc thù của Phật giáo. Quốc sư phát biểu thật rõ ràng: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật”. Và“Phàm là bậc quân nhân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về thì Bệ hạ không về sao được! Duy chỉ có việc nghiên tầm kinh điển xin Bệ hạ đừng chút sao lãng mà thôi”. Trần Thái Tông thực hiện lời khuyên chân thành của Quốc sư, trở thành bậc minh quân xuất sắc của nhà Trần, đồng cũng là thiền gia chứng ngộ, đặt nền móng tư tưởng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời sau này với những tác phẩm thiền học đầy chất thi ca văn học cho cả thời đại.
2. Tính năng động thứ hai mà Phật giáo thể hiện trong quá trình hội nhập cần được bàn đến là mối quan hệ giữa Phật giáo và nhà nước qua các triều đại, qua các thời kỳ, bao giờ cũng song hành cùng nhau tồn tại và phát triển. Sự thật này đã được quy định rõ từ thời Mâu tử về chức năng và nhiệm vụ của Phật giáo thông qua sự phát biểu về con đường Phật giáo như đã nói trên. Các nhà lãnh đạo Phật giáo sau này, nhất là thời Lý Trần đã kế thừa và vận dụng tinh thần này một cách triệt để nên không bao giờ có sự tranh chấp giữa giáo quyền và thế quyền. Ngay cả khi những người Phật giáo trực tiếp tham gia chính trị và đầy đủ quyền uy và hội đủ các điều kiện cần thiết, họ vẫn không có tham vọng tách rời ý thức giữa giáo quyền và thế quyền theo một ý đồ, mục đích riêng tư nào cả. Các thiền sư, Phật tử hành đạo, ngộ đạo có đủ lý do để trả lời vì sao họ không có tham vọng xây dựng một giáo quyền áp đặt với chính quyền. Tinh thần vô trụ, vô ngã đã cung cấp cho người Phật tử một cái nhìn duyên sinh, duyên diệt trong tiến trình vận hành bao la của vũ trụ, kể cả cuộc đời con người. Vì thế, tự thân mỗi người Phật tử là không ngừng nỗ lực đi đến sự chứng ngộ mà không hề sợ hãi trước sự thay đổi của thế giới tự nhiên cũng thế giới con người. Đây chính là cơ sở, động lực mà giới Phật tử Đại Việt làm nên hào khí Đông A hào hùng bấy giờ, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Hơn nữa, đời sống đạo của người Phật tử cần thể hiện thái độ sống xả ly, tri túc, khoan dung độ lượng, nhất là biết tôn trọng con người là những vị Phật sẽ thành. Do đó, sự thiết lập giáo quyền trong đạo Phật là sự thật không bao giờ xảy ra trong lịch sử Phật giáo Đại Việt thời đó, và Việt Nam sau này.
Từ sự nhận thức như thế, các thiền sư Phật tử tham gia đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước không bao giờ đòi hỏi đất nước bất cứ điều gì mà chỉ nghĩ mình đã đóng góp gì cho đất nước. Chính điều này mà các nhà lãnh đạo quốc gia và nhân dân qua từng giai đoạn, qua thời đại đặt trọn niềm tin vào giới Phật giáo trong quá trình hội nhập. Thế nên, thơ văn của các thiền sư Phật tử bao giờ cũng cất lên tiếng nói yêu thương suy ngẫm về những thân phận con người, những nỗi niềm ưu đời mẫn thế, hoặc cất lên lời tán dương thiên nhiên hữu tình với bao kỳ quan của đất nước, thậm chí ghi lại sự trực cảm tâm linh trước giờ phút chứng ngộ, cũng không đi ra ngoài việc trả lời câu hỏi con đường Phật giáo là gì mà chúng ta đã nêu. Điều này càng khẳng định chủ trương của Phật giáo thời Lý Trần trước sau như một là đặt sự tồn vong của chính mình trong sự tồn vong của dân tộc Đại Việt. Hẳn nhiên sự tồn của dân tộc, của Phật giáo có tính liên hệ hữu cơ liên quan đến từng cá thể làm nên dân tộc và Phật giáo. Thế nên, Phật giáo dù có đề ra mục đích tối hậu của mình là giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết bàn, tức là mỗi cá nhân phải đạt đến giác ngộ giải thoát trong đời sống đạo thì mục tiêu đó chỉ thành tựu khi cá thể đó tự đặt mình trong tương quan tương duyên với từng cá thể khác nhau cùng tồn tại trong một cộng đồng. Cụ thể, nó lý giải quan điểm duyên sinh của Phật giáo, không ai có thể sống riêng biệt một mình mà phải sống hòa điệu với thiên nhiên, con người, xã hội làm nên tất cả. Từ đây, con người có một cái nhìn bao dung độ lượng với con người xung quanh và thế giới hiện hữu, nhất là ý thức sự cần thiết của niềm tin, của ý niệm hòa bình, đoàn kết và thân ái cùng nhau xây dựng một đời sống hạnh phúc thật sự. Kết qủa Phật giáo thời Lý Trần đã hiện thực hóa hào khí Đông A làm nên lịch sử huy hòang cho cả dân tộc.
3. Tính năng động thứ ba trong quá trình hội nhập mà là Phật giáo thể hiện đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là hệ quả tất yếu từ hai đặc trưng nói trên. Tại đây, nó không chỉ cho ta cái nhìn về văn hóa Đại Việt từ trong quá khứ hào hùng của cha ông tạo dựng mà còn từ nền văn hóa quá khứ ấy để xây một nền văn hóa mới nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, thích ứng với xu hướng hội nhập toàn cầu. Cụ thể một nền văn học dân tộc tiếp tục vận hành theo sự biến chuyển dòng mạch lịch sử dân tộc qua những áng văn chương mà chủ yếu của các thiền sư Phật tử. Những sáng tác của các vị tuy hiện nay không còn là bao, bởi do binh hoả chiến tranh, thiên tai lũ lụt, nhưng những gì còn lại có ghi trong Thiền uyển tập anh cũng đủ để chứng minh có một bộ phận văn học với một tiếng nói rất riêng trong văn chương Việt Nam: Văn học Phật giáo mà văn học Phật giáo thời Lý Trần là tinh hoa, đỉnh cao của văn học Phật giáo Việt Nam. Bộ phận văn học này là một thành tố không thể thiếu của văn học Việt Nam. Nó có diện mạo riêng, đặc điểm riêng trong dòng chảy văn học nói chung. Điều cần nhấn mạnh là văn học Phật giáo thời Lý Trần đã vinh dự là một bộ phận văn học chính thức mở đầu, có nhiệm vụ khai phá và mở đường cho văn học viết Việt Nam kể từ sau khi nước nhà giành độc lập. Những sáng tác đầu tiên của văn học viết cũng thuộc về nhà chùa mà tác giả của nó là những cao tăng đắc đạo. Và nếu yêu nước và nhân đạo là hai nội dung lớn, hai tư tưởng lớn, hai chủ đề xuyên suốt của văn học Việt Nam từ xưa đến nay thì văn học Phật giáo Lý Trần được vinh dự là một bộ phận văn học góp phần đặt nền móng vững chắc cho hai nội dung, tư tưởng, chủ đề nói trên.
Chỉ cần xem qua Thiền uyển tập anh và một số thư tịch cổ xưa khác cũng đủ minh hoạ cho lực lượng sáng tác văn học Phật giáo thời này thật hùng hậu. Tác giả của bộ phận văn học này chủ yếu là thiền sư, thứ đến là vua chúa, quý tộc, quan lại và một bộ phận nhỏ nho sĩ sùng mộ đạo Phật. Nội dung sáng tác thể hiện rõ thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo, triết lý, đạo đức, giáo dục, lễ nghi mang âm hưởng màu sắc văn hoá đạo Phật hoặc mang cảm hứng Thiền đạo. Về mặt thể loại ngoài kệ và thơ thiền là thể loại chiếm số lượng lớn, văn học Phật giáo còn có các thể loại khác như: sấm vĩ, từ khúc, ai, điếu, tán tụng, tụng cổ, niêm tụng kệ, ngữ lục, luận thuyết tôn giáo, bi, minh, ký, truyện truyền đăng, thiền phả... Nhìn ở góc độ thể loại văn học mà nói, việc các tác giả sử dụng nhiều thể loại để sáng tác đủ minh chứng cho tình hình sáng tác văn học Phật giáo thời kỳ này thật phong phú về nội dung phản ánh và hình thức thể hiện. Suy cho cùng, văn học Lý Trần, trong đó có văn học Phật giáo Lý Trần, theo quy luật chịu ảnh hưởng của hệ thống thể loại, thi pháp văn học trung đại, đậm đặc tính chức năng, giáo hoá, giáo huấn, bác học trang nhã, quy phạm, bút pháp ước lệ tượng trưng và chịu ảnh hưởng thế giới quan tôn giáo. Cho dù bộ phận văn học ấy được sáng tác dưới ánh sáng của tư tưởng Phật giáo Thiền tông nhưng tư tưởng ấy mang tính Tam giáo đồng nguyên đã được dung hoà rồi Việt hoá. Cho nên không lấy làm lạ, đọc các tác phẩm văn học thời này ta bắt gặp các yếu tố như điển tích, thi văn liệu lấy từ Thánh kinh Hiền truyện, các yếu tố ngôn ngữ của Nho, Lão. Đó chỉ là sự tiếp biến của nguyên lý nhà Phật “một là tất cả, tất cả là một”, sự thể hiện chẳng qua là “phương tiện quyền xảo” để giáo hoá mà thôi.
Rõ ràng, việc xác định cụ thể các thể loại, thể tài văn học thời Lý Trần, trong đó có văn học Phật giáo chỉ mang tính chất tương đối. Nguyễn Huệ Chi đã định hướng cho cách phân loại thể loại văn học Lý Trần như sau trong phần “Khảo luận văn bản”, trong bộ Thơ văn Lý Trần, tập 1:“Chỉ có thống kê tỷ mỷ tất cả mọi đặc điểm riêng và chung, về nghệ thuật cũng như về phương thức biểu hiện nội dung tác phẩm, của mọi thể thức viết văn mà thời đại Lý Trần đã thông dụng thì mới phân định được thật hợp lý các thể loại văn học Lý Trần. Những đặc điểm chung nhất và bền vững nhất cho một số hình thức văn chương sẽ có tác dụng tập hợp các hình thức đó vào trong một loại. Những đặc điểm thấp hơn, riêng biệt hơn và cũng kém bền vững hơn, sẽ làm cho mỗi loại phân thành nhiều thể. Và những đặc tính trung gian giữa từng loại, thể lại có tác dụng nối các loại các thể trong một chỉnh thể với nhau” [7].
Văn học Phật giáo đã thể hiện hầu hết các thể loại và không ngừng phát triển về hình thức thể hiện để đáp ứng nhu cầu đời sống văn học. Bằng chứng từ kệ và thơ thiền, tụng, từ khúc, bi, ký, minh… thể hiện ở các tác phẩm đời Lý thì sang đầu đời Trần và về sau đã xuất hiện thêm ca, tụng cổ, phú, luận thuyết tôn giáo, thơ trữ tình, thơ tự sự, các thể truyện, truyền đăng...Thậm chí, trong một tác phẩm lại dùng nhiều thể loại, thể tài để sáng tác như Khoá hư lục của Trần Thái Tông chẳng hạn.
Về ngôn ngữ, văn học Phật giáo Lý Trần bên cạnh sử dụng chữ Hán là chủ yếu thì còn sử dụng chữ Nôm để sáng tác. Dù mảng văn học chữ Nôm của bộ phận văn học này qua thư tịch hiện còn lại rất ít nhưng cũng phải khẳng định rằng nhà chùa là nơi đầu tiên chế tác ra chữ Nôm. Việc các nhà sư do yêu cầu thực hiện lễ nghi tôn giáo khi cầu nguyện cho thập phương bá tánh, cần ghi tên thí chủ, tên làng, tên xã vào các văn tự sớ điệp để hành lễ mà những tên tuổi, địa danh quê quán này trong chữ Hán không có.
Về sau, các vị Tổ phái Trúc Lâm đời Trần sử dụng chữ Nôm để sáng tác văn học đủ chứng tỏ sự tiếp biến ngôn ngữ văn tự nước ta thật hoàn mỹ, như là một gia sản quý báu, chứng tỏ bản lĩnh văn hoá của dân tộc đã được khẳng định, phát triển và nâng cao. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã viết: “Sự xuất hiện chữ Nôm đáng được coi như là một cái mốc lớn trên con đường tiến lên của lịch sử. Và kho tàng văn bản chữ Nôm cũng như bản thân chữ Nôm được coi như là một gia tài văn hoá quý báu của dân tộc ta” [8]. Tại đây, chúng ta có đủ cơ sở để lý giải sự phát triển sự không ngừng nền văn học thời kỳ này, nhất là văn học Phật giáo trên mọi phương diện, từ nội dung tư tưởng cho đến hình thức nghệ thuật biểu hiện tính dân tộc. Nó có tác động mạnh mẽ trong đời sống học thuật bấy giờ và định hướng cho văn hóa, giáo dục Việt Nam sau này.
4. Tính năng động thứ tư của Phật giáo trong quá trình hội nhập là sự thể nhập vào đời sống thực tiễn trên mọi lĩnh vực. Cụ thể, tinh thần nhập thế của Phật giáo trong sự đồng hành cùng dân tộc bảo vệ và xây dựng đất nước qua từng thời đại. Ngay từ thời du nhập, Phật giáo chức năng cũng hoàn thành sứ mệnh của nó, một mặt Phật giáo, trong đó chủ thể là các nhà sư và Phật tử phải tham gia tích cực cùng toàn dân chống lại đô hộ của phương Bắc Trung Hoa, một mặt phải chống lại nền văn hóa nô dịch đồng hóa xâ hội. Không phải ngẫu nhiên mô hình kiến lập quốc gia được thiết lập theo kết cấu “Đất vua – Chùa làng – Phong cảnh Bụt” được giới giới lãnh đạo Quốc gia và Phật giáo bấy giờ nỗ lực xây dựng nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, cũng là bảo vệ đạo pháp, bảo vệ văn hóa nước nhà. Ba thành tố đó thực chất chỉ là một, bởi vì suy cho cùng đất là của vua, tức là của dân; trong đó mỗi làng đều có chùa, mà chùa thì do sư ở và trông coi đời sống số đông quần chúng Phật tử thực thi đời sống đạo. Hóa ra, khắp cả nước đâu cũng có chùa, mà nhiều chùa trở thành phong cảnh Bụt là ước nguyện chung cả đồng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Và như thế Phật giáo đã hoàn thành sứ mệnh trong một bối cảnh lịch sử dân tộc ta phải luôn đối diện sự xâm lược phương Bắc một cách thường trực. Việc kiến thiết quốc gia, bảo lưu văn hóa nước nhà thông qua chương trình hành động cụ thể mà giới Phật giáo khuyến khích làm là:
“Xây chùa, dựng tượng, đúc chuông
Trong ba việc ấy thập phương nên làm”
Xây chùa là xây dựng tâm thức đời sống người dân Việt Nam bấy giờ sống theo nếp sống đạo. Chùa là cơ sở sinh hoạt văn hóa, giáo dục, đạo đức, tín ngưỡng cộng đồng duy nhất mà thời đó có thể thiết lập. Nhà chùa trở thành nhà trường, nhà sư trở thành nhà giáo, thầy thuốc, nhà địa lý, nhà kiến trúc ….khi mà mọi việc, mọi yêu cầu nhỏ nhất của mỗi người cho đến việc quốc gia đại sự đều được giải quyết từ trong những ngôi chùa làng thân thương. Có thể nói, bấy giờ chùa chiền được xây dựng phát triển thì góp phần phát triển đất nước, bởi vì nội lực cộng sinh cả dân tộc đều hình thành và lớn mạnh xuất phát từ trong đời sống sinh hoạt và tu tập ở các ngôi chùa. Dựng tượng là dựng lại hình ảnh ông Phật ở trong lòng phải được hóa hiện qua việc tu thân sửa tánh, hiếu thảo cha mẹ và chị em trong nhà, ra ngoài xã hội thì đóng góp cho dân cho nước mà Mâu Tử từng nói. Đúc chuông là đúc kết quá trình thực nghiệm tâm linh trong đời sống vốn biến động không ngừng để tỉnh thức mà hành xử cho đúng đạo lý làm người. Kết quả là dân tộc đã vượt ra khỏi sự đồng hóa văn hóa phương Bắc trong tâm thức người dân Việt.
Các tin tức khác
- Tâm hiếu trong dòng chảy văn học dân gian Việt Nam (26/06/2013 3:35)
- Sống trở về thực tại (26/06/2013 2:18)
- Những doanh nhân Việt thành đạt là Phật tử (25/06/2013 2:37)
- Thiền dành cho trẻ em (23/06/2013 4:03)
- Chấp tâm (22/06/2013 11:38)
- Can đảm buông bỏ (21/06/2013 3:57)
- Quay đầu lại là bờ giác (20/06/2013 3:24)
- Từ chối theo cách của bạn (19/06/2013 2:04)
- Khổ do chấp nhặt (19/06/2013 2:00)
- 5 nỗi hối hận của người sắp qua đời (17/06/2013 5:14)