Tính hiếu kỳ

5/11/2012 11:34
Sự hiếu kỳ khiến con người chạy theo những điều mới lạ, đắm say sắc đẹp hồng nhan, lang chạ vợ người, tốn hao tiền của. Chưa dừng lại ở đó mà còn chạy theo danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ,...

Chạy theo hoàn cảnh bên ngoài
Đắm say bao kiếp sắc, tài,... huyễn hư”

 
Khi thấy điều gì lạ lạ, ngộ nghĩnh, ta cứ nhanh chân, đâm đầu chạy nhanh vào cuộc một cách sốt sắng. Tính hiếu kỳ làm cho tâm mất chánh niệm, mất đi tính trầm lắng và yên tịnh của cõi lòng. Bao lâu rồi từ vô thỉ đến nay, bản tâm ta vẫn thanh tịnh thường hằng chiếu soi, nhưng bản tính hiếu kỳ khiến ta rong chơi lang thang tháng ngày với những chuỗi ngày vô định.
 
Sự nô đùa giữa chốn vô thường. Phải chăng ngũ dục quá mới lạ hấp dẫn, cho nên người chưa uống rượu thì muốn uống một chút cho biết, kết quả là trở thành tên say nghiện; người chưa hút thuốc thì muốn hút một chút cho biết dù tuổi còn rất nhỏ, để thể hiện là người lớn. Có người lại muốn thử cảm giác mới lạ, sự sôi động mạnh mẽ của vũ trường... để rồi:
 
“Ngũ dục giọt mật đắng cay
Bao người cứ tưởng ngọt ngây chấp hoài
Cho nên mới có những loài
Đọa sa bao kiếp danh tài còn đâu!”

 
Sự hiếu kỳ khiến con người chạy theo những điều mới lạ, đắm say sắc đẹp hồng nhan, lang chạ vợ người, tốn hao tiền của. Chưa dừng lại ở đó mà còn chạy theo danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ,...
 
“Cái vòng danh lợi cong cong
Người trông ra khỏi, kẻ mong nhảy vào.”


Có được tiền của rồi lại muốn có vợ đẹp, có gia đình rồi thì muốn có thêm một chút tiếng tăm, sự nghiệp, địa vị trong xã hội để sánh với người. Rồi cũng vì nuôi dưỡng cái thân mấy chục ký lô mà ta đã sát sinh hại vật, để ăn cho khoái khẩu, làm cho bao loài vô tội phải chết thảm thương. Ngày từng ngày, cứ chạy theo vật chất, vui sướng với ngũ dục - cái hạnh phúc mỏng manh mà ta cho là chân chân thật. Từ đó chẳng bao giờ có phút nào biết dừng lại, để sống với tâm Phật sáng chói bên trong.

Chỉ khi nào sống trong định tĩnh thì mọi hành động, việc làm, lời nói mới đúng pháp. Khi đó an vui có mặt và khổ đau vắng bóng. Bằng không ta xây tù sắt kiên cố, nhốt trói mình trong quằn quại đau đớn.

Chúng ta đã bao kiếp lang thang làm chàng cùng tử? Như trong kinh Pháp Hoa đã nói, mỗi người đều có “viên minh châu trong chéo áo” mà không biết sử dụng, cứ rong ruổi ăn xin nhiều nơi, cuối cùng cũng vẫn nghèo khổ rách rưới. Có được chăng là cảm giác vui buồn tạm giả. Có đỡ thèm khát chăng là nếm được một chút vị ngọt đầu môi, để đắng hoài trong cuống họng.

Nhưng suy ngẫm cho kỹ càng thì an lạc hay hạnh phúc, ô nhiễm hay thanh tịnh cũng chính là do nơi mình quyết định. Những đau khổ trong hiện tại là do nhân gieo tạo ban đầu không đúng đắn. Nhà Phật gọi là thiếu chánh tri kiến, cái thấy biết không đúng sự thật, nên mới dẫn đến hành động mê lầm, tà vạy. Hiểu được Phật pháp thì phải học chấp nhận, một việc ác nhỏ không làm, luôn nỗ lực hành thiện, giữ tâm ý sạch trong. Vậy thì an lạc hạnh phúc sẽ theo hoài bên ta.

Hiếu kỳ từ hành động dễ thấy nhưng sâu xa hơn là tận nguồn tâm thức. Tâm không có gì kiềm chế, trói buộc, không cột lại nên mới đi theo. Ý thức rong ruổi như khỉ chuyền cành, như ngựa hoang nơi đồng nội. Mà chúng ta không thể cứ phóng theo theo giọt mật giả tạo của ngũ dục được! Phải có dây cương của niệm Phật, lễ Phật, tụng kinh và vô lượng pháp môn khác để hành trì giữ tâm lại đến khi nào thuần thục mới thôi! Được vậy ta làm chủ được mình, tức là đồng nghĩa với nhận thức được khổ đau và giải thoát đau khổ.

Thiên Ấn (Chùa Hoằng Pháp)

Các tin tức khác

Back to top